Trung gian thanh toán kết nối các nhà bán lẻ
Đóng lệ phí trước bạ ô tô, xe máy qua Ví điện tử MoMo | |
Doanh nghiệp cần tập trung phát triển thanh toán không dùng tiền mặt | |
Công bố kết quả bình chọn Ví điện tử tiêu biểu nhất Việt Nam |
Ví điện tử MoMo mới đây công bố một chiến dịch phát triển mới sau 10 năm có mặt trên thị trường. Theo đó ví điện tử này có tham vọng đưa siêu ứng dụng (super app) kết nối 20.000 đối tác từ nhỏ lẻ đến các tên tuổi lớn trong nước và quốc tế. Đồng thời giúp ví điện tử này mở rộng hệ thống ra hơn 100.000 điểm chấp nhận thanh toán di động từ nhà hàng sang trọng đến các hộ kinh doanh cá thể.
Xây dựng hạ tầng số cho ngành bán lẻ và dịch vụ ở Việt Nam để mỗi người tiêu dùng và các nhà phân phối dùng chung là một ước mơ của tất cả các công ty Fintech Việt. Bởi thị trường trung gian thanh toán Việt Nam đều là các DN quy mô nhỏ, chứ không như Trung Quốc các trung gian thanh toán được sinh ra từ các tập đoàn bán lẻ lớn như Alipay của Tập đoàn Alibaba, Wechat Pay của Tập đoàn Tencent…
Ảnh minh họa |
Ví điện tử thuần Việt MoMo hiện đã có 20 triệu tài khoản, bằng hơn 20% dân số Việt Nam. MoMo đang có một cơ hội lớn chuyển đổi số cho hệ thống bán lẻ đơn lẻ sử dụng công nghệ tiếp thị sản phẩm, nắm bắt nhu cầu khách hàng chính xác hơn trên nền tảng công nghệ Big Data, AI… Theo đó, Ví điện tử MoMo có thể giải quyết được bài toán về doanh thu và chi phí cho các nhà bán lẻ hàng hóa dịch vụ thông qua công nghệ. Từ đó, có thể giúp các tiểu thương, người bán hàng rong, các công ty khởi nghiệp thực hiện giao dịch bán hàng và thanh toán trực tuyến đang tăng nhanh.
Thực tế, đại dịch Covid-19 đã và đang làm thay đổi rất nhiều thói quen tiêu dùng và các mô hình kinh doanh mới đã ra đời để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong thời đại số chứ không riêng lĩnh vực tài chính. Đơn cử, những ví điện tử hiện nay không còn đơn thuần chỉ là các trung gian thanh toán mà đã trở thành một ứng dụng công nghệ, tài chính, giải trí với hàng ngàn loại hình dịch vụ khác nhau sẵn sàng ở bên cạnh phục vụ người tiêu dùng ngay trên ứng dụng điện thoại.
Theo số liệu thống kê của NHNN Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2020 có khoảng 200 triệu giao dịch thanh toán qua Ineternet tương đương với 12,9 triệu tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó giao dịch qua điện thoại di động lên đến 472 triệu giao dịch với giá trị khoảng 4,9 triệu tỷ đồng, tốc độ tăng thanh toán di động đều tăng trên 170% so với cùng kỳ năm 2019.
Cũng theo nguồn số liệu trên, Việt Nam hiện có 93,7 triệu tài khoản cá nhân. Hơn nữa, báo cáo kinh tế số khu vực Đông Nam Á năm ngoái của Google cho biết Việt Nam là quốc gia có tốc độ người sử dụng Internet ở mức cao với hơn 60% dân là một cơ hội tiềm năng cho các nhà đầu tư khai thác thị trường. Ông Nguyễn Bá Diệp - đồng sáng lập, Phó Chủ tịch Ví điện tử MoMo cho biết: “Thị trường đang tiến rất nhanh, nhanh hơn so với những gì chúng tôi kỳ vọng, đặc biệt trong 2 năm trở lại đây. Điều này nhờ vào các chính sách thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ, cùng với sự hợp tác chặt chẽ của các đối tác, ngân hàng đã tham gia thay đổi thói quen của người tiêu dùng”.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, kinh doanh bằng phương thức số hóa, phải tạo ra một hệ sinh thái rộng lớn chứ không chỉ dừng lại ở một trung gian thanh toán tiền bạc cho người tiêu dùng. Trên thị trường hiện có 34 ví điện tử nhưng số liệu theo dõi của Vụ Thanh toán thuộc NHNN chỉ có khoảng 5 ví điện tử đang có lượng giao dịch lớn nhờ hệ sinh thái, trong đó có thể kể đến Ví điện tử MoMo, MoCa, Payoo…
Mỗi một ví điện tử lại có những hệ sinh thái chọn phân khúc tiêu dùng khác nhau, ví dụ Ví MoMo đang hỗ trợ thanh toán các nhà bán lẻ đơn lẻ và gần đây có dịch vụ đi chợ hộ, kết nối dịch vụ công quốc gia… Bên cạnh đó, Ví điện tử MoCa cặp đôi với ứng dụng Grab thực hiện thanh toán cước vận tải hợp đồng và giao đồ ăn nhanh. Payoo gần đây đang nổi lên trở thành nhà cung cấp các giải pháp phần mềm ứng dụng công nghệ trong hoạt động chuyển đổi số về thanh toán. Các ví điện tử tới đây còn có một đối thủ “đáng gờm” tiền di động (mobile money)…
Tất cả các ví điện tử hiện vẫn đang hoạt động theo nguyên tắc 1:1 – tức là người dùng ví điện tử phải có tài khoản ngân hàng liên kết với tài khoản ví để thực hiện chuyển tiền qua lại cho nhau thực hiện các giao dịch không dùng tiền mặt. Hiện nay tiện ích nhanh nhạy của các ví điện tử đã gần như ngang nhau, vấn đề còn là sản phẩm trung gian thanh toán nào tạo ra nhiều tiện ích giá trị gia tăng sẽ thắng trong cuộc đua giành thị phần “khách hàng số”.
Ngồi nhà đóng lệ phí trước bạ ô tô và xe máy Ví điện tử MoMo vừa công bố, từ ngày 7/9 người đóng lệ phí trước bạ ô tô, xe máy có thể ngồi thực hiện ngay trên ví điện tử này mà không phải đến các điểm giao dịch dịch vụ công truyền thống ở các địa phương. Nếu như trước đây, để đóng lệ phí trước bạ với ô tô người dân phải mang theo lượng tiền mặt lớn, không an toàn thì nay tất cả thủ tục đã được thực hiện trên môi trường trực tuyến và tiện lợi hơn khi thanh toán bằng Ví MoMo. Hiện nay, người dùng chỉ cần đăng nhập Ví MoMo, tìm kiếm Tổng cục Thuế, nhập mã số hồ sơ theo hướng dẫn, chọn thanh toán, xác nhận thông tin là hoàn tất. “Chúng tôi rất vinh hạnh khi được sự tin tưởng Chính phủ lựa chọn đồng hành và sẽ nỗ lực hết mình để cùng các cơ quan triển khai nhanh chóng, nhằm tạo sự thuận lợi nhất cho người dân”, ông Nguyễn Bá Diệp - đồng sáng lập, Phó chủ tịch Ví điện tử MoMo nói. Ví điện tử MoMo đến nay đã hoàn tất kết nối với 38 tỉnh, thành phố cho phép thanh toán hàng loạt dịch vụ công thiết yếu trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. |