“Xắn tay áo” hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó
Tích cực hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó Đa dạng giải pháp giúp doanh nghiệp vượt khó Hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó |
Doanh nghiệp lao đao
Đặc biệt, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tiếp tục chứng kiến sự sụt giảm mạnh, trong đó có các ngành sản xuất chủ lực như, dệt may, đồ gỗ, sản xuất và phân phối điện, sản xuất lắp ráp ô tô. 5 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn Quảng Nam có 62 doanh nghiệp giải thể và 674 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động...
Theo nhận định của Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Nam, đại dịch và biến động chính trị thế giới đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp ở địa phương. Qua khảo sát tại một số doanh nghiệp cho thấy, những biến động của thị trường thế giới dẫn đến khó khăn trong xuất khẩu, đơn hàng giảm cả về số lượng và quy mô ở cả trong nước và nước ngoài. Thị trường xuất khẩu truyền thống thu hẹp, đơn hàng xuất khẩu giảm cả về số lượng và quy mô. Nhiều doanh nghiệp không có đơn hàng mới, trong khi chi phí nguyên vật liệu tăng cao, giá nguyên vật liệu xây dựng tăng cao do nguồn cung khan hiếm... Điều này tạo ra áp lực đối với các doanh nghiệp trong việc duy trì sản xuất cũng như tăng trưởng kinh tế.
Động lực phát triển kinh tế của Quảng Nam trong nhiều năm gần đây là công nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô. Tuy nhiên, gần đây một số cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp ô tô hết hiệu lực. Dẫn đến những khó khăn cho ngành kinh tế chủ lực này, ảnh hưởng đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Bên cạnh đó, theo báo cáo của Hiệp hội Doanh nghiệp Quảng Nam, hiện các doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản ở địa phương đang gặp phải vô vàn khó khăn. Theo đó, khó khăn xuất phát từ việc các hộ dân ảnh hưởng đất nông nghiệp, nhưng yêu cầu bố trí đất tái định cư, dù đã tổ chức họp vận động, đối thoại nhiều lần nhưng vẫn chưa đồng ý nhận tiền, bàn giao mặt bằng. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cho rằng có nhiều trường hợp tranh chấp đất đai rất khó giải quyết, các hộ dân không đồng ý hoà giải nên thủ tục thu hồi đất cũng gặp nhiều khó khăn. Quy trình, thủ tục cưỡng chế thu hồi đất kéo dài gây ảnh hưởng đến tiến độ các dự án.
Sản xuất công nghiệp trên địa bàn Quảng Nam đang có sự sụt giảm |
Tại một cuộc họp tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, ông Phan Việt Cường, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam khẳng định, sự sụt giảm của công nghiệp chế biến, chế tạo, số doanh nghiệp tạm dừng hoạt động gia tăng... đã tạo ra áp lực lớn đối với các doanh nghiệp trong việc duy trì sản xuất cũng như tăng trưởng kinh tế của địa phương. Cũng theo ông Cường, khó khăn hiện nay là vấn đề chung của nền kinh tế trong nước và thế giới. Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn chung đó, Quảng Nam phải đồng sức, chung lòng, cố gắng vượt qua. Tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp duy trì sản xuất, đảm bảo các yêu cầu đặt ra đối với an ninh kinh tế, an ninh nông thôn.
Mở “chiến dịch” hỗ trợ
“Xắn tay áo” vào cuộc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Quảng Nam đã thành lập Tổ công tác đặc biệt do ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng, 2 Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Quang và Hồ Quang Bửu làm tổ phó và 11 thành viên là lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh…
Tổ công tác có nhiệm vụ tổ chức rà soát, tổng hợp và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết; tháo gỡ đối với các nội dung thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh hoặc tham mưu UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền giải quyết đối với các nội dung vượt thẩm quyền của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh; đồng thời, giúp UBND tỉnh theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát quá trình giải quyết các khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền của các sở, ban, ngành và địa phương; kịp thời đề xuất khen thưởng, kỷ luật các tổ chức, cá nhân có liên quan…
Mục tiêu của Tổ công tác đặc biệt là từ nay đến cuối năm 2023 phải vào cuộc hỗ trợ doanh nghiệp; chia thành nhóm doanh nghiệp đã hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định, nhưng gặp khó khăn do đơn hàng, tài chính, nguyên liệu, lao động; nhóm doanh nghiệp đang triển khai dự án nhưng gặp vướng mắc, khó khăn về đất đai, giải phóng mặt bằng, nguyên vật liệu phục vụ thi công công trình và cuối cùng là nhóm doanh nghiệp đang làm thủ tục đầu tư... Từ đó, cơ quan chức năng sẽ lựa chọn nhóm dự án có vướng mắc nổi cộm cần phải đi thực tế khảo sát, giải quyết, và đề xuất hướng giải quyết. Ông Trần Quốc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Nam kỳ vọng, cộng đồng doanh nghiệp ở địa phương cố gắng vượt qua giai đoạn khủng hoảng này. Mong rằng, với việc ra đời Tổ công tác đặc biệt do Chủ tịch UBND tỉnh đứng đầu sẽ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc hiện tại để doanh nghiệp vươn lên, vượt qua khó khăn và phát triển hơn nữa trong thời gian tới…
Tại một cuộc họp của Tổ công tác đặc biệt, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam khẳng định, Tổ công tác đặc biệt của UBND tỉnh như một “chiến dịch đặc biệt” với những giải pháp có trọng tâm, trọng điểm, giải quyết kịp thời, dứt điểm những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn, góp phần vực dậy nền kinh tế sau đại dịch. Ông Lê Trí Thanh cũng yêu cầu việc giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp khi tổ công tác vào cuộc phải thực hiện theo cách “đặc biệt”, giải quyết nhanh gọn, trực tiếp, không thủ tục rườm rà. Ngay cả việc tiếp doanh nghiệp hàng tháng cũng cần được đổi mới cách thức thực hiện, không chỉ đợi hàng tháng mới giải quyết mà tiếp cận ngay bằng con đường công nghệ thông tin, trao đổi qua lại để cùng nhau giải quyết, hạn chế tối đa việc đi lại tốn kém thời gian của doanh nghiệp. Chỉ khi vấn đề quá khó không giải quyết được qua con đường trực tuyến, thì mới gặp trực tiếp doanh nghiệp để giải quyết...