Làm tròn sứ mệnh báo chí cách mạng theo lời Bác
Hồ Chủ tịch - Người thầy vĩ đại của báo chí cách mạng Việt Nam |
Luôn quan tâm đến sự phát triển của nền báo chí cách mạng
Sinh thời, Bác Hồ luôn nhấn mạnh vai trò quan trọng của người làm báo: “Nói đến báo chí trước hết phải nói đến những người làm báo”; “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”; hay “Tờ báo chỉ là giấy trắng mực đen mà thôi. Nhưng với giấy trắng mực đen ấy, người ta có thể viết những bức tối hậu thư”…
Bên cạnh đó, Bác cũng nhận thấy sức mạnh to lớn của báo chí trong đời sống xã hội và trong việc nâng cao dân đức, dân trí. Chính vì vậy, Bác Hồ là người sáng lập ra 9 tờ báo và còn tham gia đặt tên và định hướng tôn chỉ cho nhiều tờ báo khác. Đặc biệt phải kể đến sự ra đời của Báo Thanh niên vào ngày 21/6/1925 do Bác Hồ sáng lập. Sau này, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra Quyết định số 52/QĐ/TW lấy ngày 21/6 hằng năm làm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam.
Không chỉ là người sáng lập nền báo chí cách mạng Việt Nam, "Bác Hồ là một nhà báo lỗi lạc. Những người làm báo Việt Nam có cơ hội đáng quý nhất trong cuộc đời là có người đồng nghiệp vĩ đại là nhà báo Hồ Chí Minh và người thầy vĩ đại là Hồ Chí Minh", GS.TS. Hoàng Chí Bảo, chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương khẳng định.
Trong 79 mùa xuân cuộc đời mình, Bác Hồ dùng đến 180 cái tên, bút danh và bí danh khác nhau, trong đó Bác dành đến 150 bút danh cho báo chí. Di sản báo chí của Bác vô cùng đồ sộ với hơn 2.000 tác phẩm báo chí, nội dung bao quát những vấn đề hệ trọng như “Người tuyên truyền và cách tuyên truyền” (Sự Thật ngày 26/6/1947); “Chống quan liêu, tham ô, lãng phí” (Nhân Dân ngày 31/7/1952)... Đặc biệt, trong những ngày trước khi mất, Bác vẫn dành thời gian cho bài báo cuối cùng “Thư trả lời tổng thống Mỹ” đăng trên báo Nhân Dân ngày 25/8/1969.
Một nét đặc biệt trong quá trình làm báo là Bác viết báo bằng tiếng nước ngoài trước rồi viết báo tiếng Việt sau. Bởi vì, Bác hoạt động ở nước ngoài 30 năm, báo chí là phương tiện của Bác để tuyên truyền chủ nghĩa cách mạng. Tờ báo, trang giấy và cái bút là vũ khí chiến đấu của Người chiến sĩ cách mạng. Theo bác, người làm báo chí là tri thức có khả năng "tiên tri, tiên giác" nghĩa là biết trước, nghe trước, nhìn thấy trước, nhạy cảm trước thời cuộc, GS.TS. Hoàng Chí Bảo kể.
Mỗi lần viết báo, Bác viết thành hai bản, một bản gửi nhà in, một bản Bác giữ lại để đối chiếu xem họ chữa những lỗi gì, biên tập lại những gì. Bác còn tham khảo ý kiến "những người thầy" là thợ in để họ chỉ cho Bác cách viết, cách dùng từ ngữ báo chí... Lúc đầu Bác chỉ viết 3 - 5 dòng rồi mới viết dài, viết dài lại tập viết rút ngắn, cứ nhiều lần như vậy Bác có được văn phong của mình. Chính vì vậy, mỗi tác phẩm của Bác đều giản dị, ngắn gọn nhưng cực kỳ sâu sắc. Khi được hỏi về đề tài báo chí, Bác khẳng định đề tài suốt cuộc đời của Bác là chống chủ nghĩa đế quốc, thực dân, vì độc lập, tự do, hạnh phúc của nhân dân.
Bên cạnh việc làm báo, Bác còn có những lời chỉ dạy sâu sắc cho các nhà báo. Năm 1949, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang trong giai đoạn cam go, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn chỉ thị cho Tổng bộ Việt Minh mở trường đào tạo cán bộ báo chí. Dù không đến thăm và dự được, nhưng Bác cũng có 2 lần gửi thư tới khóa học, trong đó Bác dặn: “Muốn viết bài báo khá thì cần gần gũi dân chúng. Thứ hai ít nhất cũng phải biết một thứ tiếng nước ngoài, để xem báo nước ngoài và học kinh nghiệm. Khi viết xong một bài, tự mình phải xem lại ba bốn lần, sửa chữa cho cẩn thận. Tốt hơn nữa là đưa một vài người ít văn hóa và hỏi họ câu nào, chữ nào không hiểu thì sửa lại cho dễ hiểu…”.
“Có lần các nhà báo ngồi quây quần xung quanh hỏi Bác kinh nghiệm viết báo, Bác trả lời rất ngắn gọn rằng hãy làm việc đi rồi sẽ có kinh nghiệm, trải nghiệm của chính mình mới thực sự sống động nhất. Bác dùng từ mách nhỏ nhưng là tổng kết lớn: Trước khi viết và nói phải tự mình đặt ra 4 câu hỏi, có trả lời thấu đáo, tường minh, rõ ràng thì hãy nói, hãy viết, chớ viết bậy nói càn. Đó là nói, viết về cái gì? Nói và viết để làm gì? Nói và viết cho ai? Nói và viết như thế nào?, GS.TS. Hoàng Chí Bảo kể.
Khắc ghi lời Bác trên hành trình trưởng thành
Nhớ về cội nguồn cũng chính là lúc mỗi người làm báo Việt Nam cảm nhận rõ hơn vinh dự cũng như trách nhiệm “phụng sự nhân dân, phụng sự cách mạng” của mình. Trong thư chúc mừng Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, ông Lê Quốc Minh, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định, 99 năm qua, những người làm báo Việt Nam đã làm tốt trách nhiệm ấy, luôn đồng hành cùng đất nước, dân tộc.
Trong những năm tháng chiến tranh, hàng nghìn lượt cán bộ, phóng viên báo chí đã sát cánh cùng bộ đội, dân công chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên các mặt trận. Hàng trăm nhà báo - liệt sĩ đã anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của báo chí cách mạng nước nhà. Bước sang thời kỳ hòa bình, đổi mới và hội nhập, các cơ quan báo chí đã thực hiện tốt vai trò là cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp, là diễn đàn của nhân dân, giữ vững định hướng chính trị, góp phần củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ.
Tuy nhiên, đất nước đang bước vào thời kỳ phát triển với thế và lực mới, cơ hội đi cùng khó khăn, thách thức. Trong bối cảnh đó, nhiệm vụ của báo chí rất nặng nề. GS.TS. Hoàng Chí Bảo cho rằng, các nhà báo hãy học tập Bác, nỗ lực phấn đấu không ngừng làm người học trò nhỏ, người đồng nghiệp nhỏ của Người thông qua các bài báo, tác phẩm báo chí bằng tất cả tấm lòng. Đồng thời làm theo thiên chức, sứ mệnh của nhà báo cũng như của Báo chí Cách mạng Việt Nam mà Bác Hồ luôn căn dặn là “phò chính, trừ tà”, tức là bảo vệ chân lý và lẽ phải, bảo vệ đạo đức trong sáng của dân tộc.
“Để thực hiện được sứ mệnh của báo chí cách mạng Việt Nam không đơn giản là câu chuyện sống còn của cơ quan báo chí. Đó là câu chuyện đưa được tiếng nói của Đảng, Nhà nước một cách chính xác, công bằng, cân bằng đến mọi người dân trong nước và thế giới với sự kiên định vừa làm tròn trách nhiệm chính trị, trách nhiệm xã hội. Với truyền thống tốt đẹp đã xây dựng được, với bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp trong sáng, trình độ chuyên môn cao, tôi tin rằng, nhất định đội ngũ những người làm báo Việt Nam làm tròn sứ mệnh ấy”, ông Lê Quốc Minh khẳng định.