Vượt thách thức, hiện thực hóa các mục tiêu đặt ra
TS. Lê Duy Bình |
Nền kinh tế đang ghi nhận một loạt tín hiệu tích cực từ quý cuối của năm 2021 và hai tháng đầu năm 2022. Hoạt động xuất nhập khẩu vẫn giữ được nhịp độ tăng trưởng tích cực; mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tiếp tục được cải thiện, giải ngân đầu tư công tăng, nhờ đó tổng cầu được củng cố; nguồn vốn FDI tiếp tục chảy vào Việt Nam trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư tư nhân trong nước cũng gia tăng… Bên cạnh đó, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đang được Chính phủ và các bộ, ngành tích cực triển khai. Đây có thể coi là những chỉ dấu tốt cho sự phục hồi và tăng trưởng trong tháng 3 và các tháng tiếp theo.
Một yếu tố quan trọng khác là mặc dù bối cảnh có nhiều khó khăn nhưng chúng ta đã duy trì được kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm, thị trường tiền tệ cơ bản ổn định… Đây là yếu tố rất quan trọng để nền kinh tế bứt tốc trong bối cảnh mở cửa trở lại và thiết lập trạng thái bình thường mới. Như vậy, nếu không có những diễn biến lớn đặc biệt liên quan đến dịch bệnh và các biến động của nền kinh tế toàn cầu, triển vọng tăng trưởng quý I và cả năm nay vẫn là tích cực.
Ông vừa nói tới một trong những yếu tố bất định là dịch bệnh Covid. Thực tế từ sau Tết Nguyên đán đến nay, tình hình dịch vẫn diễn biến phức tạp, số ca nhiễm mới liên tục tăng cao. Điều này có khiến chúng ta tiếp tục phải lo ngại về những tác động tiêu cực tới hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như triển vọng kinh tế?
Ở một góc độ nào đó, dịch Covid-19 vẫn gây ra những ảnh hưởng nhất định. Ví dụ, những lao động bị nhiễm bệnh phải nghỉ làm nên có thể ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của một số DN, nhất là ở những DN sản xuất theo dây chuyền, cần lao động trình độ cao, lành nghề nên khó thay thế ngay lập tức bởi lao động khác. Bên cạnh đó, tâm ý e ngại mắc bệnh (trong bối cảnh số ca nhiễm đang tăng cao) nên có thể một số lao động vẫn chưa muốn quay trở lại làm việc, hoặc tại các DN có lượng F0 nhiều thì sẽ bị thiếu hụt lao động ngắn hạn.
Tuy nhiên, đây chỉ là những tác động rất ngắn hạn và ở quy mô nhỏ. Quan trọng hơn là tâm lý e ngại của đồng nghiệp, của xã hội với các trường hợp F0 không còn như trước đây nữa. Chính vì thế nên hiện nay DN dù có nhiều ca F0 nhưng sản xuất kinh doanh vẫn tiếp tục, không còn bị gián đoạn.
Điều đó không chỉ phản ánh “ứng xử” của DN, chính quyền, người lao động và cả xã hội trước dịch bệnh đã khác đi, sự tự tin của DN đã trở lại, mà còn cho thấy chúng ta đang thực sự thích nghi với tình hình mới cả về mặt tâm lý và hành xử. Tất nhiên, có được những thay đổi như vậy một phần rất quan trọng là nhờ độ phủ vắc xin rộng rãi hiện nay với 200 triệu liều đã được tiêm – trong khi cách đây 1 năm chúng ta mới có những mũi tiêm đầu tiên. Tôi cho rằng đây chính là những yếu tố “thay đổi cuộc chơi” và dù dịch bệnh vẫn có những tác động nhưng sẽ không lớn
Theo ông, đâu là lĩnh vực cần tập trung để tăng trưởng năm nay khả quan hơn năm 2021?
Những tín hiệu tích cực như tôi đề cập ở trên của nền kinh tế trong thời gian vừa qua chính là những động lực cho tăng trưởng năm nay. Trong đó, mặc dù đã xuất hiện những thách thức mới liên quan đến thị trường toàn cầu hay chuỗi cung ứng nhưng về cơ bản xuất khẩu của Việt Nam năm nay đến các thị trường đối tác lớn sẽ vẫn giữ được nhịp độ tăng trưởng tốt.
Cũng cần nhấn mạnh tới yêu cầu đẩy mạnh hơn nữa sự phục hồi của lĩnh vực du lịch. Đây là ngành chiếm đến trên 8% GDP nên sự phục hồi của du lịch sẽ đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung. Ngoài phục hồi khách du lịch trong nước, việc khách quốc tế đến Việt Nam đã tăng nhanh ngay sau khi chúng ta thực hiện lộ trình khôi phục trở lại đường bay quốc tế vừa qua cũng cho thấy cơ hội rất lớn trong đóng góp cho GDP của ngành “xuất khẩu tại chỗ” này. Vì vậy, việc mở cửa được ngành du lịch một cách thận trọng, an toàn nhưng đủ nhanh để không lỡ cơ hội cũng là nhiệm vụ quan trọng. Chỉ cần thu hút được 3-5 triệu khách quốc tế trong năm nay sẽ tạo động lực cho ngành này tái khởi động trở lại, dần từng bước phục hồi về mức trước đại dịch và trợ lực rất lớn cho tăng trưởng GDP.
Một động lực quan trọng khác trong năm nay là đầu tư công và những kỳ vọng từ Chương trình phục hồi phát triển kinh tế. Động lực này thì gần đây chúng ta đã nói và được nghe tới rất nhiều và có tính hiển nhiên nên thiết nghĩ không cần bàn thêm.
Trong bối cảnh bất định gia tăng và khó khăn, thách thức chưa giảm, theo ông thách thức lớn nhất trong năm nay là gì?
Đúng là dù có nhiều tín hiệu, triển vọng tích cực nhưng những khó khăn, thách thức đã có và những rủi ro phát sinh mới cũng bộc lộ rõ nét trong hai tháng qua. Nếu phải nói về thách thức, rủi ro lớn nhất tôi cho rằng đó là áp lực lạm phát từ giá xăng dầu đang ở mức rất cao.
Nếu tình trạng này kéo dài và tiếp tục leo thang sẽ là áp lực rất lớn, tác động không nhỏ đến lạm phát và tăng trưởng kinh tế. Giá xăng dầu tăng cao dẫn đến chi phí sản xuất, chi phí lưu thông tăng mạnh, nên sẽ vừa ảnh hưởng đến sức cạnh tranh hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, vừa ảnh hưởng lan tỏa đến sản xuất, tiêu dùng trong nước và làm giảm hiệu quả của các chính sách hỗ trợ người dân, DN.
Bên cạnh áp lực lạm phát, các biến động mới trong môi trường quốc tế hiện nay, đặc biệt là xung đột Nga – Ukraine, cũng là những ẩn số mới mà các nhà điều hành cần quan tâm, nhất là liên quan đến nhu cầu hàng hóa nhập khẩu của các thị trường, nguy cơ gián đoạn có thể xảy ra với hoạt động vận tải hậu cần, nguồn cung hàng hóa, giá nguyên vật liệu cho một số ngành sản xuất…
Còn nhớ năm 2011, khi giá dầu thô Brent bình quân ở mức 107 USD/thùng đã là một trong những nguyên nhân khiến lạm phát tại Việt Nam lên tới 18,13%. Theo ông, liệu có nguy cơ xảy ra siêu lạm phát (lạm phát ở mức 2 con số) khi giá xăng dầu hiện ở mức cao hơn so với thời điểm năm 2011?
Những nguy cơ này rõ ràng có những rủi ro kèm theo và không thể loại trừ hoàn toàn. Tuy nhiên, với điều hành tiền tệ và các chính sách khác của chúng ta đang thể hiện sự thận trọng, ổn định và linh hoạt như hiện nay thì rủi ro siêu lạm phát là thấp. Khi giá dầu thô lên tới mức 140 USD/thùng hoặc hơn thì đó cũng chỉ là một yếu tố đẩy giá tiêu dùng tăng cao, tạo áp lực mạnh mẽ lên lạm phát chứ không xuất phát từ chính sách tiền tệ hay chính sách tài khóa. Nhưng nếu chúng ta mắc sai lầm trong điều hành chính sách thì lạm phát sẽ tăng nhanh. Hiện điều hành chính sách của chúng ta cho tới thời điểm này vẫn đảm bảo được sự thận trọng và khôn khéo cần thiết. Nên tôi cho rằng, giá xăng dầu tăng, chi phí tăng chắc chắn tạo áp lực lên lạm phát, như có thể đẩy lạm phát tăng lên thêm 0,5 hoặc 1% trong năm nay, song sẽ không là yếu tố gây ra siêu lạm phát.
Xin cảm ơn ông!