Trăn trở thị trường cho quế Trà My
Mở rộng thị trường xuất khẩu cho miền Trung - Tây Nguyên Đưa sản phẩm Việt vào thị trường xuất khẩu mới |
Thị trường xuất khẩu ngưng trệ
Đến nay, theo thống kê của UBND huyện Bắc Trà My (Quảng Nam), toàn huyện hiện có khoảng 2.000 ha quế, sản lượng khai thác đạt hơn 400 tấn/năm. Trên địa bàn huyện có 4 HTX và 10 hộ kinh doanh đang tham gia sản xuất và đưa ra thị trường trong và ngoài nước hơn 70 sản phẩm từ quế Trà My.
Ông Nguyễn Hồng Vương, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bắc Trà My cho biết, địa phương đã xây dựng bộ quy trình phát triển cây quế theo các phương thức trồng, bảo đảm tiêu chuẩn từ xác định vùng trồng, cây giống, chăm sóc, phòng trừ dịch hại, thu hoạch, chế biến, bảo quản sản phẩm đạt tiêu chuẩn cho từng phân khúc thị trường trong nước và quốc tế. Đồng thời, xây dựng một số mô hình phát triển cây quế theo chuỗi giá trị, để làm cơ sở thúc đẩy, nhân rộng, phát triển hướng sản xuất hàng hóa bền vững.
Sản phẩm quế có thể sử dụng trong món ăn, đồ uống; thực phẩm, công nghiệp đồ uống |
Bên cạnh đó, trong những năm qua, UBND huyện Bắc Trà My còn đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, giới thiệu tiềm năng của cây quế thông qua việc tham gia các hội chợ, diễn đàn, hoạt động quảng bá sản phẩm. Sản phẩm quế còn được quảng bá trên các sàn thương mại điện tử, trang mạng xã hội, trang web bán hàng online. Chính quyền địa phương cũng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm quế đến thị trường các nước Đông Âu, Nga, Thái Lan, Singapore và đặc biệt là Trung Quốc… Với đặc điểm có mùi thơm, vị cay nồng đặc trưng, chứa hàm lượng tinh dầu cao nên quế Trà My được nhiều người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng.
Tuy nhiên, theo đại diện Sở Công thương Quảng Nam, thời gian gần đây do thị trường xuất khẩu bị ngưng trệ, chất lượng quế Trà My giảm sút nên thị trường tiêu thụ bị thu hẹp dần, người dân địa phương phải chặt bỏ nhiều diện tích quế để trồng các loại cây khác có giá trị kinh tế hơn… Ông Phạm Minh Sỹ, đại diện Hợp tác xã quế Trà My Minh Phúc (Bắc Trà My) chia sẻ, đơn vị được xem là mô hình hợp tác xã trẻ, khởi nghiệp với chuỗi liên kết sản xuất tuần hoàn, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới để nâng cao thương hiệu quế Trà My. Song hiện nay đầu ra các sản phẩm từ quế còn manh mún, chủ yếu ở thị trường trong nước, chưa tận dụng được thị trường FTA để xuất khẩu. Hơn nữa, còn gặp khó khăn về mùa vụ. Đối với quế Trà My, hiện chỉ thu hoạch từ tháng 3 đến tháng 5 hằng năm, còn mùa vụ tháng 8 hầu như không khai thác được…
Sản phẩm cần có thương hiệu
Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay cũng như các địa phương khác sản phẩm quế Trà My chủ yếu được các thương lái thu mua và xuất khẩu tiểu ngạch qua thị trường Trung Quốc. Diện tích trồng còn chưa tập trung, việc nghiên cứu phát triển chất lượng sản phẩm còn hạn chế; nguồn nguyên liệu sản xuất chưa có tính ổn định cao, chưa đáp ứng đủ cho nhu cầu thị trường xuất khẩu đòi hỏi tiêu chuẩn cao. Đặc biệt, hầu hết các sản phẩm đều chưa xây dựng được thương hiệu trên thị trường...
Theo ông Lê Minh Thảo, Phó Chủ tịch Hội Sâm núi Ngọc Linh và quế Trà My, để đưa các sản phẩm từ quế xuất khẩu sang nước ngoài cần thương hiệu. Tuy nhiên, về chỉ dẫn địa lý hiện nay chưa có đăng ký bảo hộ ở các thị trường trọng điểm... Đồng quan điểm, ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho rằng, các doanh nghiệp còn tư duy làm “thô”, chưa chú trọng làm thương hiệu; chưa quan tâm đúng mức về phát triển thương hiệu bền vững, thiếu kết nối, hợp tác giữa các doanh nghiệp với nhau dẫn đến việc chưa tận dụng được FTA, để nâng vị thế ngành quế Việt Nam ở các thị trường xuất khẩu chính.
Trong khi đó, nhìn chung các sản phẩm quế có phạm vi ứng dụng rất rộng, có thể sử dụng trong món ăn, đồ uống; sản phẩm thực phẩm, công nghiệp đồ uống hay dược phẩm, mỹ phẩm, dịch vụ chăm sóc sức khỏe và vẻ đẹp con người... Bởi vậy, để ngành quế trong nước nói chung và quế Trà My nói riêng phát triển hơn nữa trong thời gian tới, cũng theo ông Ngô Chung Khanh, cần tăng cường tìm kiếm đối tác, kết nối khách hàng cho doanh nghiệp; xây dựng hệ sinh thái cho ngành (cơ quan trung ương, địa phương, hiệp hội, công ty xuất khẩu chính, công ty tư vấn, nông dân, công ty cung cấp nguyên liệu đầu vào…); tăng cường các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp thiết thực hơn. Chính quyền địa phương cũng cần duy trì nguồn gen bản địa để giữ ưu thế đặc thù hương liệu và chất lượng của cây quế.
Trong khi đó, về phía các doanh nghiệp phải lên chiến lược quảng bá gắn với tính chất đặc thù, kết nối cung cầu và phân phối, phát triển thị trường. Đồng thời, xác định và xây dựng tầm nhìn phát triển thị trường dài hạn một cách bài bản, chuyên nghiệp. Truy xuất nguồn gốc, chú trọng quảng bá chỉ dẫn địa lý. Nỗ lực kết nối, xuất khẩu sản phẩm quế sang các nước có nhu cầu cao để gia tăng giá trị cây quế.