Hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách ở Quảng Trị
Quy mô dư nợ tại các Phòng giao dịch NHCSXH cấp huyện trên địa bàn Quảng Trị đang ngày càng được nâng cao. |
Tính đến 22/11/2023, dư nợ của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) chi nhánh Quảng Trị đạt 4.657 tỷ đồng với hơn 74,5 nghìn hộ còn dư nợ. Đến nay, quy mô dư nợ tại các Phòng giao dịch NHCSXH cấp huyện trên địa bàn đang ngày càng được nâng cao và không còn đơn vị có dư nợ dưới 200 tỷ đồng…
Với sự tăng trưởng về quy mô hoạt động, trong thời gian qua, NHCSXH chi nhánh Quảng Trị còn phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị thực hiện hiệu quả nhiệm vụ được giao; góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Cụ thể, nguồn vốn tín dụng chính sách góp phần giúp người dân địa phương phát triển sản xuất, cải thiện đời sống. Có hơn 15,8 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo được vay vốn; thu hút tạo việc làm cho hơn 8 nghìn lao động; hơn 2,2 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn phục vụ học tập; hơn 4,3 nghìn hộ dân được vay vốn để sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn; hỗ trợ xây mới và cải tạo hơn 14,9 nghìn công trình nước sạch vệ sinh môi trường ở nông thôn; hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 723 căn nhà ở xã hội...
Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa NHCSXH và các tổ chức chính trị - xã hội nhận uỷ thác ngày càng chặt chẽ và đi vào ổn định. Từ đó, chất lượng ủy thác không ngừng được nâng lên và nguồn vốn tín dụng chính sách đã được chuyển tải kịp thời đến với người nghèo và các đối tượng chính sách khác ở địa phương. Đến nay, dư nợ ủy thác qua các tổ chức chính trị - xã hội của chi nhánh đạt 4.643 tỷ đồng, chiếm 99,7% tổng dư nợ
Hiệu quả từ nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần đẩy nhanh công tác giảm nghèo ở địa phương. Cụ thể, theo kết quả rà soát sơ bộ của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Quảng Trị, đến cuối năm 2023, tỷ lệ nghèo đa chiều tại địa phương sẽ giảm 1,49% với 2.576 hộ; trong đó, hộ nghèo giảm 2.179 hộ (1,24%) và hộ cận nghèo giảm 397 hộ (0,25%)…
Theo ông Hoàng Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, thời gian qua, nguồn vốn tín dụng chính sách thực hiện trên địa bàn đã ngày càng đi vào cuộc sống, qua đó góp phần đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân; phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị; thể hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác giảm nghèo bền vững tại địa phương… Trong thời gian tới, địa phương mong muốn cần tiếp tục đẩy mạnh cho vay hỗ trợ xây dựng nông thôn mới; nâng mức vay của chương trình nước sạch vệ sinh môi trường; bổ sung thêm chương trình tín dụng đối với các hộ gia đình có mức sống trung bình nhằm tạo điều kiện phát triển kinh tế, đẩy lùi ‘tín dụng đen’ ở địa phương.