Vượt khó nhờ tăng thu ngoài lãi
Ngân hàng tập trung hỗ trợ doanh nghiệp Khi cung - cầu vốn gặp nhau, dòng tiền chảy đúng chỗ |
Đơn cử như TPBank, lợi nhuận sau thuế quý II của nhà băng này đạt 1.293 tỷ đồng, giảm hơn 25% so với cùng kỳ, trong đó thu nhập lãi thuần với 2.279 tỷ đồng, giảm 10% so với cùng kỳ. Đại diện ngân hàng cho biết nguyên nhân do nền kinh tế có khó khăn, lãi suất cho vay có xu hướng giảm trong khi trước đó lãi suất huy động đã ở mức tương đối cao, khiến chi phí lãi tăng mạnh nửa đầu năm, từ đó khiến thu nhập lãi thuần của ngân hàng sụt giảm. Báo cáo tài chính quý II/2023 của LPBank cũng cho thấy thu nhập lãi thuần trong kỳ đạt 2.450 tỷ đồng, giảm gần 20% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo nhận định của Nhóm nghiên cứu đến từ Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, xu hướng giảm lãi suất kéo theo giảm biên lợi nhuận của ngành Ngân hàng. Đến cuối tháng 6/2023, lãi suất huy động và cho vay đã giảm khoảng 1-1,2%/năm so với đầu năm theo định hướng chung của Chính phủ và 4 lần giảm lãi suất điều hành của NHNN nhằm hỗ trợ bên vay, thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng kinh tế. Trong thời gian tới, mặt bằng lãi suất cho vay kỳ vọng giảm tiếp trong khi lãi suất huy động khó có thể giảm sâu được khiến biên lợi nhuận cho vay tiếp tục thu hẹp. Thực tế biên lãi cho vay ròng (NIM) của toàn hệ thống ngân hàng đã giảm từ mức 3,3% năm 2022 hiện xuống còn 3% và có thể còn giảm thêm.
NIM thu hẹp đã được phản ánh trong bức tranh lợi nhuận của nhiều ngân hàng, tuy nhiên thu nhập ngoài lãi lại đang trở thành một điểm sáng trong bức tranh lợi nhuận của một số nhà băng trong bối cảnh khó khăn.
Thu nhập ngoài lãi trở thành điểm sáng trong bức tranh lợi nhuận của một số ngân hàng trong bối cảnh khó khăn |
Minh chứng như tại SeABank, kết thúc 6 tháng đầu năm 2023, tổng doanh thu của SeABank đạt gần 12.109 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ. Trong đó doanh thu phí đạt 466 tỷ đồng, doanh thu phí quý II/2023 tăng trưởng gấp 2 lần so với quý I/2023 và có xu hướng tăng trong giai đoạn cuối năm 2023. Đại diện ngân hàng cho biết, trong kế hoạch kinh doanh năm 2023, SeABank vẫn kiên định với mục tiêu tăng trưởng bền vững, tiếp tục tập trung nguồn lực cho hoạt động đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh, gia tăng trải nghiệm của khách hàng với nhiều sản phẩm dịch vụ đa dạng, linh hoạt cũng như tối ưu chi phí vận hành.
Tại MSB, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ của ngân hàng này tăng đến hơn 86%, tỷ lệ thu nhập ngoài lãi trên tổng thu nhập hoạt động đạt trên 31%. Điều này cũng cho thấy sự nỗ lực trong việc chuyển đổi và đa dạng hóa cơ cấu nguồn thu, đặc biệt trong hoàn cảnh các hoạt động kinh doanh dựa trên cho vay đang có nhiều biến động bất lợi. Không chỉ kiểm soát mức tăng trưởng ổn định và an toàn, chi phí của ngân hàng tiếp tục được tối ưu hóa. Chỉ số chi phí trên doanh thu tính đến cuối tháng 6 là 30,41%.
“Sự chuyển dịch này phù hợp với chiến lược hiện tại của MSB khi giảm tỷ trọng kinh doanh lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro, đồng thời tối ưu hóa nguồn thu từ các hoạt động phi tín dụng như dịch vụ thẻ, thanh toán, kinh doanh ngoại tệ, dịch vụ ngân hàng đầu tư… Việc sở hữu cơ cấu thu nhập có tỷ trọng thu nhập ngoài lãi cao sẽ giúp ngân hàng tăng trưởng bền vững, ổn định hơn trong dài hạn”, ông Nguyễn Hoàng Linh, Tổng Giám đốc MSB chia sẻ.
Theo các chuyên gia, kết quả lợi nhuận ngân hàng trong quý II/2023 đã được dự báo trước. Công ty Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) nhận định, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận trước thuế cả năm nay của ngành Ngân hàng sẽ chỉ còn khoảng 10%. Các chuyên gia từ VCBS dự báo, lợi nhuận một số ngân hàng thuộc nhóm quy mô nhỏ tiếp tục giảm tốc, thậm chí tăng trưởng âm trong 2024 khi thị trường bất động sản và tình hình vĩ mô xấu đi, khiến tín dụng tăng trưởng chậm lại, khả năng trả nợ của khách hàng khó hồi phục, cũng như các thông tư, chính sách hỗ trợ hết hiệu lực thì tình hình sẽ không mấy khả quan.
Chính vì vậy, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, việc các nhà băng tích cực đẩy mạnh tăng thu ngoài lãi, hướng đến nguồn thu bền vững hơn, tránh phụ thuộc vào nguồn thu tín dụng sẽ là một xu hướng tất yếu. Một yếu tố thuận lợi đang có tác động tích cực đến ngành Ngân hàng đó là quá trình chuyển đổi số đang diễn ra nhanh chóng và mạnh mẽ, giúp các nhà băng có thể tiết giảm chi phí và thu hút nhiều khách hàng mới, từ đó nâng cao hiệu quả kinh doanh.
Theo BDA Partners (2022), quy mô thị trường dịch vụ tài chính số Việt Nam sẽ đạt khoảng 3,8 tỷ USD vào năm 2025 với tốc độ tăng trưởng bình quân là 38%/năm, nhanh nhất khu vực ASEAN. Đồng thời, theo kết quả khảo sát của Báo cáo e-Conomy SEA 2022, người dùng kỹ thuật số ở khu vực thành thị của Việt Nam sử dụng dịch vụ thương mại điện tử cao thứ 2 khu vực, chiếm tỷ lệ 96%, chỉ đứng sau Singapore (97%)… tất cả những con số trên đem đến một bức tranh tươi sáng và lạc quan khi các ngân hàng đẩy mạnh nguồn thu từ dịch vụ. Việc chuyển dịch cơ cấu nguồn thu sẽ giúp ngân hàng gia tăng lợi nhuận bền vững, giảm thiểu rủi ro trong hoạt động, nâng cao khả năng cạnh tranh.