Trường Sa - Nơi cảm xúc lắng đọng và đong đầy
Đoàn công tác ngành Ngân hàng thăm cán bộ, chiến sĩ và nhân dân huyện đảo Trường Sa Đoàn công tác ngành Ngân hàng kết thúc tốt đẹp chuyến thăm huyện đảo Trường Sa và nhà giàn DK1 |
Hải trình khó quên
Nhìn từ xa, Song Tử Tây như khu rừng nhỏ có chút hoang sơ giữa đại dương, tạc vào tâm trí một hình ảnh thật đẹp và nhiều cảm xúc. Đảo là 1 trong 3 xã, thị trấn của huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa. Bên cạnh các đơn vị quân đội, trên đảo còn có các hộ dân sinh sống, các công trình dân sự văn hóa tâm linh như: Tượng đài Quốc công tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, chùa Song Tử Tây, Nhà văn hóa, Trường tiểu học… và âu tàu với sức chứa hàng chục tàu cá công suất lớn - nơi an toàn cho ngư dân đánh bắt cá xa bờ. Đảo còn có một trạm dịch vụ sửa chữa, cung cấp dịch vụ hậu cần tàu cá và cung cấp nước ngọt miễn phí cho ngư dân.
Đoàn công tác ngành Ngân hàng tặng quà cho cán bộ, chiến sĩ trên đảo Len Đao |
Bù lại những cơn sóng mạnh dội vào không ngớt, biển cả bao dung đã ưu ái tặng cho con người nơi đây vị ngọt ngào chân chất của đất liền, nên điều kiện trên đảo có thể nuôi được bò, lợn, gà và trồng được nhiều loại rau xanh. Quân và dân đảo Song Tử Tây luôn tích cực trồng cây, bảo vệ màu xanh trên đảo. Cuộc sống vật chất và tinh thần ngày càng được cải thiện. Đảo có sân vận động, hệ thống âm thanh để sinh hoạt văn nghệ, có trạm thu phát sóng FM và tín hiệu vệ tinh để xem tivi, nghe đài, đọc sách, báo...
Chiến sĩ đảo tranh thủ đọc báo do phóng viên Thời báo Ngân hàng đi theo đoàn tặng |
Sau khi đến thăm 2 đảo Sinh Tồn Đông và Len Đao, đoàn công tác đến thăm đảo An Bang nằm ở phía cực Nam của quần đảo Trường Sa. Đảo An Bang được bao bọc bởi các tảng đá san hô lớn. Do cấu trúc san hô của đảo dựng đứng nên 4 mùa sóng vỗ, vì vậy việc tàu vào đảo gặp nhiều khó khăn. Nhiều chuyến tàu từ đất liền đến thăm cán bộ chiến sĩ đảo An Bang vào đúng mùa sóng dữ đã không thể vào được đảo. Là một đảo nằm gần đường hàng hải quốc tế, tàu thuyền qua lại tấp nập, tương lai không xa đảo An Bang sẽ là địa điểm làm dịch vụ hàng hải với tiềm năng lớn. Để phục vụ cho hoạt động hàng hải, một ngọn hải đăng đã được xây dựng trên đảo và đưa vào khai thác, sử dụng từ năm 1996.
Chia tay đảo Đá Tây C, chúng tôi ai nấy đều nôn nao khi biết điểm đặt chân tiếp theo là đảo Trường Sa lớn. Cảm xúc dâng trào khi cả đoàn công tác được cùng làm lễ chào cờ với quân và dân trên đảo. Được mệnh danh là “thủ đô của huyện đảo Trường Sa”, đảo Trường Sa như một pháo đài sừng sững kiên trung giữa biển Đông, nằm cách Cam Ranh khoảng 254 hải lý. Những tháng mùa khô, khí hậu trên đảo rất khắc nghiệt. Ngày nắng nóng, oi bức kéo dài, nhưng đây là thời kỳ sóng yên biển lặng và là mùa đánh bắt hải sản của ngư dân các tỉnh ven biển miền Trung. Đảo Trường Sa là nơi thuận tiện cho ngư dân tránh gió.
Trên thực tế, nhiều năm qua ngư dân các tỉnh ven biển miền Trung và Nam Bộ mỗi khi xa bờ, ra khơi sản xuất, nếu bất ngờ có bão giông, đau ốm, bệnh tật thì phần nhiều đều đến Trường Sa tạm lánh, cấp cứu, điều trị, tiếp nhận nước ngọt, lương thực, thực phẩm và rau xanh. Với vị trí thuận lợi, Trường Sa đã trở thành địa chỉ cung ứng dịch vụ nghề cá, cảng biển.
Mang đến đảo hơi ấm từ đất Mẹ
Thực hiện chương trình của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) về việc tổ chức Đoàn công tác ngành Ngân hàng thăm huyện đảo Trường Sa năm 2024. Từ ngày 12-21/5/2024, Đoàn công tác ngành Ngân hàng do ông Cao Văn Bình, Tổng giám đốc Trung tâm Thông tin Tín dụng Quốc gia Việt Nam, Chủ tịch Công đoàn Cơ quan NHNN Trung ương làm Trưởng đoàn đã tham gia cùng Đoàn công tác số 20 (đến từ các cơ quan, đơn vị, địa phương trong cả nước), đi thăm, động viên cán bộ, chiến sĩ và người dân huyện đảo Trường Sa và nhà giàn DK1 Vượt gần 1.200 hải lý, đã đến thăm và tặng quà cán bộ, chiến sĩ, người dân tại các điểm đảo: Song Tử Tây, Sinh Tồn Đông, Len Đao, An Bang, Đá Tây C, Trường Sa lớn thuộc quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK-I/16 Phúc Tần.
Ông Cao Văn Bình, Trưởng đoàn công tác ngành Ngân hàng tặng quà cho một hộ dân tại đảo Song Tử Tây |
Đoàn công tác cũng đã tổ chức Lễ dâng hương tại Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma, chùa Linh Nguyên, Công viên tâm linh 189, thăm Lữ đoàn 162, Lữ Đoàn 189 (Quân chủng Hải quân); tổ chức lễ tưởng niệm cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh trong sự kiện 14/3/1988, Lễ tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng liệt sĩ trên đảo Trường Sa. Nhân dịp này, 4 ngân hàng: Agribank, VietinBank, BIDV, Vietcombank đã trao tặng cho cán bộ, chiến sĩ trên đảo 4 chiếc xuồng trị giá 20,8 tỷ đồng. Các đoàn công tác đã xuống tận các đơn vị, hộ dân trao tặng nhu yếu phẩm, dụng cụ sinh hoạt, quạt tích điện, máy lọc nước, máy in, đèn năng lượng mặt trời trị giá hơn 200 triệu đồng.
Những cuộc gặp gỡ, động viên cán bộ chiến sĩ và người dân các đảo của đoàn công tác đã để lại nhiều tình cảm lắng đọng, nghĩa tình. Nhiều phần quà được chuyển tặng đến các đảo; các chương trình giao lưu văn nghệ, động viên cán bộ, chiến sĩ và nhân dân vững vàng trước đầu sóng, ngọn gió, bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Tại các điểm đảo, đoàn công tác đã được nghe chỉ huy đảo báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2023 và 5 tháng đầu năm 2024. Đại diện lãnh đạo các đoàn đã biểu dương và đánh giá cao những kết quả và thành tích đạt được của cán bộ, chiến sĩ, nhân dân các lực lượng trên đảo, nhà giàn; thể hiện lòng khâm phục, chia sẻ tình cảm, động viên tinh thần đối với cán bộ, chiến sĩ và người dân đã nỗ lực khắc phục khó khăn, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ được giao, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thân yêu.
Phát biểu tại đảo Trường Sa, ông Cao Văn Bình, Trưởng đoàn công tác ngành Ngân hàng cho biết: Với tinh thần “Tất cả vì Trường Sa thân yêu, vì chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc”, cùng với cả nước, những năm qua đã có nhiều lượt cán bộ lãnh đạo NHNN, cán bộ các cấp trong hệ thống ngành Ngân hàng tham gia các đoàn công tác đi thăm hỏi, động viên cán bộ chiến sĩ, nhân dân trên các đảo của Tổ quốc, trong đó có quần đảo Trường Sa. Công đoàn các cấp trong ngành Ngân hàng đã có nhiều hoạt động hướng về biển đảo: Tham gia đóng góp xây dựng Bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh trên đảo Gạc Ma, xây dựng quỹ “Vì Trường Sa thân yêu”... Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, bồi đắp thêm lòng yêu nước, yêu biển đảo quê hương của mỗi cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong ngành Ngân hàng.
Trong buổi tổng kết chuyến công tác, Đại tá Đỗ Minh - Phó Tư lệnh Vùng 4 Hải quân, đã không giấu được niềm vui khi chia sẻ: Chúng tôi rất cảm động về những việc làm của các đồng chí. Với tinh thần “Tất cả vì Trường Sa”, các đồng chí đã quên đi hết mệt mỏi, mang đến cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên các đảo hơi ấm từ đất Mẹ; động viên và tạo động lực mới cho cán bộ, chiến sĩ yên tâm công tác, khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng và Nhân dân tin tưởng giao phó. Qua thực tế chuyến đi thăm và làm việc trên các đảo và nhà giàn DK1/16, chúng ta thấy rõ hiệu quả to lớn và rất thiết thực các phong trào mà cả nước giúp đỡ và ủng hộ Trường Sa thời gian qua, trong đó có sự đóng góp to lớn của ngành Ngân hàng, các địa phương, cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp.
Còn nhớ, sau chương trình giao lưu văn nghệ tại đảo Trường Sa, đoàn công tác rời đảo lúc 21g30 để đến thăm nhà giàn DK1. Các thành viên trong đoàn không ai bảo ai, vậy mà cứ đứng chật hết ra mạn tàu để vẫy chào tạm biệt những người lính và dân đảo. Những bài hát nối nhịp nhau cùng những cánh tay vẫy chào. Những tiếng hô lớn “Hẹn gặp Trường Sa” cho đến khi tàu rời xa đảo.
Cảm xúc lắng đọng và đong đầy. Tất cả vì Trường Sa thân yêu!
Giao lưu văn nghệ giữa Đoàn Nhà hát chèo Việt Nam với cán bộ, chiến sỹ trên đảo
|
Các thành viên trong đoàn công tác đi ca nô từ tàu vào đảo |