Vận chuyển hàng hóa được thời
Năng lực chưa cao
Theo ông Oscar Perez, Giám đốc điều hành tại Việt Nam của Công ty XAct Solutions (Công ty tư vấn quản lý tập trung vào các giải pháp chuỗi cung ứng và bất động sản công nghiệp liên quan của Úc), XAct Solutions vừa qua đã thực hiện một nghiên cứu toàn diện đầu tiên tại Việt Nam về lĩnh vực xe tải với hơn 1.400 tài xế xe tải, phỏng vấn 150 đối tượng liên quan trong khu vực tư nhân và nhà nước; đồng thời đánh giá chi tiết các yếu tố chính ảnh hưởng đến chi phí vận tải trong nước, tiềm năng đóng góp cho nền kinh tế và yếu tố ảnh hưởng đến môi trường trong tương lai. Kết quả cho thấy, hiện có đến 95% xe tải ở Việt Nam đã được sử dụng trên 5 năm, trong đó 31% trên 8 năm; Hầu hết các công ty vận tải rất nhỏ, với quy mô đội xe trung bình chỉ có 05 xe tải; Môi trường dịch vụ vận tải Việt Nam thiếu một thị trường trung gian môi giới trên phạm vi toàn quốc để kết nối hiệu quả các dịch vụ vận tải hiện có với nhu cầu của khách hàng tiềm năng. Do đó, tỷ lệ xe tải chạy không (không chở hàng hóa) chiều về lên tới 50%. Điều này tác động trực tiếp đến chi phí vận chuyển hàng hóa trong nước.
Tiềm năng vận tải đường thủy vẫn chưa được khai thác đúng mức |
Hơn nữa, hiện nay việc sử dụng công nghệ trong vận chuyển để kết nối cung - cầu còn hạn chế. Mặt khác, do khả năng kết nối đường bộ tương đối thấp, nên 50% - 60% lượng xe tải phục vụ các cảng chính của Việt Nam là nhỏ hoặc trung bình. Điều này đòi hỏi phải sử dụng một lượng lớn xe để vận chuyển hàng hóa, gây tắc nghẽn giao thông và chậm trễ thời gian giao nhận hàng hóa. Trong khi đó, tiềm năng của vận tải biển và đường thủy nội địa vẫn chưa được khai thác đúng mức, mặc dù Việt Nam có đường bờ biển dài khoảng 3.200 km và 19.000 km đường thủy nội địa. Nếu tăng cường cơ sở hạ tầng và dịch vụ đường thủy nội địa thì với các tàu phổ biến hiện đang hoạt động tại Việt Nam (có tải trọng từ 100 - 300 tấn), các tuyến đường thủy nội địa có thể đáp ứng tốt hơn các xà lan vài nghìn tấn và vận tải một tỷ lệ vận chuyển hàng hóa lớn hơn nhiều. Về con người, hầu hết các tài xế xe tải dựa vào kinh nghiệm của bản thân để giải quyết các vấn đề như tai nạn, dừng xe không cần thiết và tắc nghẽn. Nhiều nguyên nhân đã khiến cho vận tải hàng hóa trở nên gánh nặng với cầu đường, hạ tầng giao thông.
Phát triển vận tải, phát triển thương mại
Ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.Hồ Chí Minh cho biết, mặc dù những năm gần đây, tình hình kinh doanh vận tải gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn, đầu tư, phương tiện, năng lực hoạt động… Tuy nhiên, so với ba năm về trước thì hiện nay dịch vụ vận tải hàng hóa trong nước lại đang phát triển bùng nổ, từ thông dụng (giao nhận hàng hóa trong thị trường bán lẻ, doanh nghiệp đến cá nhân) đến chuyên dụng (giao nhận hàng hóa qua cảng, qua cửa khẩu biên giới). Với lĩnh vực bán lẻ, hàng loạt doanh nghiệp như Vietnam Post, Viettel Post, SaigonShip, Alogiaongay, Proship… đã phát triển không ngừng đội ngũ nhân viên giao nhận cho thị trường thương mại điện tử, mua sắm trực tuyến.
Mặt khác, vận chuyển hàng hóa còn ảnh hưởng nhất định đến năng lực cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam. Bởi một số mặt hàng xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam như rau quả, thủy sản có chu kỳ sử dụng ngắn, dễ hư hỏng, mang tính thời vụ... nên việc đa dạng hóa hình thức vận chuyển bên cạnh vận tải đường bộ là giải pháp quan trọng nhằm giữ thị trường và tăng sức cạnh tranh.
Theo Bộ Công thương, nông sản Việt Nam hiện nay xuất khẩu chủ yếu vẫn bằng đường bộ đối với những nước có chung đường biên giới như Trung Quốc, Lào, Campuchia, Thái Lan. Tỷ lệ sử dụng đường sắt và đường hàng không để vận chuyển nông sản vẫn chưa nhiều do chi phí cao, còn đường sắt thì chưa phù hợp với một số mặt hàng. Đến nay, vận tải hàng hóa đường bộ có vai trò quan trọng trong sự tăng trưởng nền kinh tế đất nước và đóng góp lớn cho ngân sách nhờ những dịch vụ kèm theo được phát triển, tạo thêm hàng triệu việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, trong tương lai, vận tải đường bộ cần phải được liên kết hiệu quả với các phương thức khác như đường biển, đường hàng không…