Mở rộng thị trường xuất khẩu cho miền Trung - Tây Nguyên
Tăng cường kết nối giao thương
Khu vực miền Trung - Tây Nguyên được đánh giá là khu vực giàu tiềm năng, lợi thế phát triển, hứa hẹn trở thành một vùng kinh tế năng động của cả nước. Tốc độ tăng trưởng của khu vực bình quân hàng năm đạt từ 9,5 đến 11%.
Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng kinh tế đã từng bước hoàn thiện với sự hình thành và phát triển của các khu công nghệ cao. Đến nay, trong khu vực có 57 khu công nghiệp, 7 khu kinh tế, 4 cảng nước sâu, 166 cụm công nghiệp, 132 siêu thị, 21 trung tâm thương mại… Miền Trung - Tây Nguyên đã và đang trở thành địa chỉ hấp dẫn thu hút đầu tư trong và ngoài nước...
Nhằm tạo cơ hội tìm kiếm và mở rộng thị trường xuất khẩu cho các doanh nghiệp trong khu vực, mới đây, tại TP. Đà Nẵng, hội nghị “Kết nối giao thương giữa nhà cung cấp khu vực miền Trung - Tây Nguyên với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại” đã được tổ chức.
Đây là dịp kết nối giao thương, trưng bày giới thiệu sản phẩm góp phần hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp khu vực miền Trung - Tây Nguyên, tìm được cơ hội hợp tác, xúc tiến xuất khẩu các sản phẩm của doanh nghiệp trực tiếp hoặc thông qua các hệ thống phân phối nước ngoài, thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của từng địa phương...
Trong dịp này, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) đã phối hợp với các Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Úc tổ chức chương trình kết nối giao thương trực tiếp giữa các doanh nghiệp xuất khẩu ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên với các nhà phân phối để thúc đẩy xúc tiến thương mại vào các thị trường này.
Cà phê là một trong những sản phẩm xuất khẩu chủ lực ở miền Trung - Tây Nguyên. |
Cũng như cả nước, kể từ thời điểm đại dịch Covid-19 bị đẩy lùi, tình hình kinh tế trong khu vực đã có nhiều khởi sắc, trong đó có xuất khẩu.
Theo bà Lê Thị Kim Phương - Giám đốc Sở Công thương TP. Đà Nẵng, 6 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của thành phố ước đạt trên 1 tỷ USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2021. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực gồm dệt may, thủy sản, thiết bị điện và sản phẩm điện tử, thủ công mỹ nghệ và sản phẩm gỗ, cao su thành phẩm, đồ chơi trẻ em đều có mức tăng trưởng ấn tượng trong 6 tháng đầu năm 2022 với mức tăng trung bình trên 20%. Đến nay, các doanh nghiệp Đà Nẵng đã xuất khẩu đi khoảng 120 quốc gia, vùng lãnh thổ. Trong đó, chủ yếu tập trung ở các thị trường Nhật Bản, Hoa Kỳ, EU...
Cũng theo bà Phương, việc tham gia hội nghị lần này tạo cơ hội để doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh của địa phương gặp gỡ để kết nối tiêu thụ, giới thiệu sản phẩm xuất khẩu... sau thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Doanh nghiệp cần nắm bắt cơ hội
Trên thực tế, kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát năm 2020 và lan rộng ra khắp thế giới gây ảnh hưởng đến nền kinh tế các nước, nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh. Thị trường xuất khẩu gặp khó khăn, thiếu hụt nguyên liệu... dẫn tới ngưng trệ sản xuất, gián đoạn thị trường, khiến các doanh nghiệp phải điều chỉnh chiến lược kinh doanh cho phù hợp với tình hình mới...
Bởi vậy, việc triển khai các đề án cấp quốc gia về xúc tiến thương mại hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã ở các địa phương là hết sức cần thiết nhằm kết nối giao thương, tăng cường kết nối cung cầu nội địa, tiêu thụ sản phẩm trong nước, đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước với sức tiêu thụ của người dân. Đồng thời, hỗ trợ các nhà cung ứng địa phương kết nối với các doanh nghiệp chế biến, thu mua xuất khẩu, các tổ chức xúc tiến thương mại quốc tế, qua đó các sản phẩm tiềm năng của các địa phương tại Việt Nam trong đó có khu vực miền Trung - Tây Nguyên dần thâm nhập và phát triển tại các thị trường quốc tế.
Trong đó, theo đại diện các Thương vụ Việt Nam tại các thị trường tiềm năng như, Hoa Kỳ hay Úc, hiện nhiều thương hiệu nông sản, hàng hóa Việt Nam trong đó có miền Trung - Tây Nguyên ngày càng được người tiêu dùng tại các quốc gia này ưa chuộng. Các doanh nghiệp cần nắm bắt cơ hội, chú trọng trong khâu sản xuất, nuôi trồng và áp dụng khoa học công nghệ để bảo quản sản phẩm xuất khẩu tới các thị trường quốc tế…
Để mở rộng thị trường xuất khẩu các doanh nghiệp trong khu vực cần tập trung hệ thống các tiêu chuẩn trước khi đưa hàng hóa vào hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại và hệ thống phân phối. Đơn cử, để hàng hóa, nông sản ở khu vực đến gần hơn người tiêu dùng tại Úc, ông Nguyễn Phú Hòa - Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Úc cho rằng, các địa phương, người trồng và doanh nghiệp cần quan tâm sản xuất những sản phẩm phù hợp với yêu cầu của thị trường.
Hiện, các chương trình xúc tiến thương mại do Thương vụ Việt Nam tại Úc tổ chức đã tạo hiệu ứng tiêu dùng lớn đối với người dân và doanh nghiệp. Nhiều thương hiệu nông sản, hàng hóa Việt Nam ngày càng chiếm được cảm tình của người tiêu dùng tại đây. Bởi vậy, tiềm năng xuất khẩu nông sản của khu vực sang thị trường Úc là rất lớn. Những doanh nghiệp đáp ứng được yêu cầu nhập khẩu từ thị trường này sẽ có cơ hội gia tăng hoạt động thương mại.
Trong khi đó, theo ông Đỗ Ngọc Hưng - Tham tán Công sứ, Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ, tính đến hết tháng 5/2022, Việt Nam là đối tác thứ 7/15 đối tác lớn nhất của Hoa Kỳ và là nước xuất khẩu lớn thứ 6 vào Hoa Kỳ (chiếm 3,6% tổng kim ngạch xuất khẩu của các nước vào Hoa Kỳ). Các nhóm hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Hoa Kỳ trong năm 2021 và những tháng đầu năm 2022 gồm: gỗ nội thất, thủy sản, cao su và sản phẩm cao su…
Để xuất khẩu, tiêu thụ các sản phẩm của Việt Nam tại thị trường Hoa Kỳ có thể thông qua các kênh như: các chuỗi cung ứng của các công ty đa quốc gia, đầu mối nhập khẩu và phân phối tại Hoa Kỳ, các kênh thương mại điện tử và cuối cùng là các nước thứ ba.
Thông qua các kênh phân phối trên, có một số nhóm mặt hàng có nhiều thế mạnh như: giày dép, dệt may, gỗ, thiết bị điện tử, thiết bị cơ khí, vật liệu xây dựng và 6 nhóm hàng hoa quả tươi đã được cấp phép gồm: nhãn, xoài, thanh long, vú sữa và chôm chôm… đã được xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Trong đó, đối với các địa phương trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên, một số nhóm hàng có cơ hội xuất khẩu rất cao như: ca cao và các sản phẩm từ ca cao, cà phê hay các sản phẩm cà phê; bánh kẹo… Các doanh nghiệp xuất khẩu trong khu vực nên nắm bắt cơ hội, khai thác hiệu quả những tiềm năng từ thị trường rộng lớn này.