Trung tâm Thông tin Tín dụng Quốc gia Việt Nam: Giảm thủ tục hành chính, tăng khả năng tiếp cận khách hàng
Năm 2020, cả thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh Covid-19. Trong bối cảnh đó, NHNN đã ban hành nhiều giải pháp nhằm thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ, vừa chống dịch hiệu quả, vừa tập trung phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội. Bám sát kế hoạch công tác năm 2020 của NHNN, đặc biệt các chỉ thị của Thống đốc NHNN liên quan đến các chính sách hỗ trợ cho TCTD, người dân và doanh nghiệp trong thời kỳ dịch bệnh, CIC đã tập trung triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao và đã đạt được những kết quả ấn tượng.
Trong năm, triển khai các giải pháp hỗ trợ khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng của dịch Covid-19, CIC đã thực hiện giảm phí dịch vụ 2 lần: tháng 2/2020 giảm từ 5% đến 20% trên tổng số tiền thanh toán hàng tháng theo nguyên tắc mức khai thác càng nhiều, giảm càng lớn; và tháng 3/2020 giảm 50% tổng số tiền phải thanh toán, áp dụng đến hết ngày 31/12/2020. Nhờ đó, tính đến 31/10/2020, CIC đã giảm khoảng 138 tỷ đồng tiền khai thác dịch vụ TTTD cho các TCTD. Đây là những hành động thiết thực của CIC để đồng hành cùng TCTD vượt qua khó khăn, giảm chi phí hoạt động và lãi suất cho vay, thúc đẩy sự phát triển kinh tế theo chủ trương của Chính phủ.
Trong năm, triển khai các giải pháp hỗ trợ khắc phục thiệt hại do dịch Covid-19, CIC đã giảm phí dịch vụ 2 lần |
CIC cũng đã xây dựng quy trình tra cứu thông tin, mẫu sản phẩm, lập trình ứng dụng và cung cấp sản phẩm miễn phí cho Ngân hàng Chính sách xã hội để hỗ trợ triển khai chương trình cho người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc do Covid-19 căn cứ Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, CIC cũng kịp thời thực hiện hướng dẫn bằng văn bản cho TCTD báo cáo thông tin khách hàng vay được điều chỉnh giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN quy định về việc TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19. Kết quả là, có trên 276.199 khách hàng báo cáo theo Thông tư 01, với tổng dư nợ quy đổi là trên 485.535 tỷ đồng; Thực hiện điều chỉnh nhóm nợ cho 77.880 khách hàng tại 38 TCTD.
Để hỗ trợ các TCTD kết nối trực tuyến với người dân và doanh nghiệp khi giao dịch truyền thống bị hạn chế trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19, Cổng thông tin kết nối khách hàng vay tiếp tục được miễn phí trong năm 2020, với hơn 138.238 tài khoản khách hàng vay đăng ký thành công, tăng 123,5% so với cùng kỳ năm 2019, và 71.908 báo cáo tín dụng cung cấp trực truyến cho khách hàng, tăng 228% so với cùng kỳ năm 2019. Cũng trong năm 2020, CIC đã ký kết thỏa thuận hợp tác Cổng thông tin kết nối khách hàng vay thành công với LienVietPostBank. Sự hợp tác này làm gia tăng cơ hội kết nối, giao tiếp giữa TCTD và khách hàng vay, đảm bảo công khai, minh bạch trên thị trường tín dụng. Tỷ lệ kết nối nhu cầu vay tại các địa phương thông qua cổng thông tin có chiều hướng tăng lên. Một số tỉnh, thành phố có số khách hàng vay đăng ký lớn và có tỷ lệ kết nối cao như Thanh Hóa (65,4%), Đồng Nai (40,4%), TP.Hồ Chí Minh (37,9%).
CIC cũng đã phối hợp với nhà thầu hoàn thành xây dựng mô hình kết nối H2H chuẩn để các TCTD có thể kết nối khai thác sản phẩm TTTD một cách nhanh chóng. CIC đã tổ chức Hội thảo hướng dẫn triển khai kết nối H2H giữa CIC và các TCTD tại trụ sở CIC. Đồng thời, CIC cũng ban hành Quy trình vận hành hệ thống kết nối trực tiếp H2H để cán bộ CIC quản lý, vận hành hệ thống. Trước đó, CIC đã tiến hành kết nối thử nghiệm thành công với 10 TCTD và khoảng 10 TCTD đang tiến hành thương thảo hợp đồng, chuẩn bị các điều kiện kết nối. Qua hình thức khai thác này, TCTD có thể tiết kiệm được thời gian, nhân lực, giảm chi phí hoạt động và đảm bảo TTTD an toàn, minh bạch. Kết quả trong năm 2020, số lượng báo cáo cung cấp qua phương thức này đạt hơn 510.000 báo cáo, tăng trưởng trên 46% so với cùng kỳ năm trước.
CIC đã hoàn thành xây dựng mô hình kết nối H2H chuẩn để các TCTD có thể kết nối khai thác sản phẩm TTTD một cách nhanh chóng |
Đặc biệt, đến nay, có 123 đầu mối TCTD và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 1.163 QTDND và 53 tổ chức tự nguyện gửi file báo cáo TTTD về cho CIC theo quy định của Thông tư 03/2013/TT-NHNN. Tỷ lệ cập nhật số liệu thành công từ TCTD luôn đạt mức cao. Bên cạnh đó, CIC cũng đã nỗ lực mở rộng thu thập thông tin từ các bộ, ngành để nâng cao độ phủ và chiều sâu của kho dữ liệu. Kết quả năm 2020, độ phủ TTTD tiếp tục được cải thiện so với năm 2019, tăng hơn 2.700.000 khách hàng vay (trên 10.786.044 hồ sơ vay mới), nâng tổng số khách hàng trong kho dữ liệu TTTD quốc gia lên trên 45,1 triệu khách hàng.
Trong năm 2020, CIC đã thu thập và cập nhật được 127.244 bản báo cáo tài chính (giảm 1% so với năm 2019). CIC vẫn tiếp tục mở rộng được nguồn dữ liệu tài chính ngoài ngành từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, qua đó mua 300.000 báo cáo tài chính doanh nghiệp năm 2019 và đã cập nhật đầy đủ vào kho dữ liệu để phục vụ hoạt động xếp hạng tín dụng doanh nghiệp. Đến 31/10/2020, CIC đã thu thập và cập nhật được từ 36/36 TCTD có nghiệp vụ đầu tư trái phiếu vào doanh nghiệp với tổng giá trị đầu tư là 251.630 tỷ đồng. Trong năm có 121/121 TCTD gửi báo cáo, các đầu mối TCTD đã gửi file dữ liệu đúng quy định và cấu trúc về cho CIC. Tuy nhiên, vẫn còn một số TCTD gửi báo cáo chưa đúng quy định, còn nhiều sai sót, ảnh hưởng đến việc tổng hợp danh sách khách hàng có nhóm nợ cao nhất cung cấp cho các TCTD.
Trong năm tới, CIC tập trung xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai nghiêm túc, có hiệu quả các nghị quyết của Chính phủ, chỉ thị của Thống đốc NHNN về các nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2021; tiếp tục bám sát tình hình, diễn biến dịch Covid-19; thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, triển khai các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng do dịch bệnh và thiên tai theo chỉ đạo của Chính phủ, Ban lãnh đạo NHNN.
Cùng với đó, tổ chức thu thập, cập nhật thông tin kịp thời từ các TCTD, tổ chức tự nguyện; có biện pháp hỗ trợ các TCTD khó khăn trong việc báo cáo số liệu. Phấn đấu mở rộng độ phủ TTTD và duy trì chỉ số chiều sâu TTTD. Cung cấp thông tin kịp thời phục vụ Ban lãnh đạo, các đơn vị NHNN, Chi nhánh NHNN tỉnh, thành phố; cung cấp thông tin kịp thời phục vụ yêu cầu của các TCTD, tổ chức tự nguyện và khách hàng vay. Phấn đấu mức tăng trưởng số lượng cung cấp sản phẩm dịch vụ từ 15-20%. Tiếp tục đẩy nhanh kế hoạch “Ứng dụng CNTT” của CIC giai đoạn 2018-2023 theo đúng lộ trình đề ra. Trong đó, khẩn trương xây dựng các gói thầu Trung tâm dữ liệu, Trung tâm dự phòng, phòng máy chủ tại TP.HCM.
CIC cũng sẽ hoàn thành xây dựng mô hình chấm điểm thể nhân CIC 2.0 và sớm triển khai cung cấp sản phẩm chấm điểm mới cho khách hàng vay. Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động của Cổng thông tin kết nối với khách hàng vay tới các TCTD và khách hàng vay; Tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện các sản phẩm hiện có, sản phẩm tổng hợp phục vụ các đơn vị, nghiên cứu xây dựng thêm sản phẩm mới phù hợp với yêu cầu của các TCTD; Đồng thời, mở rộng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực TTTD.