Thời báo Ngân hàng Kỷ niệm 33 năm ngày xuất bản số báo đầu tiên: Viết ngắn thôi!
Tôi chuyển công tác từ một cơ quan báo chí khác về Thời báo Ngân hàng với nhiều điều kiện thuận lợi hơn các bạn làm báo khác về hồ sơ, thủ tục hành chính do cơ quan mới cần người viết.
Thực tế, nghề nghiệp nào cũng vậy, khi chuyển chỗ làm bản thân người lao động cũng cần có thời gian hòa nhập môi trường mới. Đối với nghề phóng viên, mỗi một lần thay đổi cơ quan là cả sự biến động lớn, vì phải thay đổi môi trường tác nghiệp, nguồn tin, thay đổi cách viết sao cho phù hợp với “gu” của tờ báo mới. Tôi về làm phóng viên vùng miền của Thời báo Ngân hàng được khoảng 3 tháng mới có điều kiện gặp Phó tổng biên tập Trần Tới trong một lần ông đi công tác ghé qua văn phòng. Ông nói với tôi: “Mày viết ngăn ngắn thôi cho tao còn đăng cái khác!”. Tôi giật mình và có một chút tự ái. Cái tật của mấy anh viết lách là lúc nào cũng tưởng những điều mình viết ra đều là “lời vàng ý ngọc”. Sau đó, sự tự phụ lập tức xuống rất nhanh và tôi tự soi lại những bản thảo, bài báo đã viết, đã đăng báo và từ từ siết lại cách viết.
Một tháng sau, tôi viết một phóng sự giật tít “Lao đao IR 50404”, phản ánh tập quán sản xuất của người nông dân miền Tây Nam bộ là đầu vụ đến ngân hàng vay vốn mua vật tư nông nghiệp xuống giống, cuối vụ thu hoạch bán lúa xong trả nợ và lãi vay. Nhưng năm đó, giống lúa IR 50404 đã bị thoái hóa sau nhiều năm gieo trồng dễ dàng, chất lượng gạo xuống dốc không phanh, thương lái không mua. Lúa ế đầy đồng, ngân hàng không thu hồi được vốn; các chuyên gia kêu gọi nhà nông hạn chế trồng giống lúa đó và kêu gọi nhà nước hỗ trợ ngân hàng xóa nợ cho nông dân.
Phó tổng biên tập Trần Tới duyệt đăng bài báo năm đó, lại tăng nhuận bút gấp đôi và nói với Tổng biên tập để khen tôi và ông còn gọi điện cho trưởng đại diện vùng miền của tờ báo, nói: “Bài vừa rồi nó viết nhận được nhiều ý kiến phản hồi từ bạn đọc rất đáng chú ý. Sao không bảo nó viết như thế?”. Khi lãnh đạo hào phóng lời khen cũng là lúc người lao động chịu nhiều áp lực: áp lực giữa các đồng nghiệp, áp lực tiếp tục tư duy những đề tài khác để mang sự thật đến bạn đọc. Tôi tự nhận ra, hay nhất là thực tế cuộc sống, khi mình đi, nghe, hỏi và viết. Tôi không thể ngồi cả ngày trong các phòng hội nghị máy lạnh chạy phà phà, ghi chép những con số tròn vo, về dựng lên những bài báo trôi chảy sáo rỗng.