Lĩnh vực ngân hàng chiếm ưu thế trong 25 thương hiệu niêm yết dẫn đầu
Danh sách 25 thương hiệu niêm yết dẫn đầu năm 2024 của Forbes Việt Nam bao gồm đại diện từ 12 ngành nghề. Trong đó, lĩnh vực ngân hàng chiếm ưu thế với bảy thương hiệu, nhiều hơn một so với danh sách tương tự được công bố trước đó. Cụ thể, dẫn dắt ngành là các ngân hàng quốc doanh với quy mô lớn, lịch sử lâu dài và độ phủ rộng, phản ánh sự thịnh vượng và tính ổn định bền vững của lĩnh vực ngân hàng, bất chấp những biến động kinh tế trong các năm qua. Các ngành nghề còn lại có từ một đến hai thương hiệu góp mặt.
Kết quả, danh sách 25 Thương hiệu niêm yết dẫn đầu năm 2024 tiếp tục ghi nhận sự góp mặt của nhiều tên tuổi quen thuộc từ các năm trước. Đồng thời, có tám thương hiệu lần đầu tiên xuất hiện trong danh sách, bao gồm: Công ty Cổ phần Viễn thông FPT (FPT Telecom), Công ty Cổ phần Phát hành sách TP.HCM (Fahasa), Tổng công ty Lắp máy Việt Nam - CTCP (Lilama), Tổng công ty CP Bảo Minh (Bảo Minh), Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội Viettel (Viettel Post), Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Đầu tư Chợ Lớn (Cholimex), Tổng Công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Bia Hà Nội) và Công ty Tài chính Cổ phần Điện lực (EVN Finance).
Đứng đầu danh sách năm nay là Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) với giá trị thương hiệu vượt 891 triệu đô la Mỹ (USD). Theo sau là Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MBBank) và Tổng Công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), với giá trị thương hiệu lần lượt đạt 550 triệu và 474 triệu USD. Có tới 14 thương hiệu đạt giá trị hơn 100 triệu USD. Tổng giá trị thương hiệu của 25 công ty trong danh sách 2024 lên tới gần 5,2 tỉ USD, với tổng lợi nhuận trước thuế đạt hơn 185 ngàn tỉ đồng (tương đương 7,3 tỉ USD) trong năm 2023.
Được biết, phương pháp tính của Forbes Việt Nam theo nguyên tắc chung, lợi nhuận của doanh nghiệp được tạo ra từ tài sản hữu hình và vô hình. Do đó, thương hiệu của một công ty có đóng góp vào lợi nhuận, phần đóng góp này giúp xác định giá trị thương hiệu của công ty.
Để tính toán, Forbes Việt Nam tập hợp dữ liệu tài chính của các công ty niêm yết trên ba sàn HoSE (Sở Giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh), HNX (Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội) và Upcom. Với sự hỗ trợ của Công ty cổ phần Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HSC), tạp chí Forbes Việt Nam sử dụng phương pháp độc quyền của Forbes (Mỹ) để tính toán giá trị thương hiệu.
Fober loại bỏ lợi nhuận tạo ra từ các tài sản hữu hình để xác định lợi nhuận của công ty tạo ra từ các tài sản vô hình. Giá trị thương hiệu của công ty được xác định tiếp tục từ con số này sau khi phân bổ hệ số đóng góp của thương hiệu trong từng ngành và hệ số P/E trung bình của ngành đó tại thời điểm tính toán. Danh sách này được công bố và xếp theo thứ tự ABC. Trị giá đô la Mỹ được quy theo tỉ giá của Vietcombank vào ngày 13/11/2024.
DANH SÁCH 25 THƯƠNG HIỆU NIÊM YẾT DẪN ĐẦU 2024
*Trật tự sắp xếp theo thứ tự ABC
Tên công ty | Giá trị thương hiệu (Triệu đô la Mỹ) |
ACB | 398.3 |
Bán lẻ Vincom | 300.5 |
Bảo hiểm Bảo Minh | 24.4 |
Bia Hà Nội | 5.57 |
BIDV | 449.6 |
Cholimex | 8.78 |
Chứng khoán HSC | 79.7 |
Chứng khoán SSI | 329.5 |
Đạm Cà Mau | 12.1 |
EVN Finance | 20.7 |
Fahasa | 45.2 |
FPT Telecom | 102.5 |
HDBank | 289.8 |
Hóa chất Đức Giang | 110.4 |
Lilama | 26.1 |
MBBank | 550.1 |
Ngân hàng Phương Đông | 130.5 |
Nhựa Bình Minh | 7 |
PVOIL | 104.9 |
Sabeco | 474 |
Sữa Quốc tế LOF | 29.1 |
Vietcombank | 891.4 |
VietinBank | 447.8 |
Vietnam Airlines | 267.6 |
Viettel Post | 28.8 |