Tránh gây xáo trộn trên thị trường tiền tệ
Nâng cao vị thế tiền đồng, tạo niềm tin đối với nhà đầu tư | |
Huy động vốn trong dân, bài toán có dễ giải? | |
Huy động ngoại tệ giảm mạnh |
Ông Nguyễn Đức Thành |
Liên quan đến chủ trương của Chính phủ về huy động nguồn lực tư nhân trong đó có ngoại tệ, vàng, phóng viên đã có cuộc trao đổi nhanh với TS. Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách - VERP để hiểu rõ hơn chủ trương này.
Theo ông lý do nào mà Chính phủ lại tiếp tục đề cập tới vấn đề tìm giải pháp huy động ngoại tệ trong dân?
Tôi cho rằng, chủ trương mà Chính phủ đưa ra là vì mục tiêu chung cho nền kinh tế. Nhưng điều này sẽ tạo gánh nặng cho NHNN khi mà họ đang phải thực hiện nhiều mục tiêu cùng lúc cho Chính phủ, hơn nữa họ cũng không có đủ công cụ để thực hiện. Và như vậy có thể sẽ gây ra những xáo trộn không cần thiết trên thị trường tiền tệ.
Ông có thể giải thích rõ hơn?
Tôi lấy hình ảnh ví von về một đội hình lính chuyên nghiệp để thấy nếu sự phân công, phân nhiệm không đúng người đúng việc có thể làm hỏng công việc lớn. Trong một đội lính với nhiều người giỏi, có nghiệp vụ tốt nhưng chưa chắc đã lập được đội hình đẹp, chuyên nghiệp nếu sự phân công trách nhiệm bị chồng chéo, người này dẫm lên chân người kia. Trong khi đó, tân binh mới chỉ được học đi mốt hai mốt nhưng ông nào nghiêm túc làm theo đúng lề lối, nhiệm vụ được phân công và duy trì nguyên tắc đó, khi ghép lại họ sẽ được một đội hình lính chuyên nghiệp. Điều đó cho thấy nếu không có sự phối hợp nhịp nhàng, phân công công việc hợp lý thì chúng ta sẽ chỉ có một nhóm vũ trang lộn xộn.
Vậy theo ông giải pháp nào có thể huy động nguồn lực này để đầu tư cho nền kinh tế hiệu quả?
Có nhiều cách để huy động và sử dụng nguồn lực ngoại tệ này. Không hẳn cứ phải NH đứng ra huy động vốn ngoại tệ để hút tiền trong dân cư cất vào kho NH mới là huy động. Ví như, NHNN kiên định mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ nâng cao giá trị đồng VND. Khi người dân yên tâm hơn về giá trị của đồng tiền VND, thay vì giữ người dân sẽ bán đồng bạc xanh và tài sản khác nhận tiền đồng gửi tiết kiệm với lãi suất tốt hơn. Theo tôi, đây chính là một cách huy động nguồn lực ngoại tệ hữu hiệu mà NHNN đã làm tốt trong thời gian qua.
Trong khi đó nếu NHNN nâng lãi suất tiền gửi USD lên, người dân sẽ lại mua USD gửi vào NH nhiều hơn. Tức là lại khuyến khích người dân nắm giữ ngoại tệ và làm tăng tình trạng đô la hoá lên. Như thế làm giảm hiệu quả chính sách tiền tệ cụ thể là giá trị đồng VND bị giảm, trong khi USD lại trở nên hấp dẫn hơn và tình hình có thể diễn biến phức tạp hơn.
Mặt khác, khi dòng vốn NH đang tiếp tục chảy mạnh, cung ứng đủ nhu cầu vốn cho nền kinh tế thì không có lý do gì chúng ta lại giao thêm nhiệm vụ này để tạo gánh nặng trách nhiệm cho NHNN vốn đang chịu nhiều áp lực thực thi chính sách của Chính phủ. Như tôi nói ở trên, nếu giao quá nhiều nhiệm vụ cùng lúc mà NHNN không đủ công cụ cần thiết để triển khai chắc chắn sẽ có mục tiêu không thể đạt được.
Quan điểm của tôi, nhiệm vụ chính của NHNN là góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định giá trị đồng tiền. Chưa kể NHNN đang có rất nhiều việc phải làm như đảm bảo thanh khoản của hệ thống, kiểm soát cung tiền, điều hành tỷ giá, lãi suất, giải quyết nợ xấu… để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế… Việc huy động ngoại tệ từ trong dân bằng cách tăng lãi suất đồng USD có thể không giúp được nhiều mà còn gây xáo trộn trên thị trường tiền tệ, cuốn trôi những thành quả mà NHNN đã đạt được trong những năm gần đây.
Xin cảm ơn ông!