VSBF 2019: Cơ sở hình thành giải pháp cho lĩnh vực ngân hàng - tài chính
Fintech Summit 2019 – Ngày hội đầu tư cho các startup công nghệ tài chính | |
Nhân lực tài chính - ngân hàng thời 4.0: Thay đổi tư duy, cách thức quản trị |
Diễn đàn năm nay được phối hợp tổ chức giữa Hiệp hội Các nhà khoa học và chuyên gia Việt Nam, Học viện Ngân hàng, Hiệp hội Quốc tế vì Sự phát triển của Kinh tế - Tài chính, Trường Kinh doanh IPAG và Trường kinh doanh Nam Champagne (Pháp).
Ảnh minh họa |
Rút ngắn khoảng cách với các quốc gia tiên tiến
Phát biểu khai mạc diễn đàn, PGS.TS. Nguyễn Kim Anh - Phó Thống đốc NHNN cho rằng, diễn đàn được tổ chức vào thời điểm này càng có ý nghĩa hơn trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động, khi tăng trưởng chậm lại xảy ra nhanh hơn so với dự kiến.
Mặt khác, thế giới cũng đang chứng kiến cuộc CMCN 4.0 diễn ra với phạm vi và mức độ ảnh hưởng sâu sắc. Cuộc cách mạng này mở ra nhiều cơ hội, đồng thời đặt ra nhiều thách thức to lớn với sự phát triển của lĩnh vực tài chính - ngân hàng, đòi hỏi mỗi chủ thể hoạt động lĩnh vực này phải nhanh chóng thay đổi nhận thức, nghiên cứu nắm bắt, nâng cao năng lực và chủ động tham gia vào cuộc cách mạng công nghiệp này.
Chính phủ Việt Nam đã xác định rõ vai trò của cuộc CMCN 4.0 đối với công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Tận dụng được những cơ hội mà cuộc cách mạng này mang lại có thể giúp các nước đang phát triển như Việt Nam rút ngắn khoảng cách phát triển kinh tế với các quốc gia tiên tiến. Đối với riêng ngành Ngân hàng, ngày 8/8/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 986/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Trong bối cảnh quốc tế, khu vực có nhiều biến động khó lường về căng thẳng địa chính trị, chiến tranh thương mại và tiền tệ, chủ nghĩa bảo hộ, suy thoái kinh tế… quan điểm phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam được xác định bao gồm ổn định hoạt động hệ thống TCTD, làm tiền đề ổn định tiền tệ - tài chính, ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng bền vững.
Thực hiện Chiến lược được Thủ tướng phê duyệt, thời gian qua, ngành Ngân hàng đã triển khai có hiệu quả các giải pháp CSTT và hoạt động ngân hàng nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an toàn hoạt động hệ thống các TCTD, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Đồng thời, “ngành Ngân hàng đang nỗ lực hoàn thiện hành lang pháp lý hỗ trợ cho hoạt động thanh toán, đổi mới công tác nghiên cứu và ứng dụng khoa học và công nghệ, phát triển sản phẩm và dịch vụ ngân hàng hiện đại dựa trên thành tựu của cách mạng số, tăng cường an ninh bảo mật thông qua việc tăng cường hạ tầng kỹ thuật, CNTT tiên tiến”, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh nhấn mạnh.
Giám đốc Học viện Ngân hàng Bùi Tín Nghị cũng nhận thấy, cuộc CMCN 4.0 đã, đang, và sẽ làm thay đổi cấu trúc, phương thức hoạt động và cung ứng các dịch vụ tài chính ngân hàng. Chính vì vậy Diễn đàn Việt Nam về ngân hàng và tài chính là cơ hội để tạo ra môi trường trao đổi kiến thức, kinh nghiệm dành cho các nhà quản lý, chuyên gia, và nhà làm thực tiễn về những vấn đề thời sự của nền kinh tế toàn cầu nói chung và lĩnh vực tài chính - ngân hàng nói riêng. Đây cũng là dịp lý tưởng để các học giả Việt Nam trao đổi kinh nghiệm nghiên cứu và hình thành các dự án nghiên cứu với đồng nghiệp quốc tế.
Nhiều giá trị thiết thực
Tại diễn đàn năm nay (kéo dài từ 24-26/10), các đại biểu tham dự diễn đàn sẽ trao đổi tại 39 phiên thảo luận gồm 3 phiên tổng thể, 36 phiên song song với 121 báo cáo được lựa chọn trình bày, giới thiệu. Ở phiên khai mạc toàn thể, tham luận đánh giá về những trường hợp IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng) thất bại, Giáo sư Brian Lucey - Trường Đại học Trinity (thuộc Đại học ĐH Dublin, Ireland) nhấn mạnh rằng, việc một doanh nghiệp IPO thất bại không nhất thiết phải xem đó là một sự kiện tiêu cực.
Ông cho rằng, cấu trúc thị trường là yếu tố vô cùng quan trọng ảnh hưởng tới sự thành công của IPO. IPO của Việt Nam sẽ không thể giống với các quốc gia khác, nên cần có sự cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đưa ra bất cứ quyết định nào về chính sách trong IPO.
Bên cạnh đó, “cũng cần chú ý tới việc cập nhật các dữ liệu mới về kinh tế học cũng như địa chính trị; quan tâm đặc biệt tới vấn đề quản trị doanh nghiệp. Một doanh nghiệp quản trị tốt sẽ giảm thiểu được tối đa khả năng mà doanh nghiệp có thể bị phá sản sau IPO”, Giáo sư Brian Lucey chia sẻ.
Quy chế ngân hàng và các dịch vụ tài chính mới cũng là phiên thảo luận nhận được nhiều sự quan tâm của các chuyên gia, nhà khoa học. Ông Amine Tarazi - Đại học Limoges & Acadut (Pháp) trong phần trình bày của mình về tình trạng thiếu hụt thanh khoản và cơ cấu vốn của ngân hàng cho hay: Nhóm nghiên cứu sử dụng dữ liệu các NHTM Mỹ giai đoạn 2000-2014 và ở các ngân hàng nhỏ để nhìn thấy sự điều chỉnh một cách tích cực tỷ lệ vốn của họ khi phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt thanh khoản trên thị trường.
Theo ông Amine Tarazi, các ngân hàng lớn không tăng cũng không giảm tỷ lệ vốn của họ, chỉ ngân hàng nhỏ tích cực điều chỉnh tỷ lệ vốn bằng cách giảm tỷ lệ cho vay trong tổng tài sản, giảm tỷ trọng tài sản có hệ số rủi ro cao, hay hạn chế chi trả cổ tức và thu hẹp quy mô bảng cân đối tổng thể. Tình trạng thiếu hụt thanh khoản thị trường là yếu tố quyết định quan trọng trong việc điều chỉnh cơ cấu vốn ngân hàng...
Bên cạnh đó, diễn đàn năm nay có 2 phiên chuyên đề về “Ngân hàng Trung ương và hoạt động quản lý”, “Công nghệ tài chính và công nghệ quản lý”. Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh nhận định, đây đều những chủ đề đang nhận được nhiều sự quan tâm của cả các nhà khoa học, người làm thực tiễn, và các nhà quản lý. Những chia sẻ, trao đổi tại 2 phiên chuyên đề này sẽ mang lại những giá trị thiết thực cho việc điều hành của ngân hàng trung ương và hoạt động của ngành Ngân hàng, cách thức tận dụng tối đa cơ hội của cuộc CMCN 4.0 đối với các ngân hàng trung ương, ngành Ngân hàng nói riêng cũng như hệ thống tài chính nói chung.