Việt Nam phải đối mặt nhiều thách thức trong thập kỷ tới
Thách thức chính sách kinh tế hậu Covid |
Phát biểu tại Hội thảo, GS.TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, đây là hội thảo quốc tế lớn nhất mà NEU tổ chức thường niên. Hội thảo nhằm tạo ra một diễn đàn cho các học giả trong nước và quốc tế từ nhiều lĩnh vực nghiên cứu khác nhau thuộc các ngành Kinh tế, Quản trị và Kinh doanh có cơ hội để trao đổi và trình bày các công trình nghiên cứu của mình, qua đó hỗ trợ các chiến lược kích thích tăng trưởng và phát triển bền vững.
“Nền kinh tế toàn cầu đã trải qua những thách thức và khó khăn to lớn chưa từng có do đại dịch COVID-19 trong 2 năm qua. Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều hệ lụy trong thời kỳ hậu đại dịch, có thể đe dọa đến sự tăng trưởng và phát triển bền vững. Vì vậy, các vấn đề trong bối cảnh hậu COVID-19 là chủ đề chính của CIEMB 2022 với các bài phát biểu quan trọng và nhiều tham luận khác”, GS.TS Phạm Hồng Chương cho biết.
Tại phiên tổng thể của Hội thảo, ba diễn giả chính đã có những bài trình bày quan trọng. Trong đó, GS. Robert Breunig, Đại học Quốc gia Australia, trình bày về chính sách tài khóa COVID-19 tại Australia và bài học cho Việt Nam. GS. Alex Vanderstraeten, Đại học Ghent, Bỉ, thảo luận về quản lý nguồn nhân lực và tính bền vững thông qua bài trình bày “Một chương trình nghị sự mới cho quản lý nguồn nhân lực trong bối cảnh hậu đại dịch”. GS. Jonathan Pincus, chuyên gia kinh tế quốc tế cao cấp của UNDP, có bài trình bày sâu về các nút thắt thể chế trong tăng trưởng và phát triển ở Việt Nam.
Theo GS. Jonathan Pincus, với độ mở lớn nền kinh tế Việt Nam đang chịu những tác động không nhỏ của từ những bất định và suy giảm của kinh tế toàn cầu.
“Dự báo trong năm tới, những tác động này sẽ tiếp tục khiến kinh tế VN vẫn khó khăn. Trong bối cảnh đó, cần có các giải pháp nỗ lực đa dạng hóa thị trường cho các DN, giảm thiểu nguy cơ đứt gãy trong chuỗi sản xuất”, GS. Jonathan Pincus đề xuất.
Bên cạnh đó trong trung và dài hạn chuyên gia này cho rằng, Việt Nam cũng phải đối mặt với những thách thức lớn về phát triển trong những thập kỷ tới, đặc biệt liên quan đến biến đổi khí hậu; những bất định dai dẳng bên ngoài có thể có tác động đến thương mại, triển vọng tăng trưởng của Việt Nam; sự quản lý, phối hợp điều hành giữa cấp Trung ương với địa phương, giữa các cơ quan liên ngành, liên vùng… Và mấu chốt để giải quyết những vấn đề này là cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, thiết lập một hệ thống phân cấp thẩm quyền rõ ràng hơn, gắn với các chiến lược và kế hoạch và quy hoạch quốc gia.
CIEMB 2022 thu hút sự quan tâm rất lớn của các nhà khoa học trong nước và quốc tế. Hơn 130 bài nghiên cứu đã được gửi tới Hội thảo. Sau phiên tổng thể, đã diễn ra 16 phiên thảo luận song song về các chủ đề chuyên sâu của kinh tế, quản trị và kinh doanh, với sự chủ trì của các chuyên gia kinh tế hàng đầu của NEU và các diễn giả khách mời từ nước ngoài. Các nhà nghiên cứu, học giả đến từ các trường đại học và viện nghiên cứu trong cả nước, cũng như từ các quốc gia khác trên thế giới như Anh, Úc, Bỉ, Ba Lan, Thái Lan, Pakistan, Brazil, Ấn Độ, Malaysia, Trung Quốc, Pháp, Nam Phi, Lào… đã có các bài trình bày và thảo luận tại các phiên thảo luận song song này.