Vốn tín dụng dồn vào sản xuất kinh doanh
Quyết liệt đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng Hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách ở Quảng Trị |
Dồn vốn cho sản xuất với lãi suất ưu đãi
Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, trong quý IV, tín dụng đối với sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên tại TP. Hồ Chí Minh có tốc độ tăng trưởng nhanh với nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi.
Đơn cử, đối với chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, đến 15/12, các NHTM trên địa bàn đã giải ngân 545.171,74 tỷ đồng cho hơn 152.000 khách hàng doanh nghiệp (vượt gần 92.102 tỷ đồng so với số tiền các NHTM cam kết cho vay theo chương trình này hồi đầu năm). Ngoài chương trình chung do NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh tổ chức, hệ thống TCTD trên địa bàn cũng đã thực hiện kết nối với doanh nghiệp tại các quận, huyện. Từ đó, giải ngân cho vay khoảng hơn 65.200 tỷ đồng đối với gần 10.300 khách hàng nữa.
“Tính chung cả hai chương trình, đến cuối tháng 12/2023 hệ thống NHTM tại TP. Hồ Chí Minh đã cho vay kết nối doanh nghiệp khoảng 610.376 tỷ đồng với gần 162.300 khách hàng. Đây đều là các khoản vay ưu đãi lãi suất nên tính lan tỏa của chính sách hỗ trợ là rất tích cực”, ông Lệnh nhấn mạnh.
Bên cạnh nguồn tín dụng ưu đãi từ chương trình kết nối, ông Lệnh cho biết, hệ thống các TCTD tại TP. Hồ Chí Minh cũng đã rất tích cực tài trợ vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh và thương mại hàng hóa. Trong năm 2023, doanh số cho vay chương trình cho vay bình ổn thị trường tại địa bàn đạt trên 13.000 tỷ đồng với 24 doanh nghiệp. Lãi suất các khoản vay này cũng chỉ từ 4-6%/năm đã góp phần giúp nhiều doanh nghiệp giảm giá thành, ổn định giá bán các mặt hàng thiết yếu.
Không chỉ ở TP. Hồ Chí Minh, tại nhiều tỉnh, thành khác khu vực phía Nam, tốc độ tăng trưởng tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu và tín dụng tiêu dùng cũng ghi nhận nhiều kết quả tích cực.
Tại Bình Thuận, theo thống kê của NHNN chi nhánh địa phương, ước đến cuối tháng 12/2023, tổng dư nợ của hệ thống TCTD đạt khoảng gần 86.260 tỷ đồng. Trong đó, khoảng hơn 47.000 tỷ đồng (55%) được cho vay vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, hơn 15.600 tỷ đồng cho vay đối với DNNVV; 708,6 tỷ đồng cho vay các doanh nghiệp xuất khẩu và 266 tỷ đồng cho vay nông nghiệp công nghệ cao (là những lĩnh vực ưu tiên, lãi suất vay dưới 9%/năm).
Hàng triệu khách hàng lĩnh vực sản xuất kinh doanh đã tiếp cận vốn vay lãi suất ưu đãi |
Tại Đồng Tháp, ông Vương Trí Phong, Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh cho biết, ước đến cuối năm 2023, tổng dư nợ cho vay của các TCTD tại địa phương sẽ đạt khoảng gần 106.500 tỷ đồng, tăng trưởng khoảng 13% so với năm ngoái. Trong đó, dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng mạnh nhất và chiếm tỷ trọng cao nhất (tăng 15,15%, chiếm gần 70% tổng dư nợ), các lĩnh vực ưu tiên khác như cho vay nông nghiệp công nghệ cao, cho vay thu mua lúa gạo cũng được các NHTM giải ngân khá mạnh, tốc độ tăng trưởng lần lượt là 15,6% và 15,53%.
Triển khai hiệu quả nhiều chính sách hỗ trợ
Bên cạnh việc chủ động kết nối với khách hàng để tăng cường giải ngân nguồn vốn vay thương mại và vốn vay ưu đãi lãi suất, trong năm 2023 vừa qua, ngành Ngân hàng nhiều địa phương đã thúc đẩy khá mạnh hoạt động hỗ trợ lãi suất theo các chương trình ưu đãi tín dụng của Chính phủ và NHNN.
Chẳng hạn, đối với chương trình tín dụng 15.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi đối với các doanh nghiệp lâm sản, thủy sản, theo ghi nhận tại TP. Hồ Chí Minh, Bình Định, Bà Rịa - Vũng Tàu… hệ thống các ngân hàng đã vào cuộc khá tích cực.
Tại Bình Định, tính đến hiện nay đã có 17 khách hàng tiếp cận nguồn vốn vay từ chương trình này với dư nợ khoảng 662 tỷ đồng, lãi suất vay thấp hơn 1-2% so với mức lãi suất cho vay bình quân cùng kỳ hạn. Tại Bà Rịa – Vũng Tàu, các ngân hàng đã cam kết cho vay khoảng 1.700 tỷ đồng theo chương trình này. Hiện nay đã cho vay khoảng 200 khách hàng với dư nợ khoảng 876 tỷ đồng. Trong khi đó, tại TP. Hồ Chí Minh, vừa qua một số NHTM đã ký kết cho vay gần 64 tỷ đồng cho 11 khách hàng, nâng tổng số vốn đã giải ngân theo chương trình tín dụng này lên mức 474 tỷ đồng với 196 khách hàng vay vốn...
Đối với các chương trình ưu đãi lãi suất thực hiện theo các chỉ đạo của Chính phủ (như Nghị định 31/2022/NĐ-CP, Nghị định số 36/2022/NĐ-CP, Nghị quyết 11/NQ-CP), ghi nhận trong năm 2023 vừa qua cho thấy, hệ thống TCTD tại các địa phương cũng triển khai khá hiệu quả.
Tại Bến Tre, trong năm 2023, Ngân hàng Chính sách xã hội đã cho vay ưu đãi khoảng 555,2 tỷ đồng theo Nghị quyết 11, hỗ trợ hơn 40,8 tỷ đồng lãi suất vay vốn theo Nghị định số 36/2022/NĐ-CP. Tại Đồng Tháp số dư nợ được hỗ trợ theo Nghị quyết số 11 đạt trên 2.000 tỷ đồng với khoảng 74.100 khách hàng được hỗ trợ giảm 2% lãi suất theo chính sách hỗ trợ này.
Trong năm 2023 vừa qua, hoạt động phối hợp với các địa phương để thúc đẩy cho vay các sản phẩm chủ lực, tài trợ vốn cho các mô hình sản phẩm OCOP và cho vay theo chuỗi giá trị các ngành hàng nông sản cũng phát triển khá mạnh. Đơn cử tại Bình Thuận, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp dư nợ cho vay các lĩnh vực trồng thanh long, sầu riêng, dừa và chế biến cá tra đều có dư nợ từ 4.000-15.000 tỷ đồng. Riêng ngành hàng lúa gạo, hệ thống các NHTM đã cho vay hàng trăm tỷ nghìn đồng vào các chuỗi giá trị khép kín của các tập đoàn lớn ở các tỉnh ĐBSCL. Những điều này cho thấy, kết thúc năm 2023, mặc dù tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế không cao như kỳ vọng, nhưng lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và xuất nhập khẩu vẫn hấp thụ được nguồn vốn tối đa và có mức phục hồi, tăng trưởng nhanh nhất ở quy mô cả nước.