Vinmart & Vinmart+: Dữ liệu khách hàng luôn là vua
Chỉ trong vòng 5 năm tốc độ phát triển của Vincommerce với thương hiệu Vinmart và Vinmart+ là “quá nhanh quá nguy hiểm”, với quy mô lớn nhất thị trường khi có gần 2.600 siêu thị và cửa hàng tại 50 tỉnh, thành phố trên cả nước. Với chuỗi cung ứng hàng hóa của thương hiệu này được đầu tư bài bản theo tiêu chuẩn quốc tế, mô hình vận hành ứng dụng công nghệ 4.0.
Mới đây nhà bán lẻ này lại gây sốc khi tung ra chiến lược trong vòng 5 năm tới, với mục tiêu hơn 300 siêu thị VinMart, gần 10.000 cửa hàng VinMart+, phủ sóng tại khắp 63 tỉnh, thành trên cả nước. Trong đó phát triển bán lẻ đa kênh, ứng dụng công nghệ là cốt lõi. Các kênh trực tuyến mũi nhọn bao gồm: mua sắm qua ứng dụng điện thoại, qua cổng thương mại điện tử và website VinMart.com nhằm đem lại sự thuận tiện tối đa cho khách hàng mua sắm.
Rút kinh nghiệm từ các doanh nghiệp bán lẻ đã thất bại, thời gian gần đây các cụm từ địa phương hóa, cá nhân hóa đang được nhắc đến nhiều trên thị trường bán lẻ
Đáng chú ý, trong chiến lược của nhà bán lẻ này có sự cộng sinh rất lớn từ hệ sinh thái chung của tập đoàn mẹ Vingroup. Đó là VinID hiện sở hữu hơn 8 triệu thành viên cùng một hệ sinh thái số đa dạng, có thể hỗ trợ toàn diện cho người dùng trong cuộc sống hàng ngày.
Bà Dương Thị Thanh Tâm, Phó Tổng giám đốc VinCommerce cho rằng, các nhà cung cấp (NCC) của Vinmart và Vinmart+ có thể xoay quanh tệp dữ liệu khách hàng này để có chiến lược tung ra sản phẩm mới đáp ứng đúng thị hiếu của người dùng. Hạt nhân là các gia đình trẻ từ 25-40 tuổi.
“Dữ liệu luôn là vua. VinCommerce sẽ tận dụng điều này để giữ vị thế số 1 trên thị trường bán lẻ. Hành vi khách hàng đang thay đổi quá nhanh, chúng tôi có cơ chế trao đổi dữ liệu khách hàng với các nhà cung cấp trong và ngoài nước để tạo ra sản phẩm bắt xu hướng trong vòng 6 tháng đến 1 năm”, bà Tâm chia sẻ.
Hiện hơn 80% khách hàng của Vinmart và Vinmart+ là phụ nữ, VinCommerce sẽ làm mọi cách để giảm gánh nặng cân bằng công việc và chăm sóc gia đình cho đối tượng khách hàng này. Cụ thể, sẽ có mô hình thế giới gia vị và tìm kiếm các nhà cung cấp đồ gia vị nấu ăn trên toàn thế giới; hay ưu tiên phát triển mô hình thế giới mẹ và bé đến cụ thể trải nghiệm khách hàng đa kênh…
Người tiêu dùng đang muốn có những trải nghiệm nhanh và tiện lợi nhất khi mua sắm chỉ với một chiếc smartphone
Tuy nhiên, các nhà cung cấp cần chia sẻ cụ thể về kế hoạch ra mắt sản phẩm mới theo ý tưởng marketing từng tháng của nhà bán lẻ này đưa ra như thời trang, công nghệ, hóa mỹ phẩm… Thực tế, trong kể từ khi nhà bán lẻ này có mặt trên thị trường đã kéo theo sự tăng trưởng vượt bậc cho nhiều nhà cung cấp, thậm chí có nhà cung cấp còn đạt trưởng vượt mức 3 con số.
Bà Tâm khẳng định, VinCommerce có nhiều cách làm khác so với đối thủ trong chiến lược 5 năm tới. Song có điểm không bao giờ thay đổi là nâng cao chất lượng sức khoẻ cho người Việt. Trong đó, chất lượng hàng hoá và vệ sinh an toàn thực phẩm và trở thành 1 điểm đến trọn nhu cầu là những yếu tố cốt lõi.
Mọi kế hoạch sẽ xoay trục trọng tâm là khách hàng khi phủ kín 63 tỉnh thành. Kèm theo đó là chiến lược sản phẩm: Địa phương hóa, cá nhân hóa, tăng cường trải nghiệm cho khách hàng trong đó ưu tiên chất lượng hàng đầu.
Theo bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, chiến lược địa phương hoá sẽ phát huy hết thế mạnh của nhà bán lẻ trong nước bởi họ sở hữu các nhà sản xuất chất lượng trong chuỗi cung ứng hàng hoá và kiểm soát được điều đó dễ hơn các nhà bán lẻ ngoại đang có trên thị trường. Đặc biệt, hiện mỗi địa phương, làng xã đều có sản phẩm đặc sản và được người tiêu dùng yêu thích.