Vẫn khó ứng xử với quy định lãi suất
Ngày 3/2, Hiệp hội NH Việt Nam đã tổ chức Toạ đàm về Dự thảo Bộ luật Dân sự - BLDS (sửa đổi). Thực tế thời gian qua cho thấy, BLDS đã góp phần quan trọng trong việc điều chỉnh các quan hệ dân sự và NH. Song, quá trình phát triển mới đang đòi hỏi Bộ luật này phải được hoàn thiện hơn.
Bộ luật Dân sự (sửa đổi) sẽ đáp ứng tốt hơn với thực tiễn giao dịch của các cá nhân và pháp nhân trong quan hệ với các tổ chức tài chính |
Nhiều quy định mới
“Trong lĩnh vực NH, BLDS có nhiều quy định liên quan đến lãi suất, thế chấp, bảo lãnh, xử lý tài sản bảo đảm, cho vay hộ gia đình, thừa kế… mà hiện nay các NH đang rất khó khăn trong xử lý khoản vay và dẫn đến rủi ro... Vì vậy, để NH hoạt động an toàn, hiệu quả cần phải có một hệ thống pháp luật rõ ràng, minh bạch”, TS. Trần Thị Hồng Hạnh Tổng thư ký Hiệp hội NH Việt Nam nói.
Liên quan đến chủ thể của quan hệ dân sự, ông Hồ Quang Huy, Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật (Bộ Tư pháp) cho biết, Dự thảo BLDS hiện nay chỉ điều chỉnh 2 chủ thể là cá nhân và pháp nhân khi tham gia vào quan hệ dân sự. Còn tổ hợp tác và hộ gia đình có ý kiến đề nghị đưa ra khỏi BLDS. Tuy nhiên, hiện một số luật chuyên ngành đã đề cập đến chủ thể này như Luật Đất đai, Luật Phát triển rừng. Vậy nếu loại bỏ chủ thể hộ gia đình khỏi BLDS thì điều chỉnh quan hệ trong luật chuyên ngành sẽ ra sao?
“Thực tiễn thời gian qua, việc xác định khó nhất của hộ gia đình không phải vấn đề tài sản mà xác định ai là thành viên hộ gia đình. Cơ chế định đoạt tài sản của hộ gia đình đã được quy định tại BLDS 2005, nhưng cái khó hiện nay là ngay cả việc cấp giấy quyền sử dụng đất mới cũng không ghi tất cả thành viên hộ gia đình trên sổ đỏ, cá biệt khi kiểm tra, ngay hồ sơ địa chính cũng không ghi thành viên hộ gia đình.
Chính vì vậy, thực tiễn giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực NH cho thấy nhiều tòa án tuyên hợp đồng vô hiệu với lý do quyền định đoạt chưa có ý kiến đồng ý của tất cả thành viên hộ gia đình. Vậy nếu bỏ hộ gia đình với tư cách chủ thể độc lập thì điều chỉnh quan hệ đã xác lập trước ngày Bộ luật này có hiệu lực như thế nào đang là câu hỏi lớn với ban soạn thảo”, ông Huy nói.
Một điểm mới khác là về hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự khi không tuân thủ quy định về hình thức, dẫn đến một số hợp đồng của các NH bị tòa tuyên vô hiệu. Dự thảo mới đã tháo gỡ một phần khi quy định, trường hợp luật quy định hình thức là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự mà hình thức đó không được tuân thủ thì giao dịch đó bị vô hiệu, trừ trường hợp việc không tuân thủ quy định về hình thức không nhằm trốn tránh nghĩa vụ với người khác và chủ thể giao dịch dân sự đã chuyển giao tài sản hoặc đã thực hiện công việc...
Về bảo vệ người thứ ba trong trường hợp giao dịch dân sự bị vô hiệu, ông Huy cho biết: Thời gian qua, rất nhiều TCTD trao đổi với ông là khi xác lập hợp đồng thế chấp đều đã được đăng ký đầy đủ. Ví dụ, ông A mua đất của ông B và mang quyền sử dụng đất thế chấp tại NH, hợp đồng đã được công chứng nhưng vì lý do nào đó việc xác lập quyền của ông A khi mua của ông B bị tòa tuyên vô hiệu thì kết quả đăng ký và hợp đồng thế chấp tại NH của ông A cũng bị tuyên vô hiệu.
Tuy nhiên, Điều 148 dự thảo luật lần này đã giải tỏa nỗi lo này, khi quy định trường hợp đối tượng giao dịch dân sự là tài sản phải đăng ký quyền sở hữu mà tài sản đã được đăng ký tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, sau đó được chuyển giao bằng một giao dịch khác cho người thứ ba và người này căn cứ vào việc đăng ký đó mà xác lập, thực hiện giao dịch thì giao dịch đó không bị vô hiệu, trừ trường hợp người thứ ba biết hoặc phải biết tài sản là đối tượng giao dịch đã bị chiếm đoạt bất hợp pháp hoặc ngoài ý chí của chủ sở hữu…
Lãi suất vẫn là câu chuyện khó
Các quy định liên quan đến lãi suất trong hợp đồng vay tiếp tục là câu chuyện khó, đến nay chưa có lời giải đáp. Hiện nay, dự thảo BLDS vẫn xây dựng dựa trên nền của BLDS năm 2005, chỉ khác một điểm là lãi suất cho vay tối đa 150% lãi suất cơ bản do NHNN công bố đã tăng lên 200%.
Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật BASICO cho biết, cả BLDS hiện hành và Dự thảo BLDS đang được lấy ý kiến nhân dân đều chưa xác lập được các mức trần lãi suất trong hạn và quá hạn một cách hợp lý, phù hợp với thực tế, bảo đảm sự công bằng giữa các TCTD và các đối tượng khác.
“Dự thảo BLDS đã nâng giới hạn từ 150% lên 200%, nhưng vẫn không hợp lý. Vì như vậy thì từ năm 2010 đến nay, lãi suất cho vay cao nhất cũng không được vượt quá 18%/năm, bằng với mức lãi chậm nộp thuế theo Luật Quản lý thuế, trong khi trên thực tế, giao dịch vay tiền của các tổ chức kinh tế và cá nhân với nhau cao hơn mức này rất nhiều vẫn là hoàn toàn bình thường và rất hợp lý”, ông Đức nói.
Về lãi suất trả nợ trước hạn, BLDS hiện hành quy định, nếu bên vay trả nợ trước hạn thì phải trả toàn bộ lãi theo kỳ hạn, nếu không có thỏa thuận khác. Ông Đức cho rằng, quy định này rất bất lợi cho bên vay, đồng thời có lợi tuyệt đối cho bên cho vay. Vì vậy, Dự thảo Bộ luật đã sửa lại theo hướng đối với hợp đồng vay có kỳ hạn và có lãi thì bên vay có quyền trả lại tài sản trước kỳ hạn, đồng thời có nghĩa vụ trả lãi với mức hợp lý.
Tuy nhiên, quy định “có nghĩa vụ trả lãi với mức hợp lý” thì lại quá chung chung, mơ hồ, không thể định lượng được. “Luật cần phải quy định cụ thể, rõ ràng, khi trả nợ trước hạn thì bên vay phải trả lãi với một mức cụ thể nào đó, chẳng hạn không quá 30% lãi theo kỳ hạn”, ông Đức cho hay.
Riêng đối với lãi suất phải trả trong trường hợp chậm thi hành án thì lại quá thấp. Dù trước đó, bên vay tiền phải trả lãi suất quá hạn hợp pháp là 22,5%/năm hay cao hơn, thì khi chậm thi hành án cũng chỉ phải chịu lãi suất 9%/năm. Mức này thậm chí còn thấp hơn cả lãi suất nợ trong hạn. Điều này vô hình trung đã khuyến khích con nợ chây ì, càng kéo dài thời hạn trả nợ càng tốt.
“Luật cần phải cân bằng được tương đối lợi ích của các bên, tránh cho con nợ phải chịu mức lãi quá cao, đồng thời cũng không thể phủ nhận quyền lợi hợp pháp, chính đáng của các chủ nợ. Theo đó, mức trần lãi suất cho vay ít nhất cũng phải là 30%, thay vì chỉ là 13,5%/năm như hiện nay, hoặc khoảng 18%/năm như Dự thảo luật. Mức lãi suất quá hạn thì cần giảm từ 150% xuống khoảng 120% so với lãi suất trong hạn. Và mức lãi suất chậm thi hành án thì cần phải nâng lên, ít nhất là tương đương với mức lãi suất nợ trong hạn”, ông Đức góp ý.