Văn học cho thanh, thiếu nhi: Cần thêm nhiều cây bút mới
Mảng sách văn học cho thanh, thiếu nhi ở Việt Nam từ lâu đã được quan tâm. Điều này có thể nhận thấy qua việc hình thành các đơn vị xuất bản chuyên cho thanh, thiếu nhi hàng năm cho ra đời hàng ngàn đầu sách, trong đó có nhiều đầu sách văn học. Rồi các cơ quan thông tấn báo chí cũng dành nhiều trang mục để giới thiệu các tác phẩm phù hợp cho đối tượng này. Bên cạnh đó, không ít các nhà văn chuyên nghiệp cũng đã dành tâm huyết sáng tác cho thanh, thiếu nhi. Tuy vậy, trước những đòi hỏi mới ngày càng cao hơn, văn học cho thanh, thiếu nhi ở Việt Nam vẫn cần nhận được sự quan tâm, đầu tư nhiều hơn nữa.
Nhìn một cách bao quát, có thể đưa ra nhận xét, văn học cho thanh, thiếu nhi ở Việt Nam khá đa dạng và nhận được sự quan tâm của nhiều nhà văn tên tuổi lẫn các cây bút mới vào nghề. Danh sách các tác phẩm văn học cho thanh, thiếu nhi, nếu điểm lại, có thể rất dài, trong đó gần gụi và đáng chú ý có thể nhắc tới những nhà văn - nhà thơ như: Tô Hoài, Võ Quảng, Phạm Hổ, Xuân Quỳnh, Trần Đăng Khoa, Phong Thu, Nguyễn Nhật Ánh…
Thiếu nhi Việt Nam hiện được tiếp cận nhiều tác phẩm văn học dịch của nước ngoài |
Theo nhà văn Lê Phương Liên, sau gần 40 năm đổi mới, văn học thiếu nhi Việt Nam đã có sự biến chuyển cả về lượng và chất. Những trang văn học thiếu nhi hôm nay, không hề xa rời chức năng giáo dục, bồi dưỡng nhân cách con người cho thế hệ trẻ. Chỉ có một điều mới mẻ chính là việc truyền cảm tới người đọc ý nghĩa của giáo dục của tác phẩm đã được thể hiện tinh tế, tôn trọng tâm lý trẻ em và tràn đầy tình yêu con người. Những tác phẩm đó đã được người đọc đón nhận nhiệt tình bởi các tác giả đã có thể chạm đến trái tim của các lứa tuổi.
Có thể kể ra đây những tác phẩm có tính giáo dục cao do bởi có nghệ thuật thể hiện xuất sắc: Văn xuôi có “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” (Nguyễn Nhật Ánh); “Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ” (Nguyễn Ngọc Thuần); “Xóm Bờ Giậu” (Trần Đức Tiến)… Thơ có “Con chuồn chuồn đẹp nhất” (Cao Xuân Sơn); “Mẹ Hổ dịu dàng” (Nguyễn Thụy Anh)…
Nối tiếp họ, những thế hệ sau cũng góp công sức không nhỏ cho “khu vườn” văn chương cho thanh, thiếu nhi thêm xuân sắc… Đặc biệt, kể từ đầu thế kỷ 21 đến nay, hàng loạt cây bút mới xuất hiện, với những sáng tác tâm huyết dành cho thiếu nhi.
Tại hội thảo “Châu Âu - Việt Nam về văn học thiếu nhi và thanh thiếu niên” vừa diễn ra tại Viện Goethe Hà Nội, nhiều ý kiến cũng đã nhìn nhận về mảng văn học cho thanh thiếu nhi. Một vài ý kiến bày tỏ, văn học cho thanh thiếu nhi ở Việt Nam đang bị sách ngoại lấn át. Quan sát thị trường xuất bản, thấy mảng sách dịch mua bản quyền nước ngoài chiếm lĩnh thị trường. Nhưng cuốn sách như “Pippi Tất dài”, “Lại thằng nhóc Emi”, “Nhóc Nicolas”, “Tottochan cô bé ngồi bên cửa sổ”… đến từ Anh, Pháp, Nhật Bản, Thụy Điển đã “xâm chiếm” tủ sách và tâm hồn nhiều độc giả trẻ ở Việt Nam. Tuy nhiên, trong xu hướng toàn cầu hóa và hội nhập, việc mua bản quyền và dịch những tác phẩm chất lượng của nhiều nền văn hóa khác nhau để mở ra những ô cửa cho bạn đọc trẻ là điều đáng khuyến khích. Nhất là, trong bối cảnh văn học Việt Nam vẫn có những hạn chế về số lượng tác giả - tác phẩm theo đuổi và có “chiến lược” viết cho lứa tuổi này không quá dồi dào.
Bà Vũ Thị Quỳnh Liên - Phó giám đốc, Tổng Biên tập NXB Kim Đồng, cho rằng đội ngũ tác giả viết cho thiếu nhi có độ tuổi tương đối rộng, từ những tác giả thế hệ 5X, 6X, đến các tác giả thế hệ Z (sinh vào những năm từ 1997 đến 2012). Tuy nhiên, sung sức nhất vẫn là các tác giả thế hệ từ 7X đến 9X.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Thành Nam - Phó Tổng Giám đốc, Tổng Biên tập NXB Trẻ, có 4 xu hướng xuất bản lớn về văn học thiếu nhi ở Việt Nam hiện nay. Xu hướng đầu tiên, với các sáng tác cho thiếu nhi thành công của các tác giả có tên tuổi như Nguyễn Nhật Ánh. Thứ hai là xu hướng làm mới tác phẩm cũ có giá trị, tác phẩm bán chạy, trong đó có cả làm mới, kể lại truyện cổ tích. Xu hướng thứ ba là văn học kỳ ảo, dù không bán chạy. Xu hướng thứ tư là thơ đồng dao, ca dao có minh họa đẹp, tạo điều kiện cho trẻ em tiếp cận với ngôn ngữ và văn hóa Việt.
Bên cạnh các đơn vị xuất bản, một số cơ quan, tổ chức cũng có những hình thức để tìm kiếm, tôn vinh những tác giả viết cho thiếu nhi và thanh thiếu niên. Đơn cử như báo Thể thao và Văn hóa từ 3 năm nay đã tổ chức giải thưởng thiếu nhi Dế Mèn, qua đó góp phần tìm kiếm, phát hiện thêm những tác giả - tác phẩm viết cho thiếu nhi, đồng thời tôn vinh những nhà văn dành cả sự nghiệp viết cho thiếu nhi. Hay như Hội Nhà văn Việt Nam, hồi tháng 1 năm nay cũng đã phát động cuộc vận động sáng tác văn học về đề tài thiếu nhi những mong tìm kiếm những tác giả - tác phẩm mới.
Nhưng, khách quan mà nhìn nhận, văn học thiếu nhi ở Việt Nam cũng đang đối mặt những vấn đề cần sớm giải quyết. Bà Khúc Thị Hoa Phượng - Giám đốc, Tổng Biên tập NXB Phụ nữ Việt Nam, chỉ ra một thực tế có tính căn cơ: văn học thiếu nhi ở Việt Nam đang khó khăn về đội ngũ sáng tác. Bên cạnh đó, đa số tác giả viết cho thiếu nhi thường hoạt động bằng nghề tay trái, vì thế các sáng tác thường mang tính chất manh mún. Ngoài ra, chưa có tác giả hoạch định một chiến lược dài hơi viết cho thiếu nhi.
Từ những thực tế đó, bà Phượng cũng đề xuất việc gây dựng một hệ sinh thái tác giả viết cho thiếu nhi và xây dựng một cộng đồng bạn đọc thiếu nhi ở Việt Nam. Điều này cần sự tập hợp, bắt tay hợp tác giữa các nhà xuất bản, các công ty sách tư nhân, cũng như một số cơ quan, tổ chức khác.
Là người có những tiếp xúc trực tiếp với thiếu nhi qua các hoạt động của CLB Đọc sách cùng con và các hoạt động ở các trại hè trong và ngoài nước, TS. Nguyễn Thụy Anh gửi gắm kỳ vọng, các tác giả viết văn học thiếu nhi Việt Nam có thể học hỏi và phá cách hơn, tưởng tượng nhiều hơn, để có nhiều nhân vật thú vị và đáng nhớ như trong văn học nước ngoài.