Trống đồng Đông Sơn
Ảnh minh họa |
Nhìn chiếc trống đồng từ ngàn xưa truyền lại lòng đầy tự hào cùng niềm cảm phục vô biên về sự tài ba của cha ông. Cũng đã bao lần tôi tự nghĩ: Thiết bị thô sơ, kỹ thuật thủ công sao ông cha ta chế tác được những chiếc trống đồng tinh xảo với những họa tiết tinh vi, hình nổi ấn tượng đến thế. Và, khi tận mắt nhìn những người thợ trình diễn đúc trống tôi càng nể phục sự tài hoa của người Việt mình. Đó là vào dịp “Những ngày giao lưu văn hóa Việt - Nhật”, các nghệ nhân Chi hội Bảo tồn và Phục hồi nghề truyền thống Đông Sơn thuộc Liên chi hội Di sản văn hóa Việt Nam Lam Kinh, Hội cổ vật Thanh Hóa, đã trình diễn đúc một chiếc trống đồng theo phương pháp thủ công truyền thống Đông Sơn để giới thiệu với mọi người, đặc biệt là những người Nhật, đại biểu của xứ sở những sản phẩm tinh xảo bậc nhất nhì thế giới.
Để có lửa khởi nguồn cho cuộc trình diễn, “lửa thiêng” được trang trọng rước từ Nghĩa trang liệt sĩ thành phố Hội An về tận nơi chế tác trong lời trình tấu hào hùng: “Kính cáo giang sơn xã tắc, hội tụ về đây minh chứng tấm lòng thành, hội tụ về đây cho trọn vẹn khí thiêng, để tiếng trống đồng âm vang hồn dân tộc. Xin bay về đây những khuôn hình chim Lạc, để đón ánh mặt trời sau những vòng quay, hội tụ về đây những gió, những mây để thiên nhiên hòa vào hồn linh trống, những bông lúa trên cánh đồng trải rộng, những cá những tôm, những hoa trái cuộc đời, hội tụ về đây cùng chứng kiến phút giây, khi lửa bén đồng, hồng lên sắc máu. Chỉ ít phút nữa thôi, đồng sẽ được nung chảy, trong suốt mà thanh tao, rực hồng mà linh ứng, sẽ được rót đầy vào khuôn để tạo nên trống đồng gìn giữ cho muôn đời sau”.
Người nghệ nhân trưởng nhóm trịnh trọng tổ chức nghi lễ kính cáo thần trống đồng theo nghi thức và bắt đầu đốt lò. Sau nửa giờ lao động khẩn trương dưới trời nắng gắt, trưởng nhóm ra hiệu đồng đã được nung chảy, chuẩn bị rót vào khuôn. Đó là chiếc khuôn bằng đất sét đã được chuẩn bị trước, trông rất thô sơ. Những người thợ đúc đồng cẩn trọng nâng nồi rót những dòng đồng đỏ vào khuôn. Chờ đồng nguội, kíp thợ lại cày cục, cẩn trọng không kém khi tháo khuôn, làm sạch đất sét trong lòng chiếc trống mỏng tang. Và, sau bao hồi hộp, nôn nóng chờ đợi của du khách và người dân phố cổ, chiếc trống đã hoàn tất. Chiếc trống đồng chế tác theo nguyên mẫu trống đồng Đông Sơn uy nghi, trang trọng mang hồn núi sông.
Chiếc trống mô phỏng hình thức và hoa văn trống đồng Đông Sơn (Ngọc Lũ) chế tác tại Hội An có đường kính 61cm tượng trưng cho năm 1961 là năm Thanh Hóa - Hội An kết nghĩa. Cùng với những họa tiết là ánh mặt trời, những con vật quen thuộc của người dân Việt, thân trống còn khắc hoạ một số hình ảnh của 2 thành phố Thanh Hóa, Hội An. Chiếc trống được thành phố Hội An trang trọng trưng bày tại Bảo tàng Hội An để giới thiệu với du khách và người dân, nhất là để lớp trẻ.