Ứng dụng dữ liệu dân cư phục vụ chuyển đổi số ngân hàng
Dữ liệu quốc gia về dân cư - “trái tim” của chuyển đổi số
Ngày 21/12/2023, Chính phủ đã tổ chức hội nghị đánh giá sơ kết 02 năm triển khai Đề án 06 với 7 quan điểm chỉ đạo lớn, với mục tiêu tổng quát là ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 để phục vụ 05 nhóm tiện ích: Giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; Phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; Phục vụ phát triển công dân số; Hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư; Phục vụ chỉ đạo, điều hành của các cấp.
Với một nửa chặng đường của Đề án 06, các mục tiêu chính của Đề án cơ bản đã đạt được theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là làm việc nào dứt điểm việc đó và đạt được nhiều kết quả nổi bật như: Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã nhận thức rõ dữ liệu là “trái tim”, “chìa khóa” để thực hiện Đề án 06/CP, góp phần chuyển đổi số; Hạ tầng công nghệ là yếu tố then chốt cho chuyển đổi số; Khai thác, kết nối dữ liệu sự sống của nền tảng số quốc gia, góp phần cải thiện hiệu quả hoạt động của chính quyền, là công cụ để đo lường và giám sát thực hiện chuyển đổi số nhằm tạo ra cơ hội mới để định hình lại lợi thế cạnh tranh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội…; Các bộ, ngành, địa phương phải có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, xuyên suốt từ Trung ương tới cơ sở trong tổ chức thực hiện; Xác định người dân, doanh nghiệp là chủ thể, trung tâm của quá trình chuyển đổi số nói chung, thực hiện Đề án 06 nói riêng; Tập trung giải quyết các “điểm nghẽn” của từng nhiệm vụ theo từng đơn vị triển khai thực hiện, nhất là các vấn đề về pháp lý, hạ tầng, dữ liệu, bảo mật, nguồn lực tài chính, con người để triển khai thực hiện…
Tính đến hết tháng 4/2023, Bộ Công an đã thực hiện cấp số định danh cá nhân cho 100% công dân với trên 104 triệu dữ liệu; 86 triệu thẻ căn cước công dân cho 100% công dân đủ điều kiện trên toàn quốc; 75,16 triệu hồ sơ định danh điện tử... Tổng số lượt sử dụng tài khoản định danh điện tử trên các cổng dịch vụ công đến nay là 11.645.068...
Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối với 18 bộ, ngành, 01 doanh nghiệp nhà nước (EVN), 04 doanh nghiệp viễn thông và 63 địa phương. Hệ thống của BHXH Việt Nam đã xác thực hơn 96,4 triệu thông tin nhân khẩu trong cơ sở dữ liệu do BHXH Việt Nam quản lý, trong đó có khoảng 86,7 triệu người đang tham gia, thụ hưởng BHXH, BHYT, BHTN, chiếm 97,6% tổng số người tham gia với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư...
Với những kết quả nổi bật như trên, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã trở thành “trái tim” của chuyển đổi số.
Ngành Ngân hàng dẫn đầu chuyển đổi số
Có thể khẳng định rằng, trong những năm vừa qua ngành Ngân hàng luôn dẫn đầu trong chuyển đổi số phục vụ người dân, doanh nghiệp thông qua việc tạo tiện lợi trong thanh toán, tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp, khách hàng... Việc bảo mật dữ liệu người dùng và doanh nghiệp, từng bước chuẩn hóa và được nâng cao, với những kết quả đạt được ngành Ngân hàng đã quyết tâm “vừa chạy, vừa xếp hàng” với nhiệm vụ Đề án 06. Nhất là sau hơn 1 năm triển khai thực hiện Kế hoạch số 01/KHPH-BCA-NHNN ngày 24/4/2023 giữa Bộ Công an và NHNN, các mục tiêu cơ bản của Kế hoạch đã đạt được, triển khai theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, lãnh đạo Bộ Công an, NHNN Việt Nam làm quyết liệt, quyết tâm, bám sát nhiệm vụ chung của Đề án 06, thúc đẩy phát triển nhóm tiện ích phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, giảm thiểu rủi ro ngành tài chính, góp phần vào công tác đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm.
Những kết quả nổi bật đã đạt được cụ thể là: Nhận thức và hành động giữa hai đơn vị luôn thể hiện sự quyết tâm, quyết liệt, sáng tạo, thống nhất từ trên xuống dưới; Các đơn vị đầu mối được giao nhiệm vụ (Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư và Vụ Thanh toán) giao ban định kỳ hàng tháng để đôn đốc, cập nhật kết quả, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và đề xuất các giải pháp triển khai thực hiện để báo cáo Tổ công tác triển khai Đề án 06.
Hệ thống pháp luật cũng từng bước hoàn thiện để ứng dụng dữ liệu dân cư, căn cước công dân, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số ngân hàng. Phấn đấu đến tháng 5/2024 hoàn thành 02 Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Căn cước, định danh và xác thực điện tử; chủ động hoàn thiện 04 Thông tư hướng dẫn Nghị định và Luật Căn cước có hiệu lực từ 01/7/2024 để đồng bộ với các pháp luật khác về giao dịch điện tử, viễn thông, các TCTD… Đây là những cơ sở pháp lý quan trọng để ngành Ngân hàng thúc đẩy chuyển đổi số.
Đến thời điểm này, đã thực hiện xác thực, làm sạch 49 triệu dữ liệu của Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam; 3,5 triệu dữ liệu của các TCTD, trung gian thanh toán, ví điện tử của hơn 37 ngân hàng và đang tiếp tục phối hợp chặt chẽ để triển khai làm sạch với số dữ liệu còn lại…
Bộ Công an đã cung cấp giải pháp xác thực danh tính công dân qua thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử với việc sử dụng các thiết bị đọc xác thực tại các quầy giao dịch; xác thực thông tin qua đọc NFC các thông tin trong chip của thẻ căn cước công dân thay thế công nghệ Ekyc truyền thống trước đây. Kết quả đến nay, các ngân hàng đã sử dụng và đưa vào nghiệp vụ lõi để định danh một cách an toàn, hiệu quả với 1,5 triệu lượt sử dụng dịch vụ, trung bình mỗi tháng từ 300 – 500 nghìn lượt (tăng trưởng 30% hàng tháng). Chất lượng và trải nghiệm dịch vụ đã được tối ưu rất tốt với các thiết bị đầu đọc chưa đến 2 giây và trên điện thoại chưa đến 3 giây đã đọc và xác thực thành công. Đây là một trong những giải pháp triển khai đáp ứng các quy định mới của ngành Ngân hàng khi định danh mở tài khoản và xác thực sinh trắc theo Quyết định số 2345/QĐ-NHNN.
Đồng thời hoàn thiện về pháp lý, hạ tầng, an ninh an toàn bảo mật để một số đơn vị thí điểm cung cấp dịch vụ xác thực điện tử như VCB, VIB, VietinBank, TPBank, Techcombank, ví điện tử Epay… Đây là dịch vụ tối ưu nhất phục vụ chuyển đổi số ngành Ngân hàng. Đặc biệt, từ ngày 01/7/2024, các văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực thi hành, hệ thống xác thực điện tử Bộ Công an đã hoàn thiện cung cấp sẽ thay đổi toàn bộ phương thức chuyển đổi số theo hướng thân thiện, tiện dụng, an toàn, chính xác, hiệu quả, tiết kiệm chi phí; thúc đẩy triển khai 44 mô hình của Đề án 06 theo 05 nhóm nhiệm vụ gắn với vai trò, chuyển đổi số ngành Ngân hàng như chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt, cho vay tín chấp, thanh toán không dùng tiền mặt cho các bãi trông giữ xe, bệnh viện, giáo dục, y tế… thanh toán phí/lệ phí không dùng tiền mặt phục vụ thúc đẩy dịch vụ công trực tuyến...
Những kết quả đạt được đã góp phần không nhỏ làm xã hội ngày càng văn minh, chuyển đổi trạng thái theo hướng giảm tiếp xúc trực tiếp mà tiếp xúc hoàn toàn trên môi trường điện tử, giảm chi phí đầu tư, tái sử dụng cơ sở dữ liệu sẵn có, giảm phiền hà cho người dân… Với ngành Ngân hàng, là đơn vị đi đầu trong chuyển đổi số nên trong thời gian tới cần thực hiện một số nhiệm vụ sau:
Một là, NHNN tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an hoàn thiện, đồng bộ pháp lý để thực hiện chuyển đổi số, đặc biệt là mốc 01/7/2024 là “điểm nút” khi pháp luật về căn cước, định danh, giao dịch điện tử, viễn thông, tín dụng, thanh toán… đồng loạt có hiệu lực thi hành bắt buộc các hành vi, phương thức, công cụ, phương tiện, thủ tục hành chính, dịch vụ điện tử sẽ được triển khai thực hiện. Ngành Ngân hàng cần nắm vững thời cơ để thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ hơn theo hướng hiệu quả, an toàn, tiện dụng, tiết kiệm chi phí trên cơ sở ứng dụng dữ liệu dân cư, căn cước công dân, định danh và xác thực điện tử, giảm thiểu rủi ro, phòng chống rửa tiền, đảm bảo an ninh tiền tệ, chống thất thu thuế trong hoạt động thương mại điện tử.
Hai là, các đơn vị ngành Ngân hàng thực hiện số hóa, làm sạch, xác thực, kết nối, khai thác, sử dụng dữ liệu “gốc” từ nguồn dữ liệu về dân cư, căn cước, định danh điện tử để chuyển đổi số toàn trình cho người dân, doanh nghiệp thúc đẩy kinh tế số, thanh toán không dùng tiền mặt, xác thực cho các giao dịch gắn với dữ liệu viễn thông, thuế, thương mại điện tử, hợp đồng điện tử, chữ ký số được tạo lập dữ liệu thống nhất giữa các bộ, ngành phục vụ người dân, doanh nghiệp trong hoạt động kinh tế.
Ba là, ngân hàng chuyển đổi số luôn sẵn sàng triển khai các hệ thống để kết nối, liên thông, khai thác dữ liệu dân cư, căn cước, định danh điện tử đảm bảo toàn trình, hạn chế tối đa giấy tờ, thủ tục thủ công.
Bốn là, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin là vấn đề quan trọng, đặc biệt là trong bối cảnh các hệ thống lớn liên tục bị tấn công, rủi ro về tài chính là vấn đề rất nghiêm trọng đối với việc phát triển kinh tế tại các quốc gia. Vì vậy, phải tiến hành các biện pháp, giải pháp tối ưu để đảm bảo an ninh, an toàn, bảo vệ dữ liệu cá nhân, tổ chức trong quá trình kết nối, chia sẻ, khai thác, sử dụng thông tin để phục vụ chuyển đổi số.
Năm là, nguồn nhân lực, vật lực để triển khai là rất quan trọng trong công tác chuyển đổi số. Mặc dù ngành Ngân hàng luôn có những cơ chế hấp dẫn để đảm bảo nguồn nhân lực, tài chính để triển khai thực hiện nhưng vẫn luôn coi trọng vấn đề này trong quá trình triển khai thực hiện.
Cuối cùng là việc triển khai ứng dụng dữ liệu dân cư, căn cước, định danh và xác thực điện tử, ngành Ngân hàng lựa chọn, xác định Đề án mang tính chiến lược, với bước đi cụ thể, rõ ràng, đồng bộ với Đề án 06 để hoạch định chính sách chuyển đổi số thúc đẩy kinh tế số, làm “bàn đạp” cho các nền tảng khác triển khai.