Vui buồn nghề báo
Những "nốt trầm" trong nghề báo Duyên nghề báo của lão tướng ngân hàng |
“Hòa mình” vào nhịp sống kinh tế
Gần 20 năm lăn lộn với nghề, gắn bó với Thời báo Ngân hàng với vị trí là phóng viên Văn phòng đại diện tại TP. Hồ Chí Minh, nơi được coi là “đầu tàu kinh tế” sôi động nhất cả nước, thì một phóng viên trước tiên phải luôn biết hòa mình vào nhịp sống của xã hội, những thăng trầm, biến động kinh tế đất nước mới có thể cho ra đời những bài viết chất lượng.
Với kiến thức nền tảng, cũng như việc nắm trong tay những tài liệu, số liệu mới nhất, đáng tin cậy nhất từ cơ quan quản lý nhà nước, cùng với sự tham vấn, tư vấn của các chuyên gia đầu ngành trong và ngoài nước, nhưng như vậy thôi chưa đủ, phóng viên vẫn phải “lăn xả” ra ngoài xã hội để có được những kiến thức, bài học thực tế, để có thể phản ánh đúng nhất, chân thực nhất các vấn đề nóng hổi đang diễn ra bên ngoài đời sống.
Đó có thể là những ngày hè oi ả lăn lộn ngoài chợ dân sinh để tìm hiểu đời sống của bà con tiểu thương xem giá cả hàng hóa lên xuống ra sao, hay thức dậy từ tờ mờ sáng để theo chân các anh quản lý thị trường kiểm tra thực tế hoạt động vận chuyển hàng hóa, rồi những đêm khuya mãi chưa được về nhà để còn kịp đợi một nguồn tin nóng hổi…
Tôi còn nhớ những chuyến đi dài cùng các cán bộ tín dụng ngân hàng về vùng cao, ngồi quăng quật trên xe hai ba ngày trời, say xe bụng dạ đảo ngược, mệt mỏi không nuốt nổi miếng cơm, nhưng đến được với người dân vùng cao, nghe họ kể chuyện lên nương trồng khoai, tỉa bắp, chắt chiu từng đồng vốn ngân hàng để vun đắp kinh tế gia đình, góp phần dựng xây kinh tế đất nước mà cảm thấy vui lây, quên hết mọi khó khăn, mệt nhọc.
Phóng viên Thanh Tuyết - Thời báo Ngân hàng VPĐD tại TP. Hồ Chí Minh - trao đổi với ông Đinh Ngọc Mạnh, Phó giám đốc Agribank chi nhánh tỉnh Cao Bằng về mô hình cho vay phát triển chăn nuôi trang trại ở khu vực miền núi phía Bắc |
Rồi những lần đi xa trèo đèo lội suối gặp những anh bộ đội cửa khẩu biên phòng nơi địa đầu tổ quốc để biết được các hoạt động giao thương, xuất nhập khẩu qua biên giới của đất nước đang hàng ngày diễn ra sôi động như thế nào, để hiểu hơn những khó khăn mà doanh nghiệp phải đối đầu trước từng chuyến hàng chưa được thông quan hay ùn ứ vì một lý nào đó… Như vậy bản thân mới có thêm nhiều bài viết đi vào đời sống, mang hơi thở cuộc sống gửi tới những bạn đọc yêu mến báo.
Chỉ bấy nhiêu thôi không đủ để diễn tả hết những khó khăn, vất vả của nghề báo, của những phóng viên kinh tế đang lăn lộn khắp mọi miền đất nước để có được những bản tin, những bài viết trung thực, sống động nhất mang đến bạn đọc. Nhưng hơn hết, chỉ khi sống với nghề, hòa mình vào từng hơi thở cuộc sống, có đi, có gặp gỡ, tìm hiểu, trải nghiệm, phóng viên mới có thể tự mình “lớn lên”, mới có được những bài viết sắc sảo, chân thực về đời sống.
Và quan trọng nhất là những bài viết của phóng viên phải đem đến cái nhìn khách quan, chân thực, không những nói lên được tiếng nói của người dân, của doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, mà còn là “cầu nối” để các cơ quan quản lý nhà nước nắm bắt được các hoạt động kinh tế - xã hội đang diễn ra ở khắp các miền Bắc, Trung, Nam, nơi địa đầu tổ quốc, nơi biên cương, hải đảo để có thể nhanh chóng, kịp thời đưa ra những quyết sách trúng và đúng, góp phần dựng xây đất nước ngày một phát triển đi lên.
Chụp hình giao dịch ngân hàng, đừng bắt cận mặt khách
Trong đời làm báo, tôi đã chụp hàng vạn tấm hình tại các quầy giao dịch của hàng chục ngân hàng và nhiều lần dừng lại trên mỗi trang báo gặp một tấm hình đẹp, có lúc lặng người nhìn một tấm hình trên báo.
Chụp hình báo chí là một nghề thú vị. Mỗi tấm hình báo chí không thể thiếu yếu tố con người, trong đó để hình ảnh sinh động và phản ánh tính trung thực, khách quan về đời sống xã hội. Tuy nhiên, con người được sử dụng trong ảnh báo chí lại có mỗi hoàn cảnh và số phận riêng. Ảnh báo chí trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng lâu nay ít được các nhà làm truyền thông bàn thảo, có thể tính ảnh hưởng không lớn như ảnh chính trị thời sự, ảnh nghệ thuật biểu diễn...
Nhưng hoạt động ngân hàng cần được đảm bảo an toàn tuyệt đối, nên người làm báo cũng phải thực hiện nguyên tắc đó mỗi khi muốn chụp hình những quầy giao dịch có khách hàng. Nguyên tắc bảo mật quyền riêng tư cho khách hàng đã được luật pháp bảo hộ, ngân hàng phải có trách nhiệm thực thi quyền riêng tư đó. Theo đó, khi có nhà báo đề nghị cho phép chụp hình, ngân hàng có quyền từ chối hoặc nếu đồng ý cho chụp hình ảnh giao dịch ngân hàng phải được sự đồng ý của khách hàng.
Ngân hàng và khách hàng vừa là chủ thể, vừa là khách thể của hình ảnh báo chí. Nhà báo chụp hình giao dịch ngân hàng nên lấy nét vào biểu cảm gương mặt giao dịch viên, khách hàng chụp bán mặt, sau lưng, không nên hạ ống kính bắt cận mặt khách hàng đang giao dịch tiền tệ, mua bán vàng bạc, nữ trang… Nếu những tấm hình thiếu tế nhị này đăng lên mặt báo sẽ mất hết quyền riêng tư của người giao dịch tiền tệ và không bảo mật thông tin an ninh, an toàn cho khách hàng của ngân hàng, thậm chí có thể gây nguy hại cho người giao dịch tiền tệ khi bị trộm cắp nhòm ngó… Theo đó, hình ảnh báo chí (bao gồm cả tấm hình, đoạn video) trong lĩnh vực tiền tệ phải đảm bảo tham gia cùng với ngân hàng bảo về quyền riêng tư cho người dân đến giao dịch.
Những người làm báo sẽ không dùng những tấm hình bắt cận mặt người dân đang giao dịch trong ngân hàng, mua bán vàng bạc, trang sức… Những tấm hình có khuôn mặt của giao dịch viên trong kho tư liệu hình ảnh cũ cũng cần xác minh xem giao dịch viên trong hình còn làm ngân hàng đó hay đã chuyển công tác. Thậm chí, những tấm hình chụp thẳng mặt tờ tiền có in hình lãnh tụ cũng không nên dùng để hạn chế tối đa khi báo in ra hết giá trị sử dụng thông tin, bạn đọc có thể sẽ dùng vào những việc khác nhau...