Trung Quốc ‘làm nóng’ giá nguyên liệu nông sản thế giới
Ngành nông nghiệp đã vượt “cơn gió ngược” Dòng tiền đầu tư nhóm nông sản dịch chuyển mạnh mẽ |
Diễn biến “giá nóng” trên là do Trung Quốc - thị trường nhập khẩu nông sản hàng đầu thế giới đã bất ngờ mua hàng khối lượng lớn vào giai đoạn cuối năm 2023.
Trung Quốc thống lĩnh nhập khẩu nông sản quốc tế
“Trước đó, giai đoạn tháng 7-8, giá đậu tương và lúa mì thế giới có xu hướng suy yếu, nắm bắt cơ hội này, kể từ quý IV, các nhà nhập khẩu Trung Quốc tranh thủ “gom hàng” ồ ạt. Ngay lập tức, thị trường có phản ứng khi giá các mặt hàng này đảo chiều tăng vọt”, ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Tin tức Hàng hóa Việt Nam cho biết.
Cho tới nay, Trung Quốc vẫn đang là nước nhập khẩu đậu tương và lúa mì lớn nhất thế giới. Theo dữ liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), chỉ tính riêng đậu tương, trong niên vụ 2022/2023 (10/2022 - 9/2023), Trung Quốc đã nhập kỷ lục 100,85 triệu tấn.
Nguồn tin của Reuters cho biết hàng năm, nước này tiêu thụ khoảng 30% lượng đậu tương của toàn thế giới và ít nhất 60% lượng đậu tương toàn cầu được nhập về Trung Quốc.
Khối lượng đậu tương khổng lồ này chủ yếu phục vụ cho ngành ép dầu, tạo ra hai thành phẩm là: Dầu đậu tương sử dụng cho thực phẩm và khô đậu tương làm nguyên liệu quan trọng trong thành phần thức ăn chăn nuôi.
Phần lớn các lô hàng đậu tương xuất khẩu của các nhà cung cấp lớn nhất thế giới là Brazil và Mỹ đều có điểm đến là Trung Quốc. USDA còn thống kê trong ba niên vụ gần đây, 70% đậu tương xuất khẩu của Brazil có người mua là Trung Quốc, trong khi tỷ lệ này của Mỹ là 56%.
Những cú sốc về giá do nhu cầu từ Trung Quốc tăng đột biến
Ngay từ khi niên vụ đậu tương 2023/2024 của Mỹ bắt đầu vào 1/9/2023, Trung Quốc đã ký kết các hợp đồng mua đậu tương Mỹ với khối lượng lớn. Đáng chú ý, hai tuần đầu của tháng 12/2023, trong đó có 8 ngày liên tiếp, nước này đã mua hàng với khối lượng lên đến hơn 1,8 triệu tấn.
Ngoài đậu tương, Trung Quốc cũng tiến hành nhiều đợt mua lúa mì lớn trên thị trường quốc tế. Vào tháng 9/2023, Trung Quốc đã đặt mua 2,5 triệu tấn lúa mì mềm từ Pháp. Không dừng lại ở đó, họ còn tăng cường các đơn hàng mới với khối lượng 2 triệu tấn từ Australia trong tháng 10. Tiếp theo, vào giai đoạn tháng 11 và tháng 12, Bắc Kinh đã ký kết các hợp đồng mua hơn 1,2 triệu tấn lúa mì từ Mỹ.
MXV cho biết triển vọng về lợi nhuận của ngành chăn nuôi nội địa có cải thiện và lo ngại về sự thu hẹp nguồn cung từ Brazil do thời tiết bất lợi đã kích thích nhu cầu từ phía Trung Quốc. Ngoài ra, bị đặt trong bối cảnh phải đối mặt với tình trạng thiệt hại vụ lúa mì do đợt mưa bão trái mùa vào cuối tháng 7 và đầu tháng 8 nên các doanh nghiệp Trung Quốc sẵn sàng “xuống tay” ký các đơn đặt hàng với quy mô lớn. Có thể thấy, đây là đợt mua hàng nguyên liệu nông sản lớn nhất của Trung Quốc kể từ năm 2012. Động thái này đã đẩy giá đậu tương và lúa mì CBOT tăng vọt vào cuối năm ngoái.
Thêm vào đó, mùa vụ các quốc gia sản xuất lớn cũng đang phải đối diện với các thông tin kém khả quan. Tại Brazil, đợt khô hạn thời gian gần đây đã giảm mạnh năng suất của vụ đậu tương. Trong khi đó, lượng mưa vào cuối tháng 10 và đầu tháng 11 ở Argentina đã đến quá muộn để có thể hỗ trợ vụ lúa mì của nước này. Đây là hai trong số các nhà xuất khẩu nông sản lớn nhất thế giới. Yếu tố này cũng tác động mạnh lên diễn biến giá trong giai đoạn này.
Ông Phạm Quang Anh nhận định trong bối cảnh tình hình nguồn cung ngũ cốc toàn cầu năm 2024 vẫn còn là một ẩn số, Trung Quốc có thể sẽ mua tiếp nhiều đợt hàng lớn và tạo ra những biến động mạnh mẽ và khó lường cho thị trường nguyên liệu nông sản thế giới.
Những ảnh hưởng gián tiếp tới nhập khẩu nguyên liệu nông sản Việt Nam
Là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu và phần lớn nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập từ nước ngoài, Việt Nam khó tránh khỏi bị ảnh hưởng. Đặc biệt, mỗi khi thị trường toàn cầu đối mặt những cú sốc về giá, điển hình như đợt mua hàng ồ ạt trong cuối năm qua của Trung Quốc, các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi càng trở nên khó khăn hơn trước bài toán về chi phí.
“Phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu vẫn là điểm yếu ngành chăn nuôi của Việt Nam. Để đảm bảo tăng trưởng lợi nhuận, nhiều doanh nghiệp đã phải tiết giảm chi phí, nỗ lực đa dạng hóa thị trường cung ứng nguyên liệu để giảm thiểu rủi ro về giá. Tuy nhiên, năm 2024, các doanh nghiệp cần theo dõi sát sao tình hình nguồn cung và nhu cầu nguyên liệu nông sản ở Trung Quốc để dự báo trước các đợt mua hàng của nước này. Từ đó, doanh nghiệp có thể đưa ra chiến lược mua hàng tối ưu, giúp giảm bị động khi thị trường nông sản đột ngột xảy ra cú sốc về giá”, ông Quang Anh đánh giá.
Trung Quốc là khách hàng mục tiêu của cả Brazil và Mỹ, trong khi đây cũng là hai quốc gia cung cấp đậu tương lớn nhất của Việt Nam. Do đó, những biến động về nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng tới giá đậu tương từ Brazil và Mỹ, qua đó tác động trực tiếp tới chi phí nhập khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam.