“Trải nghiệm Quảng Nam” - Cơ hội quảng bá du lịch
Làng cổ Lộc Yên và thiên đường hải sản
Mới đây, hơn 20 tùy viên báo chí các cơ quan đại diện ngoại giao, phóng viên các hãng thông tấn báo chí nước ngoài có văn phòng thường trú tại Việt Nam đã tham gia chương trình “Trải nghiệm Quảng Nam”. Trong chương trình, đoàn đã đến tham quan, ghi hình tại Làng cổ Lộc Yên huyện Tiên Phước, chợ cá Tam Tiến huyện Núi Thành, không gian trưng bày TechFest Quảng Nam 2022 và Làng truyền thống đồng bào Cơ Tu, làng Pơr Ning, rừng nguyên sinh Pơ Mu huyện Tây Giang… Đặc biệt, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đã có buổi tiếp và làm việc với đoàn nhằm thông tin về tình hình kinh tế - xã hội, giới thiệu các tiềm năng thế mạnh, cơ sở vật chất, hạ tầng, tiềm năng phát triển du lịch, các sản phẩm đặc trưng của địa phương.
Ông Phùng Văn Huy, Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước cho biết, là địa phương đầu tiên đoàn đến tham quan, ghi hình thực hiện phóng sự giới thiệu, nên huyện đã tích cực chuẩn bị chu đáo nhằm mang đến sự hài lòng và ấn tượng. Tại huyện Tiên Phước, đoàn đã ghé thăm nhà cổ Nguyễn Huỳnh Anh, nghe thuyết minh về giá trị những ngôi nhà cổ, đặc biệt về văn hóa đá tại làng cổ Lộc Yên thuộc xã Tiên Cảnh - những yếu tố làm nên giá trị đặc trưng cho làng.
Làng truyền thống Cơ Tu được xây dựng trên ngọn núi cao A Tiêng, nơi đoàn đến trải nghiệm |
Năm 2019, làng cổ Lộc Yên được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận di tích cấp quốc gia, nơi đây còn lưu giữ 8 ngôi nhà cổ có niên đại từ trên 150 năm tuổi, được xây dựng theo kiểu thức nhà ba gian hai chái. Không gian nhà cổ - ngõ đá - vườn - ruộng - đồi núi - sông suối hài hòa, thân thiện tạo nên vẻ đẹp đặc trưng đậm chất trung du miền núi. Trung bình mỗi năm làng cổ Lộc Yên có khoảng 10 nghìn khách đến tham quan, trải nghiệm.“Trong các tờ rơi gửi cho đoàn chúng tôi giới thiệu những tiềm năng phát triển du lịch của Tiên Phước, nhất là du lịch sinh thái gắn với phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại, du lịch trải nghiệm, các lợi thế thiên nhiên, thắng cảnh, giá trị văn hóa lịch sử và con người… Hy vọng sau chuyến tham quan trải nghiệm của đoàn, hình ảnh mảnh đất, con người Lộc Yên nói riêng, Tiên Phước nói chung sẽ được lan rộng rãi hơn đến du khách gần xa” - ông Huy chia sẻ.
Tại chợ biển Tam Tiến là chợ truyền thống lâu đời tại huyện Núi Thành được mệnh danh là “ Thiên đường hải sản”, những vị khách mời đã tận mắt cảm nhận đời sống tất bật của ngư dân cùng nhiều sắc màu sống động của sản vật hòa lẫn vị mặn chát của biển. Chợ biển Tam Tiến nằm trên một bãi cát thoai thoải dài, bày bán các loại hải sản tươi sống mới được đánh bắt về. Thông thường ngư dân sẽ ra khơi khoảng 3giờ chiều hôm trước, tới 3giờ sáng hôm sau thì trở về đất liền. Lúc này, người nhà, thương lái nhộn nhịp tụ họp để chờ mua hải sản. Điều đặc biệt, chợ Tam Tiến chỉ họp vào mùa hè, nên du khách tới Quảng Nam vào thời điểm này thường ghé chợ để mua hải sản tươi ngon, quan sát hoạt động của cư dân bản địa để có thêm nhiều trải nghiệm thú vị.
Ông Matsushita Keigo - đại diện hãng Kyodo News (Nhật Bản) chia sẻ, có rất nhiều ấn tượng đọng lại qua hành trình, ở các điểm đến ẩm thực đều rất ngon và hội tụ được nhiều tiềm năng để phát triển du lịch nông nghiệp. Các làng quê ở Quảng Nam còn bảo tồn gần như nguyên vẹn giá trị cũ, đây là nền tảng để tạo ra các sản phẩm trải nghiệm cao cấp cho du khách, nhất là những du khách đã quá quen thuộc với nhịp sống nơi đô thị.
Quảng bá thế mạnh vùng Tây Quảng Nam
Ông Lê Ngọc Tường, Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Quảng Nam cho biết: “Trải nghiệm Quảng Nam” là một sự kiện quan trọng nhằm giới thiệu các sản phẩm du lịch xanh của địa phương thông qua kênh truyền thông quốc tế, tạo cơ hội mở rộng hợp tác với các đối tác nước ngoài. Đặc biệt là giúp quảng bá hình ảnh, con người, văn hóa, tiềm năng thế mạnh vùng Tây Quảng Nam.
Tây Giang được kỳ vọng sẽ là điểm du lịch trải nghiệm đầy tiềm năng của Quảng Nam. Trong thời gian lưu trú tại đây, đoàn đã tham quan ghi hình, thực hiện phóng sự trải nghiệm cuộc sống thực tế của đồng bào Cơ Tu tại làng Pơr Ning. Đặc biệt đoàn tùy viên báo chí và các nhà báo nước ngoài đã tìm hiểu về bản sắc văn hóa làng và việc bảo tồn, gìn giữ phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của người Cơ Tu. Được đánh giá là một quần thể kiến trúc độc đáo có một không hai của dân tộc Cơ Tu hiện nay tại Việt Nam, làng truyền thống Cơ Tu được xây dựng trên một ngọn núi cao thuộc xã A Tiêng, làng được các nhà chuyên môn đánh giá là một quần thể giàu tính thẩm mỹ, mang đậm bản sắc văn hóa Cơ Tu và vừa được Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam trao bằng chứng nhận bảo trợ di sản.
Chính giữa làng là nhà gươl truyền thống mang chức năng cộng đồng và được xem là “linh hồn” của làng như đình làng của người Kinh. Người Cơ Tu coi làng nào không có nhà gươl tức là không còn gốc truyền thống văn hoá. Do vậy, khi lập làng, dựng nhà, họ đều chọn đất để dựng nhà gươl đầu tiên. Bên trong mỗi nhà gươl được chạm trổ điêu khắc rất nghệ thuật với những hình ảnh động vật, săn bắt thú hoang, các hoa văn, họa tiết rất độc đáo như: rắn, người, trâu, voi…12 ngôi nhà tại làng truyền thống đều được phục dựng nguyên bản với chất liệu làm bằng gỗ, lợp bằng lá. Với những kiến trúc tiêu biểu, làng văn hóa truyền thống giống như một “bảo tàng” về văn hóa kiến trúc và điêu khắc của người Cơ Tu Tây Giang.
Nằm cách trung tâm huyện Tây Giang về phía tây khoảng 35- 40km, thuộc địa phận 2 xã Tr’hy và Axan, trên đỉnh núi Zi’liêng có một quần thể rừng Pơ mu cổ với khoảng hơn 1.200 cây, trong đó có hơn một nửa số cây có độ tuổi từ khoảng 300 đến 1.000 tuổi đã được công nhận là Cây di sản. Được xem là loài cây linh thiêng của người Cơ Tu ở vùng cao Tây Giang. Trong khi rừng tự nhiên đang bị tàn phá tan hoang khắp chốn, thì cánh rừng Pơ mu nguyên sinh nghìn năm tuổi này đang được người Cơ Tu bảo vệ và gìn giữ trọn vẹn từ nhiều đời nay như mạng sống của chính họ.
Năm 2017, chính quyền huyện Tây Giang đầu tư Làng du lịch sinh thái Pơ mu với những ngôi nhà sàn truyền thống nằm gần khu rừng Cây di sản Việt Nam. Đây là nơi tiếp đón du khách đến tham quan, thưởng lãm và nếu có nhu cầu lưu trú, du khách đăng ký để được khám phá không gian huyền bí giữa núi rừng… Hằng năm, vào tháng 2 dương lịch, UBND huyện Tây Giang phối hợp với các xã tổ chức lễ hội Tạ ơn rừng với những nghi thức mang đậm dấu ấn văn hóa tâm linh truyền thống của đồng bào Cơ Tu ở huyện miền núi giáp với nước bạn Lào. Đây cũng là dịp theo quan niệm của đồng bào Cơ Tu là thời điểm tốt nhất trong năm để mở cửa rừng. Sau lễ này, người dân mới vào rừng săn bắn, thu hái sản vật.
Ông Arất Blúi, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang chia sẻ: Tại đây, đoàn tham quan đã tham dự chương trình tái hiện lễ hội khai năm tạ ơn rừng và ghi hình giới thiệu cảnh đẹp, công tác bảo vệ và phát huy giá trị rừng nguyên sinh Pơ Mu. Kỳ vọng sau chuyến khảo sát lần này công tác quảng bá, thu hút đầu tư du lịch, nhất là đầu tư cơ sở hạ tầng sẽ được quan tâm đẩy mạnh hơn nhằm phát huy hết tiềm năng, lợi thế của địa phương.