Tỷ giá sáng 28/9: Tỷ giá trung tâm đi ngang
Điều hành tỷ giá ổn định hướng tới mục tiêu kép | |
Tỷ giá sáng 27/9: Tỷ giá trung tâm tăng phiên thứ tư liên tiếp |
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) sáng nay niêm yết tỷ giá trung tâm ở 23.346 đồng, không đổi so với phiên trước. Như vậy, tỷ giá trung tâm đã đi ngang sau bốn phiên tăng liên tiếp với tổng mức tăng là 45 đồng.
Sáng nay, Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vẫn giữ nguyên giá mua - bán USD. Hiện, giá bán ra đang ở 23.700 đồng/USD; giá mua vào vẫn tạm để trống.
Trong khi đó, giá mua - bán bạc xanh tại nhiều ngân hàng ít biến động so với cuối phiên trước nhưng đã tăng so với sáng hôm qua.
Cụ thể, tính đến 9h sáng nay, giá mua thấp nhất đang ở mức 23.565 VND/USD, giá mua cao nhất đang ở mức 23.640 VND/USD. Trong khi đó ở chiều bán ra, giá bán thấp nhất đang ở 23.860 VND/USD, giá bán cao nhất đang ở 23.950 VND/USD.
Chỉ số đô la Mỹ (DXY), đo lường biến động của bạc xanh so với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF), cập nhật đến đầu giờ sáng nay theo giờ Việt Nam ở mức 114,459 điểm, tăng 0,271 điểm (+0,24%) so với thời điểm mở cửa.
Trong rổ tiền tệ chủ chốt đó, bảng Anh tiếp tục suy yếu và ở gần mức thấp kỷ lục so với bạc xanh do lo ngại gia tăng trước việc Anh cắt giảm thuế để thúc đẩy tăng trưởng, trong khi bạc xanh tăng giá sau khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng.
Sáng nay, bảng Anh giảm 0,46% xuống 1,0684 USD, sau khi tăng nhẹ 0,4% trong phiên trước đó, vẫn tiếp tục giảm sâu sau khi trượt xuống mức thấp nhất mọi thời đại là 1,0327 USD vào đầu tuần.
Hôm qua, chuyên gia kinh tế trưởng Huw Pill của Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) cho biết BoE có khả năng sẽ có một "phản ứng chính sách quan trọng" trước việc cắt giảm thuế khổng lồ của Bộ trưởng Bộ Tài chính Kwasi Kwarteng. Nhưng ông nói thêm rằng ngân hàng trung ương muốn đợi cho đến cuộc họp tiếp theo dự kiến vào tháng 11 trước khi thực hiện bất kỳ động thái nào.
"Mọi phát biểu về đường lối chính sách của BoE cũng như kế hoạch tài khóa của Vương quốc Anh chắc chắn sẽ được theo dõi chặt chẽ, nhưng trong ngắn hạn tôi nghĩ rằng bảng Anh sẽ vẫn khá yếu", Carol Kong, cộng sự cao cấp về kinh tế quốc tế và chiến lược tiền tệ tại Commonwealth Bank of Australia nói và thêm rằng: "Về cơ bản, đó là một cuộc khủng hoảng niềm tin. Chính phủ Anh sẽ giải quyết vấn đề này tốt hơn BoE".
Hôm qua, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm và 30 năm đã tăng lên các mốc quan trọng mới, sau khi các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nhắc lại lập trường diều hâu của ngân hàng trung ương.
“Sức mạnh của bạc xanh đã thực sự vượt quá nhiều kỳ vọng của các chuyên gia dự báo trong năm nay và có khả năng sẽ duy trì ở mức cao hơn trong thời gian dài”, Kong nói.
Sáng nay, euro giảm 0,26% xuống 0,9569 USD, trong khi đô la Úc giảm 0,17% xuống 0,6424 USD và đô la New Zealand giảm 0,51% xuống mức thấp nhất hai năm ở 0,5605 USD.
Bên cạnh cuộc khủng hoảng khí đốt tại khu vực đồng tiền chung euro tiếp tục gia tăng và sự leo thang căng thẳng địa chính trị tại khu vực, châu Âu hôm thứ Ba đã tiến hành điều tra nguyên nhân của các vụ việc được cho là phá hoại dẫn đến rò rỉ lớn khí đốt hóa lỏng ra Biển Baltic từ hai đường ống dẫn khí của Nga.
Tại châu Á, đồng tiền Nhật Bản đang ở gần mức đáy 24 năm là 144,76 JPY/USD, sau khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng mạnh. Cặp tỷ giá này thường có xu hướng đi theo chênh lệch lợi suất dài hạn giữa trái phiếu chính phủ Mỹ và Nhật Bản. Trước đó, nó đã được trợ giúp bởi sự can thiệp ngoại hối từ chính quyền Nhật Bản khi mua vào đồng yên.
“Điều gì sẽ thực sự thay đổi giá trị của đồng yên Nhật nếu Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) từ bỏ hoặc xác định lại chính sách kiểm soát đường cong lợi suất của họ”, Pablo Calderini, giám đốc đầu tư tại quỹ đầu tư Graham Capital nói và thêm rằng: "Chừng nào BoJ còn chấp nhận mức chênh lệch lãi suất lớn so với các ngân hàng trung ương khác, sẽ thực sự khó để thấy đồng yên Nhật tăng giá".