VASEP: Xuất khẩu thủy sản sẽ phục hồi vào quý II/2023
VASEP nhận định, thị trường xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ hồi phục dần từ quý III/2023. |
Trong quý I/2023, xuất khẩu thủy sản sang hầu hết các thị trường và khối thị trường chính đều giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Mỹ đã mất vị trí số 1 về nhập khẩu thủy sản Việt Nam, với mức giảm 50%. Các thị trường Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, EU cũng lần lượt giảm 11%, 22%, 13% và 29%.
Top 6 sản phẩm xuất khẩu chính sang Mỹ gồm tôm chân trắng, cá ngừ, cá tra, tôm sú, cá chẽm và ghẹ đều giảm sâu từ 31-57%. Nhiều sản phẩm khác cũng giảm sâu như mực, cá dũa, cá trích, cá mú…
Thị trường Mỹ tiêu thụ chủ yếu ở phân khúc hàng đông lạnh. Với phân khúc này, Việt Nam chịu sức ép cạnh tranh lớn về cả nguồn cung và giá bán với các nước khác như Ấn Độ, Ecuador, Indonesia…
Trong quý I/2023, Nhật Bản đã vượt Mỹ trở thành thị trường nhập khẩu lớn nhất của thủy sản Việt Nam, mặc dù xuất khẩu sang thị trường này giảm 11%, đạt trên 310 triệu USD. Xuất khẩu sang Nhật cũng giảm mạnh ở một số mặt hàng chủ lực: Tôm chân trắng giảm 35%, cá hồi 4%, bạch tuộc -6%...
Tại thị trường Trung Quốc, xuất khẩu thủy sản trong quý I đạt gần 255 triệu USD, giảm 22%, giảm mạnh trong tháng 1 là tháng có kỳ nghỉ Tết Nguyên đán ở cả 2 nước. Nhờ việc chấm dứt chính sách "Zero Covid", mở cửa thị trường trở lại, xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc đã hồi phục dần từ tháng 2.
Thị trường EU cũng giảm 29% giá trị nhập khẩu thủy sản Việt Nam trong quý I/2023, chỉ đạt 210 triệu USD. Xuất khẩu tôm và các sản phẩm hải sản sang EU đều giảm từ 7-50%, riêng xuất khẩu cá tra giữ được ổn định nhờ tăng xuất khẩu sang thị trường Đức.
VASEP nhận định, thị trường xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ hồi phục dần từ quý III/2023 sau khi diễn ra các chương trình hội chợ quốc tế tại Mỹ và EU và hội chợ Vietfish vào tháng 8 tại TP. Hồ Chí Minh. Các sự kiện này sẽ thu hút thêm các bạn hàng đến với Việt Nam.
Để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho sản xuất trong nước, chuẩn bị đà cho sức bật khi thị trường phục hồi, mới đây, Chủ tịch VASEP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt chương trình kích cầu để tạo động lực và duy trì việc thu mua nguyên liệu thủy hải sản, tạo tâm lý chung tốt cho nông - ngư dân tiếp tục sản xuất nguyên liệu.
Chương trình đề xuất cụ thể là gói tín dụng khoảng 10.000 tỷ đồng với lãi suất thấp bằng với mức vay ngoại tệ, giúp các doanh nghiệp thủy sản được vay để thu mua và trữ nguyên liệu khi vào vụ thu hoạch, nếu thị trường lúc đó vẫn không tốt.
Về dài hạn, VASEP kiến nghị Chính phủ thúc đẩy việc sửa đổi Luật Đất đai, trong đó đặc biệt quan tâm đến vấn đề tích tụ ruộng đất, quy định sử dụng đất, quy hoạch đất để ngành hàng có thể phát triển được các vùng nuôi và sản xuất giống tập trung phù hợp.