Vùng kinh tế trọng điểm đang “xuống sức”?
Phát triển giao thông cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam | |
Lấy kinh tế vùng làm động lực | |
Chính phủ ban hành Kế hoạch tổng thể phát triển bền vững kinh tế biển |
Điều kiện ràng buộc ngặt nghèo
Từ những năm 1997-1998 Chính phủ đã quyết định thành lập vùng kinh tế trọng điểm để tạo nên thế mạnh theo cơ cấu kinh tế mở, tạo nên các vùng động lực. Nhưng đến nay sau hơn 20 năm, các vùng kinh tế trọng điểm đã không đạt được mong muốn và kỳ vọng. Thậm chí tốc độ tăng trưởng kinh tế có xu hướng chậm lại, các chỉ tiêu kinh tế của một số vùng kinh tế trọng điểm còn thấp hơn mức trung bình của cả nước.
Điển hình là vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đang có những dấu hiệu xuống sức trong cuộc đua tăng trưởng. Đặc biệt, TP.Hồ Chí Minh - trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cũng là một đầu tàu kinh tế của cả nước gần đây đã không còn phong độ cả về tăng trưởng lẫn thu hút đầu tư. Hạ tầng giao thông yếu, tình trạng ách tắc giao thông ngày càng nặng nề, ngập lụt ngày càng nhiều hơn. Theo nghiên cứu của TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn (Đại học Fulbright), nguyên nhân khiến cho TP. Hồ Chí Minh và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đang xuống sức bởi vùng này đang gặp nhiều điểm nghẽn và những điều kiện ràng buộc khá ngặt nghèo.
Các địa phương cần có góc nhìn phát triển trên quy mô vùng để hợp tác hiệu quả |
Nổi bật nhất và cũng là nguyên nhân khiến vùng kinh tế trọng điểm phía Nam khó phát triển, đó là tỷ lệ ngân sách được giữ lại của các tỉnh nơi đây thấp hơn nhiều so với các địa phương khác có cùng quy mô kinh tế. TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn cho biết, riêng TP.Hồ Chí Minh tuy có số thu ngân sách và đóng góp vào ngân sách chung ở mức cao nhất nước, đồng thời cũng đang đóng góp tới 51% GDP của vùng, nhưng tỷ lệ ngân sách được giữ lại chỉ là 18% - thấp nhất nước. “Với tỷ lệ này, thì dù TP.Hồ Chí Minh thu được 100 đồng cũng không giàu hơn tỉnh thu 20 đồng. Vì thế thành phố không đủ nguồn lực để giải quyết những vấn đề thường ngày như ách tắc giao thông, chống ngập lụt”, TS. Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương nói. Hạ tầng ách tắc khiến chi phí sản xuất, dịch vụ và xuất khẩu bị đội lên quá cao, làm giảm sức cạnh tranh và sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.
Không có chính quyền vùng sẽ không có vùng thực sự
Theo TS.Nguyễn Đình Cung, việc các vùng kinh tế trọng điểm không đạt mục tiêu bởi cái dở có ngay từ khi hình thành các vùng này. “Thẳng thắn mà nói việc hình thành các vùng này chỉ là sự cộng gộp các địa phương lân cận, thực chất không có liên kết đáng kể. Các địa phương chưa có động lực, không có nhu cầu và không có áp lực đủ mạnh để phối hợp, kết nối thành vùng kinh tế đúng nghĩa”. Bên cạnh đó, cơ chế điều phối vùng chưa thực sự hiệu quả, Hội đồng vùng không có vai trò, cơ chế liên kết giữa các ngành, lĩnh vực chưa có hoặc còn lỏng lẻo, liên kết và phân công nhiệm vụ giữa các địa phương trong vùng chưa rõ ràng khiến cho vùng không phát huy được lợi thế, tiềm năng…
Điều nhìn rõ nhất là mọi địa phương trong cả nước cùng có 12 chỉ tiêu giống nhau như tăng trưởng, thu ngân sách, tạo công ăn việc làm, chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại… Vì thế tỉnh nào cũng phải lo cho mình trước để đạt được các chỉ tiêu này. “Muốn tăng trưởng thì phải thu hút nhiều đầu tư nên các tỉnh đua nhau mời gọi đầu tư và nếu cản được nhà đầu tư đến địa phương khác là họ cản. Tỉnh nào cũng cố tăng thu ngân sách nên có biển là muốn xây cảng, nắn dòng hàng hóa vào cảng của tỉnh mình chứ không tạo điều kiện để hàng hóa lưu chuyển hiệu quả nhất và thuận lợi nhất. Như vậy là họ đã tạo ra rào cản sự dịch chuyển đầu tư và vận chuyển hàng hóa”, ông Cung nói.
Để các vùng kinh tế trọng điểm thực sự trở thành vùng kinh tế trọng điểm, thì phải tháo bỏ các điểm nghẽn và cần phải có một quy hoạch vùng có chất lượng kèm theo những cơ chế và chính sách phù hợp và sự đầu tư thích đáng của Trung ương. Không có sự tham gia của Trung ương, vùng sẽ không ra vùng.
Bên cạnh đó, theo TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn, cần phải xóa bỏ sự rời rạc trong vùng, các địa phương có góc nhìn phát triển trên quy mô vùng để hợp tác hiệu quả, có hệ thống giao thông và cơ sở dữ liệu thông tin phục vụ cho cả khu vực rộng lớn thay vì ở từng địa phương nhỏ lẻ. Đặc biệt TS. Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh: “Nếu không có cơ cấu chính quyền vùng thì bất cứ cái gì gọi là vùng đều sẽ không có hiệu quả, sẽ không có vùng thực sự, thể chế Hội đồng vùng hiện nay không hiệu quả”. Từ đó ông kỳ vọng “trong nhiệm kỳ mới này sẽ có những đổi mới mạnh mẽ về cơ chế và chính sách và đầu tư cho các vùng kinh tế trọng điểm. Hoặc Trung ương bỏ tiền đầu tư hoặc Trung ương đứng ra yêu cầu các tỉnh cùng đầu tư làm các tuyến đường kết nối. Nếu không các vùng kinh tế trọng điểm sẽ thêm một nhiệm kỳ ách tắc”.
Đến nay cả nước có 4 vùng kinh tế trọng điểm là: Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ gồm 7 tỉnh là Hà Nội, Hưng Yên, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hà Tây, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc. Vùng kinh tế trọng điểm Trung bộ gồm 5 tỉnh: Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định. Vùng kinh tế trọng điểm Nam bộ gồm 8 tỉnh: TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bà Rịa- Vũng Tàu, Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Phước, Long An, Tiền Giang. Vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long gồm TP. Cần Thơ và 3 tỉnh An Giang, Kiên Giang, Cà Mau. |