Trung Quốc phát tín hiệu nới lỏng tiền tệ
RRR được xem là một công cụ chính sách tiền tệ khá mạnh khi nó tác động trực tiếp đến lượng tiền trong lưu thông. Bằng cách thay đổi tỷ lệ dự trữ bắt buộc, NHTW có thể điều tiết cung tiền với mục tiêu kiểm soát lạm phát hoặc thúc đẩy tăng trưởng. Lần cuối cùng NHTW Trung Quốc (PBoC) cắt giảm RRR là vào tháng 4/2020 khi nước này đang nỗ lực ứng phó với đại dịch Covid-19.
“Chúng tôi nghĩ rằng tín hiệu chính sách này cho thấy nền kinh tế có thể sẽ chậm lại trong tháng 6”, Zhiwei Zhang - Nhà kinh tế trưởng của Pinpoint Asset Management cho biết trong một lưu ý với các nhà đầu tư. Ông cho biết các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc có thể đã hình dung được là doanh số bán lẻ cũng như các dữ liệu kinh tế vĩ mô khác trong tháng 6 là không mấy khả quan.
Các dữ liệu kinh tế tháng 6 và GDP quý II sẽ được công bố vào thứ Năm tuần này. Tuy nhiên các nhà đầu tư có thể đã có một số manh mối từ những số liệu đã công bố. Hôm 5/7, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc cho biết, doanh số bán xe du lịch ở Trung Quốc có thể giảm 14,9% trong tháng 6 so với một năm trước, trong khi ô tô là một thành phần chính của doanh số bán lẻ.
Ảnh minh họa |
Trung Quốc đã nhanh chóng kiểm soát được sự lây lan của dịch Covid-19 trong nước và là nền kinh tế lớn duy nhất tăng trưởng trong năm ngoái. Nhưng diễn biến phức tạp của đại dịch này tại nước ngoài và giá hàng hóa tăng vọt đã gây thêm những bất ổn ở trong nước. Trong hai tháng qua, chi tiêu của người tiêu dùng - mà Trung Quốc đang cố gắng dựa vào nhiều hơn để tăng trưởng - tăng chậm hơn dự kiến và các nhà chức trách đang nỗ lực để hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân nhỏ, vốn tạo ra một phần đáng kể việc làm.
Cuộc họp của Hội đồng Nhà nước hôm thứ Tư, do Thủ tướng Lý Khắc Cường chủ trì, vẫn giữ nguyên quan điểm hỗ trợ. “Trước tác động của giá cả hàng hóa tăng cao đến hoạt động sản xuất kinh doanh, cuộc họp đã quyết định duy trì sự ổn định của chính sách tiền tệ và nâng cao hiệu quả của chính sách tiền tệ, không dùng đến các biện pháp kích cầu lớn”, thông cáo báo chí của cuộc họp cho biết.
“Việc cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc và các công cụ chính sách khác sẽ được đưa ra khi thích hợp, để tăng cường hỗ trợ tài chính cho nền kinh tế thực, đặc biệt là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, đồng thời thúc đẩy giảm ổn định chi phí tài chính tổng thể”, Thông cáo cho biết.
Sau cuộc họp của Hội đồng Nhà nước Trung Quốc, Ting Lu - Trưởng nhóm Kinh tế Trung Quốc của Nomura và nhóm của ông cho biết trong một lưu ý với các nhà đầu tư rằng, họ hiện kỳ vọng PBoC sẽ cắt giảm RRR trên diện rộng xuống 50 điểm cơ bản “trong những tuần tới”. Họ cũng kỳ vọng chính phủ sẽ tăng tốc phát hành trái phiếu, sau khi chỉ sử dụng 2,5 nghìn tỷ nhân dân tệ (385,72 tỷ USD) trong nửa đầu năm trong tổng số 7 nghìn tỷ nhân dân tệ được phân bổ.
Thế nhưng ông cho rằng, việc cắt giảm không phải là điều mặc định. Bởi trước đó Hội đồng Nhà nước cũng đã đề cập đến việc cắt giảm RRR có thể diễn ra vào tháng 6/2020 nhưng không dẫn đến việc cắt giảm. Tuy nhiên, 6 lần đề cập khác kể từ giữa năm 2018 đã dẫn đến các đợt cắt giảm RRR, ông nói.
Lu kỳ vọng “áp lực giảm đối với tăng trưởng sẽ tăng lên” trong nửa cuối năm, đặc biệt là quý IV. Nomura dự báo tăng trưởng GDP hàng năm của Trung Quốc sẽ đạt 8,1% trong quý II, 6,4% trong quý III và 5,3% trong quý IV và tốc độ tăng trưởng cả năm sẽ là 8,9%.