Trợ lực ân tình của người nghèo (Bài 2)
Bài 2: Bản “bán bào thai” hồi sinh
Rời bản Cò Phạt của người Đan Lai, chúng tôi ngược miền sơn cước, tìm đến người Khơ Mú ở bản Đỉnh Sơn 1, Đỉnh Sơn 2 thuộc vùng sâu xã Hữu Kiệm, huyện biên giới Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An. Hai bản này từng gây dư luận rúng động về bản “bán bào thai” bởi những phụ nữ sống trong vùng đặc biệt khó khăn.
Bản Đỉnh Sơn 2 giữa thung lũng cây xanh |
Chuyện buồn năm trước
Ông Lê Văn Hà, Chủ tịch UBND xã Hữu Kiệm không muốn nhắc cụ thể một số phụ nữ Khơ Mú ở bản Đỉnh Sơn 1, Đỉnh Sơn 2 từng mưu sinh bằng việc đi bán bào thai, bởi đó là chuyện không vui xảy từ năm 2017. Ông chỉ nhắc thời điểm bán bào thai “nóng” nhất trong hai năm 2018-2019. Giai đoạn đó, họ ở nhà tre, nứa. Cuộc sống dựa vào hái măng, hái rau, bẫy chuột rừng.
Chuyện bán bào thai do vợ chồng bàn bạc với nhau. Khi vợ có thai 2-3 tháng, biết sẽ có con họ mới đi. Cách đi là vợ chồng giả đi làm công ty nhưng thực chất là qua bên kia biên giới để dưỡng thai, sinh con rồi bán. Bán bán cho ai, bán ở đâu họ cũng không biết, bởi phụ thuộc vào môi giới.
Nguyên nhân việc một số phụ nữ Khơ Mú bán bào thai là do nghèo túng và do nhận thức hạn chế nên bị “sập bẫy” đường dây chuyên nghề bán bào thai. Bán được mười ngày họ quay về bản. “Sau sinh, có trẻ bán giá 80 triệu đồng. Có trẻ 20-30 triệu đồng. Giá cả do người mua định mức. Trẻ nào mạnh khoẻ được mua giá cao hơn”, một nguồn tin địa phương này cho biết.
Nạn bán bào thai “nóng” đến mức có phụ nữ đi bán lần 2 trót lọt nhưng lần 3 bị phát hiện. Có phụ nữ tử vong do sinh dày, sinh non, bị băng huyết. Đây là thời điểm, chính quyền địa phương vào cuộc ráo riết, đi vận động từng nhà, phát tờ rơi truyên truyền khắp bản. Cơ quan chức năng theo dõi hàng ngày. Phụ nữ đang mang thai phải kí cam kết “không bán thai nhi với bất cứ lí do nào”; không ra khỏi bản nếu không có lí do cần thiết. Chúng tôi nghĩ tới tấm áp phích dựng bên lối vào bản Đỉnh Sơn 1, Đỉnh Sơn 2, có câu: “Ai cũng có thể trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người”.
Bàn về hiệu quả biện pháp ngăn chặn, ông Hà cho hay: “Đến lúc người dân biết tự vấn lương tâm mình. Hiện vấn nạn đã được kiểm soát chặt, đồng thời tất cả họ đều được vận động vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Kỳ Sơn, để tạo việc làm, bỏ “nghề” cũ”.
Bản thoát ngưỡng đặc biệt khó khăn
Phải lần thứ hai, chúng tôi theo dòng suối Huồi Pa uốn lượn dưới chân rừng vào lại bản Đỉnh Sơn 2 mới gặp được chủ hộ làm kinh tế khá. Bởi ba hôm trước, chúng tôi đến tìm gặp họ nhưng trưởng bản Cụt Văn Thuận cho biết, hộ kinh tế khá đi làm trong C5 (khu vực sản xuất, chăn nuôi của dân bản). Không mấy khi họ chịu ngồi nhà.
Lần này, ông Thuận dẫn chúng tôi đến nhà bà Lữ Thị Mùi. Bà Mùi vừa mời chúng tôi ngồi xuống ghế sa lông thì bà Lữ Thị Khanh (bạn thoát nghèo với bà Mùi) đến. Ông Thuận giới thiệu: “Đây là hai chủ hộ làm ăn khá nhất bản Đỉnh Sơn 2. Chồng đang đi C5 nên cử hai bà ở nhà tiếp nhà báo lặn lội dưới xuôi lên”.
Bà Mùi chỉ tay lên mái nhà, vui nói: “Ngôi nhà này làm năm 2020 là tôi thoát nghèo”. Chúng tôi đang ngước nhìn ngôi nhà ba gian hai chái, mái ngói đỏ au nổi bật giữa thung lũng xanh cây thì bà Mùi mô tả lại căn nhà cũ do Chương trình 134 của Nhà nước hỗ trợ nhưng cũng chỉ làm bằng cây gỗ nhỏ, lợp tranh, gọi là nhà tạm cho người đặc biệt khó khăn. “Hồi ấy, mỗi năm nhận 6 tháng gạo cứu đói của Nhà nước. Con cái thất học. Cái nhà vệ sinh cũng không có…Đó là chuyện cũ. Chuyện mới là từ năm 2005, tôi 3 lần được vay 70 triệu đồng của NHCSXH huyện Con Cuông mới vực dậy được như bây giờ”, bà Mùi nhớ lại.
Bà Lữ Thị Mùi (bìa phải) và bà Lữ Thị Khanh kể chuyện vay vốn, thoát nghèo |
Có vốn vay, hộ bà Mùi mua hai con bò mạ. Bốn năm sau, hai con bò mạ đẻ 8 con bê. Nuôi rồi bán 5 con để có tiền tạo đàn lợn 20 con và thả 5 yến cá xuống cái ao vừa thuê đào. Bà Mùi luân canh như thế nên có tiền trả lãi, trả vốn và vay tiếp. Bà cho hay: “Đợt sau vay nhiều hơn đợt trước vì làm ăn ngày càng có lãi. Phải có lãi từ vốn vay mới có tiền làm nhà, xây bể chứa nước, nhà vệ sinh tự hoại, mua ti vi, tủ lạnh, xe máy; con cái “ấm cái bụng” đến trường”.
Cũng như bà Mùi, năm 2009 hộ bà Khanh được vay 50 triệu đồng. Cũng cách chăn nuôi như bà Mùi nhưng ngoài bò và lợn, bà Khanh nuôi thêm dê đàn. Theo bà Khanh, dê là vật nuôi nhanh có lãi. Năm 2019, sau khi được vay tiếp 50 triệu đồng, bà chi 37 triệu đồng mua 40 con dê, hai con bò. Sau ba năm bán được 70-80 triệu đồng. Năm 2024 trả vốn cũ, vay tiếp 50 triệu đồng mua 12 con lợn và hơn 100 con gà, ngan, vịt. Hộ bà Khanh cũng thoát nghèo năm 2020 khi có nhà ngói khang trang và các tiện nghi sinh hoạt giống như nhà bà Mùi. Bà Khanh nói: “Ban đầu, do nghèo quá nên hai vợ chồng định vay vốn ngoài nhưng bàn đi, tính lại thấy vay ngoài giống như sống ảo trên mạng xã hội vì vay cao, lãi sẽ thấp. May được NHCSXH huyện Kỳ Sơn trợ lực đúng lúc mình cần”. Còn bà Mùi nêu kinh nghiệm: “Nếu mình cần cù, biết dùng vốn vay hợp lí thì chắc chắn vốn vay sinh lãi. Không biết dùng là thua thiệt vì ngoài trả vốn cũ còn phải trả lãi suất mặc dù lãi suất rất ưu đãi của nhà nước. Người nghèo vay vốn làm kinh tế còn phải biết căn cơ, tiết kiệm cho mùa sau thì mới từng bước giảm được nghèo”.
Theo ông Thuận, ngoài hai hộ gia đình này, bản Đỉnh Sơn 2 còn có nhiều mô hình làm kinh tế khác nay đều thoát nghèo. Ví như hộ bà Vi Thị Thơm (vay 40 triệu đồng), Moong Thị Bi (50 triệu đồng), Cụt Thị Xanh (100 triệu đồng). “Chính những hộ biết phát huy vốn vay hiệu quả đã tác động tích cực đến nhiều hộ vay vốn khác trong đó có những hộ có phụ nữ từng đi bán bào thai. Năm 2020 tất cả họ đã thoát nghèo, đưa tỉ lệ hộ thoát nghèo vượt 50%, giúp bản Đỉnh Sơn 2 thoát ngưỡng đặc biệt khó khăn”, ông Thuận tự tin nói.
Biết chúng tôi cũng vui lây, ông Thuận thống kê: “Trước đây, Đỉnh Sơn 2 có 79 hộ nghèo. Hiện có 33 hộ thoát nghèo; 25 hộ cận nghèo; còn lại là hộ nghèo. Hầu hết, dân bản đều có nhà mới hoặc “doa” lại (sửa chữa, nâng cấp, phun sơn) nên bản ta đẹp từ 2-3 năm nay”. Câu nói của trưởng bản khiến tôi sực nhớ lúc lên đỉnh dốc cao chót vót trên lối dẫn vào cổng bản, chúng tôi đã phải dừng xe máy lại để chụp tấm ảnh rất sinh động vì dưới thung lũng cây xanh nổi bật lên những mái nhà ngói đỏ, sơn vàng lấp lánh nắng trời.
Những phụ nữ trẻ thoát nghèo ở bản Đỉnh Sơn 1 không còn vướng bận dư luận buồn về chị em bản mình |
Tại bản Đỉnh Sơn 1, chúng tôi lại sững người nhìn những ngôi nhà sàn sáng bóng màu sơn hai bên đường bê tông. Trưởng bản Lữ Văn May cho hay: “Nó cũng được “doa” lại như ở Đỉnh Sơn 2 đấy. Khách lạ vào đây cứ tấm tắc khen nhà đẹp, bản giàu”. Vậy, bản ta giàu hay nghèo?. Chúng tôi hỏi. Ông May nói: “Giàu thì chưa mơ được đâu nhưng nhiều hộ thoát nghèo đấy. Đỉnh Sơn 1 có 109 hộ nhưng đã có 78 hộ thoát nghèo. Tuy nhiên, Đỉnh Sơn 1 chưa được công nhận bản thoát khỏi ngưỡng đặc biệt khó khăn như Đỉnh Sơn 2, bởi thời điểm xét bản Nông thôn mới thì hộ thoát nghèo Đỉnh Sơn 1 còn dưới mức 50%”.
Tính đích thực của vốn vay “Dân bản Khơ Mú vùng đặc biệt khó khăn không chỉ nghèo đơn thuần về cái ăn mà nghèo đa chiều. Nghèo thu nhập kinh tế lẫn nghèo hưởng thụ văn hoá. Đã nghèo lại dôi dư lao động, do họ không muốn đi làm. Chúng tôi trăn trở tìm cách “biến” số lao động này phải trở nên có ích. Biết dân bản Khơ Mú có sở trường chăn nuôi trâu, bò nhưng ngặt nỗi họ không có tiền. Đúng lúc này, nguồn vốn vay NHCSXH huyện Kỳ Sơn là một trợ lực cơ bản nhất, kịp thời nhất và chặt chẽ nhất. Cơ bản là cho vay đúng người cần vay. Kịp thời là đáp ứng đúng nguyện vọng của người vay sau bình xét, xem xét. Chặt chẽ là gắn chặt trách nhiệm của người vay đồng tiền của nhà nước để kích thích tư duy về cách nghĩ, cách làm kinh tế nhằm phát huy tối đa vốn vay ưu việt của Nhà nước. Không có nguồn vốn vay này, rất khó tính đến chuyện người nghèo thoát được ngưỡng nghèo, nhất là hơn 20 phụ nữ của hai bản từng liều mình đi bán bào thai. Đây là điều khiến chúng tôi mừng nhất”. Ông Lê Văn Hà, Chủ tịch UBND xã Hữu Kiệm |