Trung tâm Thông tin Tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC): Thúc đẩy kết nối chia sẻ dữ liệu
Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP-National Data Exchange Platform) của Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng phục vụ việc kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, giúp tối đa hóa giá trị dữ liệu, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công, hiệu quả quản lý chỉ đạo điều hành các cấp, tạo tiền đề thúc đẩy cho quá trình chuyển đổi số quốc gia được nhanh chóng, hiệu quả.
Việc kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước, đặc biệt là dữ liệu từ các cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia, các hệ thống thông tin có quy mô, phạm vi từ Trung ương đến địa phương sẽ giúp tối đa hóa giá trị dữ liệu; nâng cao chất lượng dịch vụ công cung cấp cho người dân và doanh nghiệp theo hướng lấy người dùng làm trung tâm, người dân và doanh nghiệp không phải cung cấp thông tin thủ công, nhiều lần cho cơ quan nhà nước, đơn vị cung cấp dịch vụ; tránh đầu tư trùng lặp, gây lãng phí.
Theo Nghị định số 47/2020/NĐ-CP và Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam, việc kết nối các hệ thống thông tin, CSDL giữa các bộ, ngành, địa phương trên quy mô quốc gia phải thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia. Thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng, đưa NDXP vào sử dụng, phục vụ việc kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương.
Hiện tại, nền tảng đã kết nối với hơn 90 bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp; 10 CSDL, 8 hệ thống thông tin; năm 2021 đạt 180.919.031 giao dịch thực hiện thông qua NDXP; hiện hàng ngày có khoảng 500.000 giao dịch thông qua NDXP. Với mỗi giao dịch sẽ giúp người dân, doanh nghiệp không phải cung cấp, kê khai thông tin nhiều lần; giúp công chức, viên chức, người lao động không phải nhập dữ liệu, tổng hợp dữ liệu trên nhiều phần mềm khác nhau; giúp lãnh đạo có thông tin tổng hợp, thống nhất, tin cậy để có quyết định kịp thời, hiệu quả; giúp tăng cường sử dụng lại dữ liệu, tránh đầu tư trùng lặp, gây lãng phí. Nếu mỗi giao dịch giúp tiết tiệm 3.000 đồng cho xã hội (chi phí di chuyển đến-về chỗ chứng thực giấy tờ bản giấy, chi phí chứng thực giấy tờ, thời gian chờ, chi phí xử lý của công chức; chưa kể chi phí cơ hội, chi phí lưu trữ giấy tờ bản giấy...), thì năm 2021 việc kết nối, chia sẻ dữ liệu thông qua NDXP đã góp phần tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng cho xã hội.
Căn cứ Nghị định số 47/2020/NĐ-CP, Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam, thực tiễn tổ chức triển khai kết nối, chia sẻ dữ liệu thời gian vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Văn bản số 677/BTTTT-THH ngày 03/3/2022 về việc hướng dẫn kết nối và chia sẻ dữ liệu thông qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia.
Tại CIC, Phát triển CSDL TTTD quốc gia được xác định là nhiệm vụ quan trọng, vì CSDL là nền tảng để CIC phát triển các sản phẩm, dịch vụ đáp ứng các mục đích, nhu cầu sử dụng khác nhau của các đơn vị. Thực hiện chỉ đạo của Thống đốc NHNN, CIC đang tiếp tục duy trì và đảm bảo việc thu thập thông tin đầy đủ từ 100% TCTD và từ các đơn vị NHNN, trở thành đầu mối về dữ liệu tín dụng, giảm tải báo cáo thống kê cho TCTD. Về thu thập các thông tin ngoài ngành, CIC sẽ đẩy mạnh mở rộng nguồn thông tin từ các tổ chức tự nguyện, nguồn thông tin trực tiếp từ khách hàng vay, nguồn thông tin từ các bộ, ngành, cơ quan quản lý Nhà nước, nguồn thông tin từ các tổ chức TTTD nước ngoài.
Bên cạnh đó, CIC sẽ tiếp tục thực hiện chủ trương của Chính phủ về chuyển đổi số quốc gia, chủ động kết nối với các CSDL quốc gia. Cụ thể, CIC sẽ tiếp tục kết nối và khai thác CSDL quốc gia về đăng ký doanh nghiệp; đồng thời triển khai kế hoạch kết nối thử nghiệm với CSDL quốc gia về dân cư, dự kiến đến tháng 6/2022 CIC có thể khai thác dữ liệu từ nguồn này để phục vụ hoạt động TTTD; việc kết nối với CSDL quốc gia về bảo hiểm cũng sẽ được CIC đẩy mạnh triển khai trong giai đoạn 2022- 2023. Tuy nhiên, theo tôi, việc kết nối, chia sẻ dữ liệu với CSDL còn gặp nhiều khó khăn, có thể kể đến như: chưa có sự đồng bộ trong hệ thống CNTT của các đơn vị sở hữu CSDL quốc gia; cơ chế chia sẻ dữ liệu còn chưa hoàn thiện; các quy định liên quan đến bảo mật dữ liệu cho khách hàng chưa được thống nhất, đầy đủ.
Song song với đó, CIC sẽ hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về hoạt động thông tin tín dụng của NHNN; kết hợp đẩy mạnh hiện đại hóa hệ thống CNTT, chuẩn hóa giải pháp, quy trình, nghiệp vụ lõi cũng như đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về CNTT, chuyên gia xử lý dữ liệu để có thể đảm bảo chất lượng nguồn dữ liệu thu thập, nâng cao tỷ lệ tự động hóa trong việc thu thập, xử lý, lưu giữ, cập nhật TTTD.