Điểm lại thông tin kinh tế ngày 15/4
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 14/4 | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 13/4 |
Tin trong nước
Thị trường ngoại tệ phiên 15/4, Ngân hàng Nhà nước niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.227 VND/USD, tiếp tục tăng 4 đồng so với phiên trước đó. Tỷ giá bán vẫn được niêm yết ở mức 23.650 VND/USD; tỷ giá mua giao ngay được niêm yết ở mức 23.175 VND/USD.
Trên thị trường liên ngân hàng, tỷ giá chốt phiên ở mức 23.440 VND/USD, giảm 30 đồng so với phiên 14/4. Tỷ giá trên thị trường tự do tăng 30 đồng ở chiều mua vào và 10 đồng ở chiều bán ra, giao dịch tại 23.550 - 23.630 VND/USD.
Thị trường tiền tệ liên ngân hàng ngày 15/4, lãi suất chào bình quân liên ngân hàng VND tăng 0,05 điểm phần trăm ở kỳ hạn qua đêm trong khi giảm trở lại 0,01 - 0,06 điểm phần trăm các kỳ hạn còn lại từ 1 tháng trở xuống so với phiên trước đó; cụ thể: qua đêm 1,82%; 1 tuần 2,03%; 2 tuần 2,27% và 1 tháng 2,62%.
Lãi suất chào bình quân liên ngân hàng USD giảm 0,01 - 0,09 điểm phần trăm ở hầu hết các kỳ hạn ngoại trừ tăng 0,05 điểm phần trăm ở kỳ hạn 2 tuần; giao dịch tại: qua đêm 0,35%; 1 tuần 0,55%; 2 tuần 0,83%, 1 tháng 1,11%.
Lợi suất trái phiếu chính phủ trên thị trường thứ cấp tăng 0,02 - 0,07 điểm phần trăm ở tất cả các kỳ hạn, cụ thể: 3 năm 2,33%; 5 năm 2,59%; 7 năm 2,81%; 10 năm 3,22%; 15 năm 3,32%.
Nghiệp vụ thị trường mở phiên 15/4, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chào thầu 3.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố vẫn với kỳ hạn 14 ngày, lãi suất giữ ở mức 3,5%. Không có khối lượng trúng thầu, trong ngày có 9.448 tỷ đồng đáo hạn.
Như vậy, Ngân hàng Nhà nước hút ròng 9.448 tỷ đồng từ thị trường, đưa khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố giảm xuống mức 13.187 tỷ đồng.
Ngân hàng Nhà nước vẫn không chào thầu tín phiếu Ngân hàng Nhà nước, khối lượng tín phiếu lưu hành trên thị trường giữ ở mức gần 147.000 tỷ đồng.
Thị trường trái phiếu ngày 15/4, Kho bạc Nhà nước huy động thành công 500/3.500 tỷ đồng trái phiếu chính phủ gọi thầu (tỷ lệ trúng thầu 14%). Trong đó, kỳ hạn 10 năm huy động được 300/1.500 tỷ đồng gọi thầu, kỳ hạn 15 năm huy động được 100/1.500 tỷ đồng, kỳ hạn 30 năm huy động được 100/500 tỷ đồng. Lãi suất phát hành từng kỳ hạn lần lượt là 2,28%/năm; 2,63%/năm và 3,10%/năm - đồng loạt tăng 0,1% so với phiên trước đấu thầu trước.
Thị trường chứng khoán phiên hôm qua, sắc xanh bao trùm trên cả 3 sàn khi nhiều nhóm ngành như ngân hàng, chứng khoán, bán lẻ… đều giao dịch tích cực. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index đóng cửa ở mức 777,92 điểm, tăng 9,81 điểm +(1,28%); HNX-Index tăng 1,18 điểm (+1,10%) lên 108,33 điểm; UPCoM-Index tăng 0,73 điểm (+1,44%) lên 51,51 điểm.
Thanh khoản thị trường tăng đáng kể so với phiên trước đó với tổng giá trị giao dịch đạt hơn 5.400 tỷ đồng. Khối ngoại tiếp tục bán ròng hơn 194 tỷ đồng trên cả ba sàn trong phiên hôm qua.
VN-Index trong vòng 3 tháng gần đây - Nguồn: VNDIRECT |
Trong Báo cáo triển vọng kinh tế thế giới năm 2020 tháng 4/2020, Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 2,7% năm 2020, giảm mạnh từ mức dự báo tăng 6,5% trong báo cáo hồi tháng 10/2019. Tuy nhiên, IMF dự báo năm 2021 GDP Việt Nam tăng 7,0%, cao hơn mức dự báo 6,5% trước đó. Chỉ số giá tiêu dùng CPI 2020 và 2021 được dự báo lần lượt ở mức 3,2% và 3,9%, thay đổi từ mức 3,6% và 3,7% dự báo trước đó.
Tin quốc tế
Bộ Thương mại Mỹ cho biết, doanh số bán lẻ lõi và doanh số bán lẻ chung tại nước này giảm lần lượt 4,5% và 8,7% so với tháng trước trong tháng 3, sau khi cùng giảm nhẹ 0,4% ở tháng trước đó, gần sát với dự báo của các chuyên gia lần lượt giảm 4,9% và 8,0%. Mức giảm 8,7% của tháng 3 đánh dấu tháng tồi tệ nhất trong lịch sử, từ khi bắt đầu được thống kê năm 1992.
Các quan chức Liên minh Châu Âu EU có cuộc họp báo trong ngày hôm qua, nhấn mạnh sự cần thiết để sử dụng ngân sách dài hạn cho việc phục hồi kinh tế khu vực sau khi bị ảnh hưởng bởi virus corona. Tuy nhiên, có một vấn đề vẫn luôn tồn tại là các nước lớn như Đức và Pháp không muốn chịu trách nhiệm đóng góp quá lớn nhằm giúp đỡ các nước phát triển yếu hơn. Các nhà lãnh đạo khối sẽ tiếp tục thảo luận trong tuần tới nhằm tìm ra kế hoạch huy động và chi tiêu cụ thể.
Hãng tin AFP của Pháp thực hiện khảo sát dựa trên ý kiến các chuyên gia tại 14 tổ chức, đưa ra dự báo kinh tế Trung Quốc quý I/2020 giảm 8,2% so với cùng kỳ 2019, là lần suy giảm đầu tiên kể từ đầu thập niên 1990. Trong cả năm 2020, các chuyên gia này dự báo GDP Trung Quốc chỉ tăng 1,7%; thấp hơn nhiều so với mức tăng 6,1% của năm 2019, song vẫn tích cực hơn mức tăng 1,2% mà Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF đưa ra ngày 14/4.