Từ những bước đột phá xử lý nợ xấu
Thúc xử lý nợ xấu hiệu quả hơn | |
Sửa đổi, bổ sung quy định về mua, bán và xử lý nợ xấu của VAMC |
Nghị quyết số 42/2017/QH14 (NQ42) với nhiều giải pháp mang tính đột phá đã tạo điều kiện thuận lợi đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu (XLNX) và tài sản bảo đảm (TSBĐ) của các TCTD, tổ chức mua bán nợ xấu do Chính phủ thành lập. Sau hơn 2 năm thực hiện NQ42, VAMC đã đạt được nhiều kết quả nổi bật góp phần ổn định hoạt động của hệ thống các TCTD, hỗ trợ có hiệu quả cho khách hàng có khả năng khôi phục sản xuất, kinh doanh.
Liều thuốc mạnh trong xử lý nợ xấu
Trước khi có NQ42 quá trình XLNX của hệ thống TCTD nói chung và VAMC nói riêng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Nhất là việc thu giữ TSBĐ gặp nhiều cản trở do quyền của chủ nợ trong giao dịch dân sự vay - trả rất thấp, việc sang nhượng tài sản, quyền của chủ nợ cũng còn bất cập. Trong khi thị trường mua, bán nợ còn khá èo uột… tác động nhiều trong việc XLNX của VAMC, TCTD. Nhận thấy những bất cập trên có thể gây cản trở quá trình XLNX, ảnh hưởng đến an toàn hoạt động ngân hàng cũng như dòng vốn hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, Chính phủ, NHNN trình Quốc hội NQ42 về thí điểm XLNX của các TCTD nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc nêu trên, với kỳ vọng tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, giúp xử lý nhanh và dứt điểm nợ xấu.
Chỉ sau một thời gian ngắn, Quốc hội đã thông qua NQ42 với những quy định rất quan trọng tạo điều kiện thuận lợi cho VAMC trong XLNX. Đầu tiên phải kể đến, quy định cho phép VAMC được bán nợ xấu, TSBĐ của khoản nợ xấu với giá có thể cao hơn hoặc thấp hơn dư nợ gốc của khoản nợ.
Đối tượng và hoạt động mua, bán nợ xấu của VAMC được mở rộng. VAMC còn được phép mua các khoản nợ xấu đã xử lý rủi ro, đang hạch toán ngoài bảng, và có thể bán nợ xấu cho các tổ chức, cá nhân bao gồm cả tổ chức không có chức năng kinh doanh mua, bán nợ... Quy định này của NQ42 đã khắc phục bất cập giới hạn chủ thể được mua nợ của VAMC, bảo đảm quyền bình đẳng trong hoạt động xử lý nợ của VAMC, góp phần tạo lập, phát triển thị trường mua bán nợ.
Một trong những khúc mắc lớn nhất của VAMC cũng như các TCTD được NQ42 tháo gỡ chính là cho phép TCTD, VAMC được thực hiện quyền thu giữ TSBĐ khi đáp ứng đầy đủ các quy định tại khoản 2 Điều 7 NQ42/2017/QH14. Quy định này giải quyết khó khăn, vướng mắc của VAMC trong quá trình xử lý TSBĐ, tránh trường hợp chủ tài sản cố tình chây ì, chống đối kéo dài thời gian xử lý. Ngoài ra, NQ42 còn nhiều quy định quan trọng nữa như Tòa án áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết tranh chấp về nghĩa vụ giao TSBĐ hoặc tranh chấp về quyền xử lý TSBĐ...
Trước những thay đổi được đánh giá mang tính đột phá, xác định vai trò và sứ mệnh quan trọng của mình trong quá trình XLNX cùng các TCTD, ngay sau khi NQ42 chính thức có hiệu lực, VAMC đã quyết liệt triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. VAMC đã tiến hành rà soát, phân loại, đánh giá thực trạng các khoản nợ, TSBĐ của các khoản nợ xấu đã mua để xác định khả năng thu hồi và áp dụng biện pháp xử lý nợ phù hợp. Xác định vạn sự khởi đầu nan, VAMC chọn những món nợ, TSBĐ - hàng hóa khả dĩ nhất để “bày bán” trước.
Bên cạnh đó, để thúc đẩy và nâng cao hiệu quả XLNX, VAMC phối hợp, hỗ trợ TCTD đôn đốc, thu hồi nợ bằng việc áp dụng những biện pháp mạnh. Đơn cử, VAMC đã thực hiện thu giữ một số TSBĐ có giá trị lớn gây xôn xao dư luận như: TSBĐ tại Đường Kha Vạn Cân, Dĩ An, Bình Dương của CTCP Thép Tân Quốc Duy (bảo đảm cho khoản nợ của CTCP Thuận Kiều); TSBĐ là dự án đầu tư Cao ốc phức hợp Sài Gòn M&C tại địa chỉ 34 Tôn Đức Thắng, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh của nhóm khách hàng CTCP Sài Gòn One Tower (TSBĐ cho khoản nợ 7.000 tỷ đồng). Đây là những khoản nợ xấu lớn nhất mà VAMC đã mua bằng TPBĐ và cũng là khoản nợ lớn nhất mà một tổ chức tài chính thu nợ được từ khách hàng. Song song với đó, VAMC khẩn trương lựa chọn tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp, tổ chức thẩm định giá... để tổ chức bán đấu giá thành công nhiều khoản nợ/TSBĐ, tăng giá trị thu hồi cho các TCTD.
Không dừng lại ở đó, tận dụng lợi thế là một tổ chức đặc thù với quyền năng cao hơn, VAMC hỗ trợ tích cực các TCTD trong việc hoàn thiện thủ tục pháp lý của khoản nợ/TSBĐ; phối hợp với Tổng cục Thi hành án dân sự đẩy nhanh tiến độ thi hành án đối với các bản án đã có hiệu lực pháp luật...
Với những thay đổi lớn về cơ chế chính sách tại NQ42 cùng với nỗ lực của VAMC, trong 2 năm qua hoạt động XLNX đã đạt được kết quả tích cực. Tính đến 30/11/2019, VAMC đã mua nợ bằng TPĐB từ các TCTD đạt 359.401 tỷ đồng dư nợ gốc nội bảng với giá mua nợ 326.987 tỷ đồng. Trong đó, kể từ khi NQ42 có hiệu lực đến 30/11/2019, VAMC đã mua các khoản nợ bằng TPĐB đạt 65.439 tỷ đồng dư nợ gốc nội bảng với giá mua nợ 63.572 tỷ đồng. Đối với mua nợ theo giá trị thị trường (GTTT), tính đến 30/11/2019, VAMC đã mua nợ theo GTTT đạt 6.822 tỷ đồng dư nợ gốc với giá mua nợ là 6.921 tỷ đồng.
Điểm đáng nói ở đây, trong tổng số nợ trên thì hầu hết số nợ trên được VAMC mua về kể từ khi NQ42 có hiệu lực. Không chỉ mua nợ theo giá thị trường, kết quả thu hồi nợ chuyển biến tích cực nhờ các biện pháp xử lý nợ mạnh của VAMC. Minh chứng, tính đến 30/11/2019, VAMC đã thu hồi nợ đạt 142.166 tỷ đồng, đặc biệt sau khi NQ42 có hiệu lực đến 30/11/2019, kết quả thu hồi nợ của VAMC đạt 80.862 tỷ đồng chiếm 57% tổng giá trị thu hồi lũy kế đến 30/11/2019.
Kỳ vọng hình thành trung tâm mua bán nợ xấu
Đến thời điểm này, sau hai năm đi vào cuộc sống, phải khẳng định rằng, về cơ bản, NQ42 là cơ sở pháp lý quan trọng để VAMC cũng như TCTD xử lý những khó khăn, vướng mắc trong XLNX thời gian qua. Những kết quả đạt được trong thời gian qua cùng với cơ chế chính sách cởi mở hơn là động lực để VAMC đặt thêm nhiều mục tiêu, tham vọng lớn trong hoạt động XLNX của VAMC nói riêng, cả hệ thống ngân hàng nói chung. Đó là tập trung mua nợ theo GTTT theo phê duyệt của NHNN.
Trong thời gian tới, VAMC tăng cường XLNX đã mua theo GTTT, song song với đó tiếp tục hỗ trợ TCTD xử lý số nợ xấu đã mua bằng TPĐB. Ngay trong năm 2020, VAMC phấn đấu xử lý 100% nợ mua bằng TPĐB, ngoại trừ nợ xấu của các TCTD yếu kém, có thể gây rủi ro cho hệ thống.
Một trong những mục tiêu quan trọng cũng như có ý nghĩa quyết định khẳng định vai trò, vị thế của VAMC chính là tạo lập thị trường mua bán nợ tập trung, trong đó VAMC đóng vai trò là trung tâm. Muốn hiện thực hóa mục tiêu này, VAMC xác định cần phải triển khai nhiều giải pháp mang tính thị trường và theo thông lệ quốc tế.
Vì vậy, việc thành lập Sàn Giao dịch mua bán nợ xấu là cần thiết để tăng tính minh bạch và công khai của thị trường. Thông qua các thông tin chính thức, minh bạch, khách quan về nợ xấu/TSBĐ của nợ xấu từ sàn giao dịch này tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư quan tâm tiếp cận thông tin về “hàng hóa” mà họ quan tâm. Đây sẽ là nơi trung gian cho các bên trao đổi, đàm phán và ký kết hợp đồng mua bán nợ. Qua đó góp phần xử lý nhanh, khách quan, minh bạch, an toàn hiệu quả nợ xấu, thúc đẩy thị trường mua bán nợ phát triển.
Bên cạnh việc hình thành sàn giao dịch mua bán nợ xấu, việc thành lập câu lạc bộ (CLB) Mua bán nợ xấu cũng là một giải pháp VAMC hướng tới để tạo lập thị trường mua bán nợ xấu tập trung, thúc đẩy sự phát triển của thị trường mua bán nợ. Thành viên của CLB dự kiến bao gồm VAMC, các AMC của TCTD, các công ty mua bán nợ được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật, các cá nhân có kinh nghiệm trong lĩnh vực xử lý nợ. CLB Mua bán nợ xấu sẽ đóng vai trò là trung gian, kịp thời phản ánh khó khăn vướng mắc của các tổ chức hội viên liên quan đến hoạt động mua bán, xử lý nợ xấu, xử lý TSBĐ… góp phần quan trọng vào hỗ trợ công tác xử lý nợ, mua bán nợ xấu.
Không chỉ vậy, CLB cũng đóng vai trò tiên phong trong việc thực hiện có hiệu quả chính sách, chủ trương của Chính phủ, cơ quan quản lý Nhà nước trong hoạt động mua bán nợ xấu, là đầu mối tiếp nhận và trực tiếp kiến nghị, đề xuất với Cơ quan quản lý Nhà nước nhằm kịp thời tháo gỡ vướng mắc về cơ chế chính sách, đảm bảo các cơ chế chính sách đi vào cuộc sống, phát huy tính hiệu quả. Ngoài ra, CLB cũng là nơi gặp gỡ, là diễn đàn trao đổi thông tin, kinh nghiệm, tăng cường đào tạo kỹ năng, kiến thức cho các tổ chức hội viên; là đầu mối làm việc, huy động đầu tư từ các đơn vị trong và ngoài nước, tăng cường nguồn lực đầu tư, tăng tính thanh khoản cho thị trường mua bán nợ.
Mục tiêu nữa trong thời gian tới của VAMC là mong muốn triển khai toàn bộ các nghiệp vụ của VAMC theo Nghị định 53/2013/NĐ-CP, trong đó các nghiệp vụ VAMC chưa triển khai như: chuyển nợ thành vốn góp, vốn cổ phần của khách hàng vay; Đầu tư, sửa chữa, nâng cấp, khai thác, sử dụng, cho thuê TSBĐ đã được VAMC thu nợ... Để đảm đương khối lượng công việc ngày càng lớn như vậy, tới đây, VAMC tăng cường phát triển nguồn nhân lực nhất là tập trung nâng cao năng lực hoạt động của các Ban nghiệp vụ, Ban Đấu giá tài sản, Ban Công nghệ Thông tin... Hoàn thiện bộ máy tổ chức cho VAMC, theo đó cơ cấu lại các ban cho phù hợp với nhiệm vụ mới thực hiện.
Tham vọng là vậy, nhưng để hiện thực hóa nó, bên cạnh nỗ lực của VAMC cần thêm hỗ trợ cơ chế chính sách từ phía Chính phủ, NHNN và các bộ ngành liên quan. Cụ thể, cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho thị trường mua, bán nợ xấu. Tiếp tục tăng cường năng lực tài chính cho VAMC theo đúng lộ trình tại Quyết định 1058/QĐ-TTg Chính phủ cấp bổ sung vốn điều lệ cho VAMC để đạt mức 10.000 tỷ đồng trong giai đoạn năm 2020 để công ty có đủ nguồn lực tài chính thực hiện mục tiêu đẩy nhanh tiến độ XLNX trong năm 2020.
Để tháo gỡ khúc mắc liên quan đến chuyển nhượng TSBĐ, VAMC đề nghị Bộ Tài nguyên – Môi trường hướng dẫn các thủ tục nhận thế chấp, đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất hình trong tương lai; thủ tục chuyển nhượng TSBĐ của khoản nợ xấu là dự án BĐS đang dở dang.
Với nỗ lực quyết liệt triển khai các giải pháp của VAMC cùng với hỗ trợ về khung khổ pháp lý, cơ chế chính sách, kỳ vọng công tác XLNX sẽ có bước tiến trong năm 2020. Đồng thời, VAMC tiếp tục khẳng định vai trò là công cụ đặc biệt của Nhà nước trong XLNX và đảm bảo phát triển an toàn bền vững của hệ thống các TCTD, hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.