Vẽ Bác bằng niềm kính yêu vô hạn
Mỗi người một phong cách
Đội ngũ những người vẽ tranh về Bác rất hùng hậu, có thể kể đó là các họa sĩ Trần Mai, Lê Thái, Đặng Đình Nguyễn, Hoàng Hoa Mai, Lê Huy Trấp, Trần Xuân Phúc, Lê Duy Ứng, Triệu Hoàng Giang… Mỗi người vẽ bằng phong cách khác nhau, nhưng đều gửi gắm sự tôn kính, lòng biết ơn với vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc.
Họa sĩ Trần Mai là người vẽ tranh về Bác Hồ nhiều nhất, cũng là người lập kỷ lục mỗi ngày vẽ một bức tranh cổ động thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Ông cũng là người được chọn vẽ tranh cổ động cho 7 kỳ Đại hội Đảng liên tục, từ khóa IV đến khóa X. Trong gian phòng nhỏ của họa sĩ Trần Mai ở phố Cửa Nam (Hà Nội), nhiều bức vẽ hình ảnh Bác Hồ được treo trang trọng, được ông gìn giữ và coi như những kỷ vật quý báu.
Bác Hồ với thiếu niên, nhi đồng - tranh lụa của họa sỹ Đặng Đình Nguyễn |
Kính yêu Bác Hồ và đam mê vẽ hình ảnh vị lãnh tụ với hàng trăm bức tranh, vào tháng 9/2009, Trần Mai đã mở triển lãm mang tên “79 mùa xuân”, là 79 bức tranh về cuộc đời hoạt động của Bác Hồ từ lúc là anh thanh niên Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước cho đến khi gặp lý tưởng cách mạng, rồi dẫn dắt sự nghiệp đấu tranh của dân tộc ta thắng lợi cho đến khi Người về cõi vĩnh hằng. Để có thể vẽ được 79 bức tranh làm triển lãm, người họa sĩ già đã dày công sưu tầm nhiều tài liệu, nghiên cứu sách báo để hiểu thêm tình cảm, những cử chỉ của Bác trong cuộc sống hàng ngày. Để hoàn thành 79 bức tranh, ông mất hai năm, nhưng ý tưởng và khâu chuẩn bị có từ trước đó vài năm. “79 mùa xuân” là 79 thời điểm lịch sử khác nhau của cuộc đời Bác, của dân tộc Việt Nam, song dưới bàn tay tài hoa và trái tim kính yêu Bác hết mực của họa sĩ Trần Mai, đã khắc họa nên một biểu tượng lãnh tụ vĩ đại, một danh nhân văn hóa thế giới mà vẫn vô cùng thanh cao, giản dị, hết mực gần gũi yêu thương.
Lê Duy Ứng là họa sĩ chiến trường nổi tiếng, đồng thời là thương binh nặng. Trong căn phòng của ông là những tác phẩm tâm huyết gồm hàng trăm bức tranh, tượng điêu khắc về Bác Hồ. Trong đó, bức huyết họa mà họa sĩ Lê Duy Ứng vẽ bằng chính dòng máu chảy ra từ đôi mắt đang bị thương, lúc ông nằm tại trạm quân y là một trong hai bức tranh bằng máu tại Việt Nam. Đó cũng được mệnh danh là bức tranh biết kể chuyện nổi tiếng cả trong nước và quốc tế. Lê Duy Ứng nói: “Dù chỉ được thấy Bác một lần khi còn nhỏ nhưng hình ảnh vị lãnh tụ của dân tộc luôn là tượng đài vĩ đại trong tôi”. Bức huyết họa ấy đã trở thành một biểu tượng của niềm tin chiến thắng và sức sống mãnh liệt của người chiến sĩ cách mạng, hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.
Khác những họa sĩ khác, Thái Hòa đã may mắn được gặp Bác nhiều lần từ khi còn nhỏ và ông đã có sự thôi thúc để sáng tác về đề tài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Họa sĩ Thái Hòa cho biết, thân sinh của ông công tác ở ngành văn hóa, gia đình sinh sống ở Khu Văn công Mai Dịch (Hà Nội). Những năm đầu thập niên 1960, Bác Hồ nhiều lần đến thăm các cháu thiếu nhi ở một số trường văn hóa nghệ thuật nằm trong Khu Văn công Mai Dịch nên ông đã được nhìn thấy Bác. Sau này, ông đã dành cả tình cảm của mình để vẽ về Người.
Đề tài vô tận
Đối với các họa sĩ, vẽ tranh về lãnh tụ Hồ Chí Minh là việc rất khó, và khó nhất là làm sao thể hiện được thần thái của Bác. Tháng 5 vừa qua, họa sĩ Thái Hòa đã tổ chức triển lãm cá nhân đầu tiên về đề tài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông chia sẻ: “Mỗi bức tranh khi tôi vẽ, không chỉ dựa vào những cảm xúc chân thành, mà còn phải tìm hiểu tư liệu, đến những nơi Bác từng ở và hoạt động cách mạng để thể hiện hình ảnh Người sao cho sinh động, tươi mới và sâu sắc”.
Nghệ sĩ Triệu Hoàng Giang kể chuyện Bác Hồ bằng tranh khắc đá |
Là người có xuất thân nghèo khó, nhưng với niềm đam mê hội họa, lòng kính yêu người Cha già của dân tộc, họa sĩ Lê Thái đã dấn thân và vẽ nhiều tranh về Bác. Ông cho biết, Bác Hồ không chỉ là niềm tin tất thắng, mà các thông tin, tư liệu về Người luôn là cảm hứng sáng tạo cho các nghệ sĩ nói chung, các họa sĩ nói riêng. Lê Thái hiện sinh sống tại Hải Phòng, năm 2007 ông vinh dự được phong danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú. Ông là người có tiếng trong giới hội họa Hải Phòng, đặc biệt là người có công trong xây dựng phong trào, vẽ tranh cổ động ở thành phố hoa phượng đỏ.
Còn nhớ vào năm 1957, nhân kỷ niệm hai năm Ngày giải phóng Hải Phòng, nhạc sĩ Trần Hoàn (khi đó là Giám đốc Nhà văn hóa TP. Hải Phòng) giao cho Lê Thái hoàn thành một tác phẩm lớn. Đó là vẽ một bức chân dung Bác Hồ treo trước cửa Nhà hát Lớn. Để hoàn thành trọng trách được giao ông tìm các những tư liệu, bức ảnh của Bác và đọc những câu chuyện về Người để nắm được những yếu tố cốt lõi. Ngày ấy vẽ tranh khổ lớn rất khó khăn, phải dùng những chiếc bàn to, bàn nhỏ kê chồng lên nhau để đứng. Dù rất nguy hiểm nhưng ông vẫn cố gắng hoàn thành bức vẽ bằng tất cả khả năng của mình.
Một họa sĩ khác là Trần Xuân Phúc, sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống nghệ thuật. Bố của ông - cố họa sĩ Trần Xuân Vị là người đã trực tiếp dìu dắt cho ông từng đường đi nét bút và cũng là người hướng dẫn ông vẽ chân dung Bác Hồ. Khi còn nhỏ, ông vẽ tranh tự do về Bác, nhưng nghiệp vẽ chính thức của ông phải được tính từ năm 1981. Đó là thời điểm khi ông vào bộ đội, tham gia công tác tuyên huấn tại Sư đoàn 442 thuộc Quân khu IV, đóng trên địa bàn huyện Nông Cống (Thanh Hóa). Những năm tháng hoạt động ở Thanh Hóa, ông được giao chuyên vẽ tranh cổ động, tuyên truyền theo nhiệm vụ chính trị. Sau khi ra quân, ông về công tác tại một cơ quan nghệ thuật của tỉnh Thanh Hóa, nhưng vẫn tiếp tục vẽ tranh về Bác Hồ với một niềm kính yêu ngày càng lớn lao. Họa sĩ Trần Xuân Phúc cho biết: “Tôi sẽ vẫn giữ ngọn lửa nhiệt huyết với nghệ thuật, đặc biệt là vẽ tranh về Bác Hồ. Tôi biết, Bác vẫn luôn là biểu tượng, truyền cảm hứng cho mỗi nghệ sĩ, nhất là với những người đã theo và nhiều năm vẽ chủ đề về Người”.