Trung Quốc tăng kích thích tài khóa hỗ trợ tăng trưởng
Kể từ năm 2018, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) đã có 5 lần hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc, trong đó lần cắt giảm gần đây nhất diễn ra vào đầu tháng 1/2019 và liên tục bơm tiền vào nền kinh tế thông qua nghiệp vụ OMO. Mặc dù vậy, nỗi lo nợ xấu tăng vọt đã buộc các ngân hàng vẫn phải thận trọng trong vấn đề cho vay mặc dù lượng thanh khoản dồi dào.
Ảnh minh họa |
Trước tình trạng dư địa của CSTT trong hỗ trợ tăng trưởng không còn nhiều như vậy, để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, Chính phủ Trung Quốc tiếp tục phải thực hiện thêm các biện pháp khác, trong đó kích thích tài khóa là một lựa chọn phù hợp.
Theo Li Dawei, một quan chức của Bộ Tài chính Trung Quốc cho biết, trong năm 2018 chi tiêu ngân sách của Trung Quốc tăng 8,7% lên 22.100 tỷ NDT (tương đương 3.300 tỷ USD). Ngoài ra, ngay đầu năm 2019, Bộ Trưởng Tài chính Trung Quốc Liu Kun cho hay, nước này sẽ cắt giảm thêm thuế và phí. Chính phủ cũng đang nghiên cứu kế hoạch giảm phí an sinh xã hội nhằm giảm bớt gánh nặng đối với doanh nghiệp nhỏ.
Tuy nhiên, cam kết giảm thuế đang khiến nhiều nhà phân tích lo ngại về khả năng thâm hụt ngân sách của Trung Quốc có thể tăng trở lại mức tương đương 3% GDP trong năm 2019. Trong năm 2018, Trung Quốc đã thành công trong việc cắt giảm mục tiêu thâm hụt ngân sách từ 3% GDP năm 2017 xuống 2,6% nhằm ổn định các khoản nợ sau nhiều năm đầu tư tín dụng. Nhưng tốc độ tăng trưởng chậm xuất phát từ việc thay đổi cơ cấu kinh tế và bất ổn thương mại trong năm nay đang đòi hỏi Trung Quốc cần đưa ra những chính sách tài khóa hiệu quả hơn.
Nhìn chung, áp lực về vấn đề thương mại đang khiến tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc giảm và chính phủ nước này đã, đang và có thể sẽ phải tiến hành các chính sách hỗ trợ nền kinh tế, trong đó bao gồm việc chấp nhận một mục tiêu thâm hụt ngân sách lớn hơn trong năm 2019.