Triển lãm tranh biếm họa: Góp thêm tiếng cười nhân văn
Theo Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ Văn hóa –Thể thao & Du lịch), triển lãm là hoạt động có ý nghĩa thiết thực nhằm hưởng ứng công cuộc phòng chống tham nhũng đang được Đảng, Nhà nước triển khai quyết liệt. Triển lãm sẽ giới thiệu những tác phẩm thuộc loại hình nghệ thuật biếm họa phản ánh những vấn đề nóng trong công cuộc phòng chống tham nhũng, phê bình và lên án những thói hư tật xấu, những vấn đề tiêu cực gây bức xúc trong nhân dân... Qua đó, ủng hộ những việc làm tích cực, những hành động đẹp, hướng thiện và nhân văn, để cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn.
Bức "Nụ cười phong bì" trong chùm tranh giành Giải Nhất Giải Biếm họa Báo chí Việt Nam - Cúp Rồng Tre lần IV-2014 của họa sĩ Vũ Thanh Hiền, bút danh Zĩn |
Do phần lớn biếm họa gắn liền với các sự kiện thời sự, chính trị, xã hội nóng bỏng, nó có thể không lời hoặc có lời song sức nặng của một bức biếm họa hay có giá trị hơn nhiều bài bình luận, diễn văn lê thê. Bởi đề tài mà biếm họa đề cập từ thực tiễn cuộc sống nên nó vô tận, theo đó mỗi người một cách, không ai giống ai, vô cùng phong phú. Thông qua nghệ thuật, vai trò phản biện xã hội của tranh biếm họa càng trở nên hấp dẫn, càng dễ đi vào lòng người.
Với đặc tính ấy, biếm họa là hình thức nghệ thuật mang tính báo chí cao. Khi ý tưởng độc đáo kết hợp với ngôn ngữ đồ họa thật cô đọng, súc tích, kiệm lời đã nâng tầm giá trị của bức tranh biếm họa lúc này không chỉ thuần túy ở góc độ tạo hình mà còn nằm ở thông điệp được người xem tiếp nhận thông qua đường nét, họa sĩ Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ VH-TT&DL) nhìn nhận.
Trên thế giới chưa có trường lớp nào đào tạo họa sĩ biếm họa thực thụ song dòng tranh này vẫn thu hút rất nhiều người dù nghề nghiệp không hề liên quan đến nghệ thuật như: nhà báo, nhà văn, kiến trúc sư, kỹ sư, nhà giáo, sĩ quan quân đội, bác sĩ... miễn họ hiểu đời sống và có khả năng vẽ.
Và quan trọng hơn nữa, nó ra đời từ những câu chuyện, những hiện tượng chưa đẹp, chưa hay trong đời sống thực được thể hiện qua cây bút và cái nhìn đầy tính công dân của những người họa sĩ. Nên ngoài tính đả kích, chiến đấu, lột tả một cách quá chân thực mặt tối của xã hội hiện đại, biếm họa sẽ mang đến cho xã hội cả những tiếng cười thâm thúy, đồng thời có cả tính xây dựng và nhân văn cao.
Trong đó, tính nhân văn là điều xã hội đang rất cần, và báo chí, trong đó có biếm họa, cũng đang làm nhiệm vụ góp phần bảo vệ và bồi đắp nó. Vì lẽ đó, từ lâu, dòng tranh này được xem như những tư liệu sống bởi nó phản ánh thời đại bằng những cái nhìn châm biếm, tuy chua cay nhưng nhẹ nhàng, hài hước.
Lần đầu tiên phát động trên cả nước một triển lãm tranh biếm họa với chủ đề rất "nhạy cảm" mà "đúng xu thế" này, ông Vi Kiến Thành – thành viên Ban tổ chức đồng tình rằng, đây sẽ là một đề tài tương đối gai góc và không thể phủ nhận rất được dư luận quan tâm.
Mong rằng những tác phẩm có tính chất châm biếm, với tinh thần xây dựng sẽ thể hiện sâu sắc nội dung phòng, chống tham nhũng, góp phần tạo niềm tin và chuyển biến tích cực trong xã hội... Chính vì tính chất "nhạy cảm" của chủ đề, nên ban tổ chức không có chủ trương đưa các tác phẩm dự thi bình chọn trên mạng xã hội, ông Thành chia sẻ.
Vì chủ đề rất "nhạy cảm" nên dự kiến sẽ có nhiều tác phẩm liên quan đến đất đai. Vì các vấn đề khiếu tố đều liên quan đến đất. Có lẽ nóng nhất vẫn là tham nhũng quyền lực, nạn con ông cháu cha, kế đến là tham nhũng kinh tế, tham nhũng vặt buộc người dân phải đút lót giảm thời gian đi lại làm thủ tục, đại diện ban tổ chức cho biết.
Tinh thần quyết liệt xử lý cán bộ vi phạm không có vùng cấm, không có ngoại lệ nay được tiếp sức thêm từ dòng tranh châm biếm - lực lượng xung kích, là vũ khí sắc bén để đấu tranh chống cái xấu, các ác, cái tiêu cực… trực diện hơn, công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng thông qua triển lãm lần này, được mong đợi sẽ như một "bữa tiệc" với những tác phẩm đả kích, châm biếm nạn tham nhũng nhưng "với tinh thần xây dựng, hướng thiện, nhân văn sâu sắc". Đó mới chính là vai trò của biếm họa chứ. Vẽ biếm họa phải trí tuệ đến lịch lãm, khiến người xem phải bật cười chua chát mà ngẫm mà ngợi, một họa sĩ của làng tranh biếm họa bổ sung.
Từ chủ trương, cách làm đúng đắn của Đảng, Nhà nước, chống tham nhũng đã tạo được sức mạnh lòng dân với sự đồng thuận, ủng hộ ngày càng cao cùng sự vào cuộc mạnh mẽ của hệ thống truyền thông - báo chí, tham nhũng chắc chắn không còn đất tồn tại. Đồng tình với Tổng bí thư: Lò đã đốt lên rồi thì củi tươi cũng phải cháy. Vốn dĩ chúng tôi là lực lượng chiến đấu từ thời đánh Mỹ đánh Pháp.
Bây giờ, chúng tôi làm nhiệm vụ công dân. Tạm gọi là tổng tiến công đánh giặc, giặc đây là giặc nội xâm. Có lẽ đây không còn là lời hứa của họa sĩ Trịnh Lập, hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, nó đã trở thành quyết tâm, “xông pha” của nhiều họa sĩ nổi tiếng như: Thành Chương, Duy Liên, Phạm Tấn Phú, Lý Trực Dũng... với sức sống lớn hơn.
Xã hội vẫn đang ngóng đợi những họa sĩ biếm tài năng tiếp tục dấn thân để người xem tranh được “thưởng thức” những tác phẩm thật sự là thuốc đắng xứng tầm thời đại, là ghi chép hóm hỉnh tạc vào lịch sử.