Tỷ giá ngày 16/4: Tăng nhẹ trở lại
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 15/4 | |
Đô la giảm giá do kỳ vọng đại dịch đạt đỉnh đã cải thiện khẩu vị rủi ro | |
Tỷ giá ngày 15/4: Tiếp tục tăng nhẹ |
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sáng nay đã điều chỉnh tăng tỷ giá trung tâm 9 đồng so với phiên cuối phiên trước, hiện ở mức 23.236 đồng/USD.
Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước ấn định giá mua vào ở mức 23.175 đồng/USD, trong khi giá bán ra được niêm yết ở mức 23.650 đồng/USD.
Sáng nay, trong khi một số ngân hàng không thay đổi giá mua-bán ngoại tệ, thì một số ngân hàng khác đã tăng nhẹ tỷ giá so với cuối phiên gần nhất.
Cụ thể, giá mua thấp nhất đang ở mức 23.325 đồng/USD, giá mua cao nhất đang ở mức 23.370 đồng/USD. Trong khi đó, ở chiều bán ra, giá bán thấp nhất đang ở mức 23.510 đồng/USD, giá bán cao nhất đang ở mức 23.558 đồng/USD.
Trên thị trường thế giới, sáng nay, chỉ số đô la Mỹ (DXY) đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) hiện ở mức 99,82 điểm, tăng 0,25 điểm so với giá mở cửa, so với cùng thời điểm sáng qua, tăng 0,96 điểm.
Theo các chuyên gia, diễn biến đồng USD đang có biểu hiện "bất thường" khi duy trì xu hướng tăng bất chấp số liệu kinh tế "tồi tệ".
Theo báo cáo mới nhất, doanh số bán lẻ tại Mỹ đã giảm 8,7%, mức giảm trong một tháng lớn nhất từ trước đến nay. Tương tự, sản xuất công nghiệp giảm 5,4%.
Báo cáo của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tỏ ra đặc biệt bi quan khi nhận xét rằng hoạt động kinh tế giảm mạnh trong những tuần gần đây. Họ nói rằng thất nghiệp tăng ở toàn nước Mỹ cho thấy triển vọng kinh tế cực kỳ không chắc chắn. Thế nhưng, đồng đô la vẫn kết thúc phiên cao hơn so với hầu hết các loại tiền tệ chính.
Chỉ có một lời giải thích cho việc đồng đô la Mỹ tăng gần đây: do thị trường chứng khoán và lãi suất trái phiếu kho bạc đều sụt giảm.
"Tình hình kinh tế Mỹ hiện tại rất "tồi tệ", nhưng đồng đô la vẫn luôn được coi là kênh đầu tư an toàn trong thời gian vừa qua. Tăng trưởng tiền tệ luôn luôn là tăng trưởng tương đối – cho thấy triển vọng của một quốc gia so với một quốc gia khác. Những đợt bùng phát mới của dịch Covid-19 ở châu Âu và châu Á cho thấy rằng thế giới thực sự vẫn chưa thể kiềm chế dịch bệnh", Kathy Lien từ BK Asset Management, phân tích.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, không rõ liệu bệnh nhân đã hồi phục có thể tái nhiễm hay không. Tuy nhiên, tình trạng phong tỏa sẽ tiếp tục được áp dụng ở Úc, New Zealand và Đức.
Ngay cả khi một số quốc gia khởi động lại hoạt động kinh tế vào giữa tháng 5, biên giới các nước sẽ vẫn đóng cửa trong một thời gian nữa và giãn cách xã hội có thể được áp dụng kéo dài đến hết năm. Điều này có nghĩa là kết quả kinh doanh của doanh nghiệp tiếp tục yếu kém trong quý II và III.
"Tất cả những thông tin này đều tiêu cực đối với đồng USD, nhưng nếu kinh tế Mỹ không hồi phục thì nền kinh tế thế giới cũng sẽ không thể hồi phục. Điều này giải thích tại sao đồng USD vẫn thu hút các nhà đầu tư mặc dù yếu tố cơ bản của Mỹ đang yếu đi", Kathy Lien nói.