Việt Nam, cuộc chấn hưng văn hóa mới
Đó là phong trào Duy Tân do chí sĩ yêu nước Phan Chu Trinh phát động vào năm 1906. Tuy chỉ diễn ra trong hai năm, nhưng Duy Tân cũng tạo được dấu ấn với khát vọng cao cả là khôi phục đất nước bằng việc khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh. Tuy nhiên, trong bối cảnh đất nước đang bị thực dân Pháp xâm lược và triều đình phong kiến yếu thế, phụ thuộc vào những kẻ đến từ châu Âu xa xôi thì những gì phong trào Duy Tân đề ra không dễ thực hiện. Bởi khi ấy chế độ thực dân nửa phong kiến lấy chính sách “ngu dân” làm công cụ cai trị và áp bức, làm băng hoại nền “văn hiến từ lâu” của dân tộc ta.
Dấu mốc lịch sử thứ hai liên quan tới việc chấn hưng văn hóa không thể không nhắc tới là Đề cương về văn hóa Việt Nam của Đảng năm 1943. Có thể xem đây như cương lĩnh văn hóa đầu tiên của Đảng cộng sản Việt Nam và nó được lan tỏa rộng rãi khi nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa được khai sinh vào năm 1945, để rồi sau đó ba nguyên tắc vận động của văn hóa nước ta trong giai đoạn này là dân tộc hóa, đại chúng hóa, khoa học hóa được thể hiện sức sống trong các cuộc kháng chiến giải phóng đất nước và xây dựng Tổ quốc đầy gian khổ hy sinh. Đây là giai đoạn mà chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, nhân sinh quan mỗi người vì mọi người được thể hiện sinh động và rộng khắp. Có thể khẳng định rằng, cho đến bây giờ, giá trị khoa học và thực tiễn của Đề cương về văn hóa Việt Nam vẫn còn nguyên vẹn. Đó vẫn là nền tảng cho cuộc chấn hưng văn hóa lần thứ ba mà dân tộc ta đang tiến hành dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Thế giới đổi thay rất nhiều. Bối cảnh toàn cầu hóa và sự phát triển mau chóng, kỳ diệu của khoa học - công nghệ đã biến hành tinh ta sống thành một thế giới “siêu phẳng”. Các nền tảng trực tuyến hay các ứng dụng mà người dùng có thể sử dụng để kết nối với nhau qua Internet còn được gọi là mạng xã hội đã tạo nên sự liên hệ, tương tác dễ dàng cho nhiều người không cùng quốc gia, vùng lãnh thổ, sắc tộc, tôn giáo, đẳng cấp… Từ đó, sự giao thoa văn hóa trên phạm vi toàn cầu càng trở nên mạnh mẽ và sâu sắc hơn mà ảnh hưởng tốt - xấu của nó đến từng quốc gia là điều không làm sao tránh khỏi được.
Việt Nam cũng không ngoại lệ, bên cạnh việc tiếp thu được những tinh hoa của văn hóa nhân loại, thì chúng ta cũng rất dễ bập vào thứ cặn bã, rác rưởi từ ngoài vào và những giá trị văn hóa truyền thống cũng bị tổn thương, hư hao, thậm chí bị tàn phá nữa. Có lẽ các bạn đã nghe tới cụm từ “xâm lăng văn hóa”. Nó cực kỳ nguy hiểm khi nền văn hóa dân tộc bị tấn công từ nhiều hướng, nhiều tầng mà nếu không đủ sức đề kháng thì những tinh hoa, tinh túy của tổ tiên ông cha để lại sẽ bị thôn tính, biến mất khỏi đời sống xã hội Việt Nam. Khi đó, “hương đồng gió nội” không chỉ “bay đi ít nhiều” mà mất hết; bản sắc dân tộc trở nên nhạt nhòa hoặc chỉ còn một khoảng trống xót xa tận muôn đời sau.
Vì thế muốn dân tộc còn thì phải giữ bản sắc văn hóa của riêng mình, hơn thế nữa, cần phát huy cho những giá trị cốt lõi truyền thống được tỏa sáng, được lan xa, tạo nên ấn tượng tốt đẹp trong lòng bè bạn năm châu bốn biển. Vì thế, trong bối cảnh đất nước hiện nay không thể không chấn hưng văn hóa. Chấn hưng văn hóa là yêu cầu tất yếu của công cuộc đổi mới, của sự nghiệp xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam hiện nay và mai sau. Ta nên xem đó là một cuộc chuyển động tích cực mang ý nghĩa khoa học và thực tiễn như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh trong Hội nghị Văn hóa toàn quốc gần đây: “Đứng trước những thời cơ và thách thức mới, yêu cầu khách quan của sự nghiệp cách mạng nước ta là phải tiếp tục xây dựng, giữ gìn và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực sự là nền tảng tinh thần, động lực phát triển và soi đường cho quốc dân đi…”.
Chấn hưng văn hóa, trước hết phải coi trọng việc phát triển nhân cách văn hóa của con người Việt Nam để họ thực sự là những chủ nhân của xã hội này. Yêu nước, thương dân; cống hiến cho Tổ quốc; tôn trọng lẽ phải, giàu lòng thương; chống lại cái ác… đó chính là những điều mỗi người cần hướng tới và thực hiện. Đi trước phải là đội ngũ cán bộ, đảng viên luôn gương mẫu trong nhận thức và hành động. Câu “Mỗi người vì mọi người” phải được nhắc lại và đó là tâm niệm của mỗi chúng ta. Hàm nghĩa câu đó có khác gì đâu với lời Phật dặn Hãy yêu thương vô tư rồi sẽ có tất cả. Hay như một thành ngữ vô cùng quen thuộc với nhân dân ta Thương người như thể thương thân.
Mẫu nhí Nguyễn Nhật Ánh trong trang phục áo dài với hình ảnh bản đồ và Quốc kỳ Việt Nam ở ngay trung tâm thành phố Quảng Châu, Trung Quốc |
Chấn hưng văn hóa là để cho con người Việt Nam, đất nước Việt Nam tốt đẹp hơn, tươi sáng hơn, Tổ quốc thiêng liêng của con Rồng cháu Tiên này trở thành nơi đáng sống. Từ đô thị về nông thôn nỗ lực xây dựng môi trường văn hóa trong sạch lành mạnh thể hiện từ lời ăn tiếng nói; cách ứng xử tới học và làm; từ gìn giữ kỷ cương phép nước; thuần phong mỹ tục đến thực hiện dân chủ; lối sống; thân thiện hòa đồng với thiên nhiên… Coi trọng đúng mức việc nâng cao hiệu quả thông tin tuyên truyền và giáo dục văn hóa. Những người làm văn hóa phải thực sự có văn hóa. Tuyên truyền và giáo dục văn hóa không nên xơ cứng, sáo mòn để tránh sự nhàm chán và điều rất quan trọng là nó đừng bao giờ xa rời cuộc sống.
Chấn hưng văn hóa cũng là để bảo tồn, phát huy tốt hơn các giá trị di sản văn hóa dân tộc. Những di sản văn hóa dân tộc mang trong mình dấu vết quá khứ dựng nước và giữ nước bi tráng của ông cha ta. Đó là gì nếu không phải bản lĩnh, tâm hồn, trí tuệ, tài hoa của nhân dân. Bao nhiêu mồ hôi, máu và nước mắt đã thấm mặn non sông này? Mỗi công trình lịch sử là một cuốn sách hay về quá khứ, những câu chuyện cảm động của hôm qua được kể từ đó, không lý do gì nó không được trường tồn tỏa sáng với mai sau. Cả nghệ thuật truyền thống nữa, chớ bao giờ để lãng quên, đừng để cho con cháu Lạc Hồng không thấm được cái đẹp, cái hay trong đó. Thế hệ trẻ cuống cuồng sùng bái nước ngoài, quay lưng hay coi thường di sản nghệ thuật truyền thống là sự thất bại không thể biện minh nổi của văn hóa.
Chấn hưng văn hóa là phải thúc đẩy sự phát triển nền văn học nghệ thuật nước nhà. Xây dựng được một nền văn học nghệ thuật xứng tầm với công cuộc dựng nước và giữ nước của bao thế hệ xưa nay; một nền văn học nghệ thuật mới mẻ và lành mạnh; tiên tiến và bản sắc; thu hút và lan tỏa; dân tộc và nhân loại… Hòa nhịp với thời đại cần đầu tư phát triển công nghiệp văn hóa; đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng các thành tựu khoa học - công nghệ trong lĩnh vực văn hóa; chú ý phát triển nguồn nhân lực văn hóa… Một nền văn hóa cởi mở luôn biết vươn ra thế giới để truyền bá và tiếp thu. Hành trình giới thiệu bản sắc văn hóa Việt song hành với tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.
“Như nước Đại Việt ta từ trước/ Vốn xưng nền văn hiến đã lâu…” (Nguyễn Trãi). Con Rồng cháu Tiên đã nối tiếp nhau bồi đắp nền văn hiến ấy cho tới hôm nay. Việt Nam, một nét non sông thanh mảnh trên địa cầu tự đánh dấu mình bằng bản sắc văn hóa độc đáo. Bình dị và sâu lắng, dung hòa và hội tụ, tôi cảm nhận như thế về văn hóa xứ sở cội nguồn. Văn hóa Việt Nam sẽ tỏa sáng hơn sau cuộc chấn hưng mới này, tôi tin chắc chắn điều đó.