Trái phiếu doanh nghiệp 2022: Sẽ tăng cả “chất” và “lượng”
Quy định mới về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ | |
Tổ chức tín dụng chỉ được mua trái phiếu doanh nghiệp khi có tỉ lệ nợ xấu dưới 3% | |
Ngăn ngừa rủi ro khi đầu tư trái phiếu doanh nghiệp |
Thị trường vẫn tiếp tục sôi động
Phát biểu tại Tọa đàm: “Triển vọng đầu tư 2022 - FiinGroup Invest Summit”, bà Trương Minh Trang - Giám đốc Điều hành, Dịch vụ Thông tin Tài chính, FiinGroup thông tin, trong năm 2021, trái phiếu đã trở thành một kênh đầu tư đại chúng với quy mô phát hành lên tới 659 nghìn tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng kép trong vòng 5 năm qua là 55,4%/năm, hiện có khoảng 300 nghìn nhà đầu tư đã tham gia vào thị trường TPDN. Theo thống kê, nhóm ngân hàng và các doanh nghiệp bất động sản vẫn là những đơn vị dẫn đầu về khối lượng phát hành. Trong cơ cấu phát hành, nhóm ngân hàng chiếm khoảng 35%; 65% còn lại là nhóm phi tài chính, trong đó chủ yếu là bất động sản.
Ông Lê Hồng Khang - Trưởng phòng, Dịch vụ Xếp hạng tín nhiệm, FiinRatings cũng cho biết, thị trường trái phiếu hiện đã trở thành một trong những kênh dẫn vốn quan trọng của nền kinh tế, tuy nhiên quy mô của thị trường hiện mới chiếm khoảng 15% GDP, thấp hơn nhiều so với một số nước trong khu vực như Malaysia là hơn 50%, Singapore là gần 40%... Như vậy dư địa tăng trưởng còn rất lớn.
Ông Khang cho rằng, trong năm 2022 lượng phát TPDN dự báo sẽ rất sôi động bởi hai lực dẫn chính. Cụ thể, thống kê cho thấy 60% lượng trái phiếu đang lưu hành trên thị trường sẽ đáo hạn trong hai năm tới, giữa thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nhiều, một số doanh nghiệp bị đóng băng hoạt động kinh doanh, áp lực phải phát hành trái phiếu mới để tái tài trợ cho các khoản nợ đến hạn rất lớn. Mặt khác, khi hoạt động kinh tế khôi phục, giãn cách nới lỏng thì các doanh nghiệp, nhất là trong lĩnh vực bất động sản sẽ có nhu cầu huy động vốn để tài trợ xây mới, tiếp tục các dự án hiện tại.
Trong khi đó hành lang pháp lý cũng có những thay đổi như Thông tư số 16/2021/TT-NHNN thay thế Thông tư số 22/2016/TT-NHNN ngày 30/6/2016 quy định việc TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua TPDN có hiệu lực từ ngày 15/1/2022 và Dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch TPDN riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán TPDN ra thị trường quốc tế theo hướng thắt chặt điều kiện phát hành... Tất cả những thay đổi này dự báo sẽ ảnh hưởng đến doanh nghiệp có năng lực tín dụng thấp và doanh nghiệp muốn phát hành thành công thì sẽ nâng lãi suất phát hành lên mức cao hơn. Do đó, nền lãi suất trái phiếu của doanh nghiệp năm nay sẽ cao hơn năm 2021.
Nâng cao chất lượng
Trao đổi tại tọa đàm, các chuyên gia đều đồng tình đánh giá, không chỉ tác động đến mặt bằng lãi suất trên thị trường trái phiếu, sự thay đổi về hành lang pháp lý cũng sẽ đưa thị trường này đi vào khuôn khổ, tăng cường nhiều hơn về “chất” theo hướng minh bạch hơn, tiệm cận với thông lệ quốc tế, hạn chế rủi ro cho nhà đầu tư.
Cụ thể, Thông tư 16 nêu rõ các ngân hàng không được bán và mua lại trái phiếu của doanh nghiệp chưa niêm yết trong vòng 12 tháng. Ngoài ra, còn quy định các ngân hàng chỉ được mua TPDN khi nợ xấu dưới 3%.
Trong khi Dự thảo sửa đổi Nghị định 153 có một số nội dung đáng chú ý. Chẳng hạn, Dự thảo sửa đổi quy định về mục đích phát hành trái phiếu, bổ sung quy định về xếp hạng tín nhiệm đối với một số loại trái phiếu phát hành. Một số quy định về cách thức xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là đối tượng được phép đầu tư và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ; quy định về thời hạn và nội dung công bố thông tin cũng được sửa đổi tại Dự thảo sẽ khắc phục những bất cập thời gian vừa qua, tăng cường tính minh bạch của doanh nghiệp phát hành trái phiếu và việc sử dụng vốn phát hành trái phiếu của doanh nghiệp.
Theo ông Lê Hồng Khang, đối với các thay đổi quy định trên, các tổ chức phát hành sẽ cân nhắc hướng tới phát hành đại chúng nhiều hơn chứ không chỉ phát hành riêng lẻ nữa, chủ động nâng cao hồ sơ tín nhiệm của mình để có thể tăng khả năng huy động vốn, thị trường sẽ phát triển theo hướng tích cực hơn.
Với những dự báo nêu trên, các chuyên gia cho rằng TPDN sẽ tiếp tục là một kênh đầu tư hiệu quả mà các nhà đầu tư có thể cân nhắc trong năm nay. Tuy nhiên, để phân biệt được “vàng” và “thau” thì cần nắm chắc những nguyên tắc nhất định.
Trong đó, các chuyên gia chỉ ra hai nhóm thông tin mà nhà đầu tư cần quan tâm khi lựa chọn TPDN. Thứ nhất, với nhóm thông tin về đơn vị phát hành trái phiếu, nhà đầu tư cần tìm hiểu rõ lịch sử thành lập, lĩnh vực kinh doanh, quy mô kinh doanh, kết quả kinh doanh hai năm gần nhất, một số chỉ tiêu tài chính cơ bản và xếp hạng tín nhiệm. Thứ hai là nhóm thông tin về trái phiếu phát hành, nhà đầu tư cần nắm rõ mục đích phát hành, dự án đầu tư, thời gian đầu tư và phương án trả gốc lãi, thời gian đáo hạn và lãi suất; thông tin về tài sản bảo đảm; thông tin về bảo lãnh thanh toán hay cam kết mua lại.
Đối với các TPDN có tài sản bảo đảm cũng cần xem xét giá trị định giá tài sản đảm bảo bởi đơn vị nào. Các trái phiếu được bảo đảm bởi bất động sản và tài sản từ vốn vay cũng rất rủi ro, bởi lẽ các tài sản này nếu không hoàn thành đúng kế hoạch đầu tư thì giá trị tài sản đảm bảo cũng bị ảnh hưởng đáng kể. Ngoài ra, thời gian xử lý tài sản đảm bảo kéo dài cũng sẽ ảnh hưởng tới khả năng thu hồi vốn của nhà đầu tư. Bên cạnh đó, các tài sản đảm bảo là cổ phiếu có mức độ dao động lớn và phụ thuộc nhiều vào năng lực tín dụng của tổ chức phát hành, do đó khi xảy ra sự kiện vi phạm, giá trị bảo đảm bằng cổ phiếu sẽ sụt giảm nhanh chóng.
Đối với trái phiếu có bảo lãnh, cần phải xem xét năng lực tín dụng của cả doanh nghiệp và đơn vị bảo lãnh, không hẳn là các trái phiếu được bảo lãnh đã an toàn hơn trái phiếu không được bảo lãnh.
Để có thể đánh giá chất lượng nhà phát hành, chuyên gia mách nước cần xem xét tới đòn bẩy tài chính của doanh nghiệp thông qua nợ vay ngắn hạn, dài hạn, đầu tư tài chính ngắn hạn, khả năng chi trả lãi vay, khả năng chi trả nợ gốc.
Một điểm cần chú ý nữa trên thị trường hiện nay đó là sự phân hóa về lãi suất trái phiếu chưa tương quan với kết quả xếp hạng tín nhiệm. Đơn cử như một số trái phiếu có mức độ rủi ro rất cao đang được phát hành với lãi suất tương đương với các trái phiếu có mức độ rủi ro ở mức thấp hơn nhiều. Vì vậy, chuyên gia nhấn mạnh nhà đầu tư cần cân nhắc, lựa chọn thật kỹ và sử dụng các công cụ pháp lý để bảo vệ chính mình.