Đa dạng giải pháp giúp doanh nghiệp vượt khó
Lãi suất thấp đã “ngấm” vào thị trường | |
Doanh nghiệp kiên cường “vượt bão” | |
Công nghệ mới nổi ảnh hưởng tới chi phí doanh nghiệp |
Giảm tối đa chi phí giúp doanh nghiệp vượt khó |
Từ giảm chi phí hoạt động...
Chỉ số quản trị mua hàng (PMI), một trong những chỉ số đo lường sức khỏe ngành sản xuất Việt Nam trong tháng 8/2021 tiếp tục giảm còn 40,2 điểm, cho thấy sức khỏe của lĩnh vực sản xuất suy giảm mạnh nhất kể từ tháng 4/2020. Trong khi đó, chi phí hoạt động của doanh nghiệp đang tăng lên ở tất cả các khâu, do sản xuất 3 tại chỗ và dòng tiền cạn.
Ông Lê Vương Quốc, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Gimex Việt Nam, cho biết, khâu sơ chế đóng gói nông sản, nhất là nông sản phục vụ thị trường xuất khẩu, cần sử dụng lượng lớn lao động nên rất khó vừa tổ chức sản xuất vừa chống dịch vì chi phí quá lớn. Vì vậy, các đối tác sơ chế nông sản tại Cần Thơ và Tiền Giang của đơn vị đã dừng hẳn hoạt động sản xuất để chống dịch.
Bên cạnh đó, cước vận chuyển container tăng cao, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động xuất nhập khẩu. Chưa kể, hiện các doanh nghiệp xuất nhập khẩu đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn như thiếu nhân công, tài xế, hàng hóa lưu thông khó khăn.
Dù thuộc ngành làm ăn thuận lợi trong mùa dịch nhưng các doanh nghiệp logistics cũng chịu không ít khó khăn về chi phí. Chia sẻ với báo chí, ông Đinh Hữu Thạnh, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Bee Logistics cho biết, vì dịch bệnh công ty chấp nhận bỏ chi phí ra thuê văn phòng gần nơi phải làm những nhân viên làm việc tại hiện trường. Ngoài ra, những chi phí xét nghiệm, test COVID-19 cho nhân viên đi làm cũng đội chi phí của công ty lên hàng tỷ đồng/2 tháng dịch… Tất cả những thách thức trên khiến công suất làm việc của doanh nghiệp giảm tới 50%.
Không may mắn như những doanh nghiệp trên, nhiều doanh nghiệp đã phải dừng hoạt động, rút lui khỏi thị trường vì “gánh nặng” chi phí. Theo Tổng cục Thống kê, trong 8 tháng năm 2021 có 85.500 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 43.200 doanh nghiệp, tăng 25,9% so với cùng kỳ năm trước…
Trước khó khăn này, Chính phủ, các bộ ngành, địa phương đã triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, trong đó tối giản hóa thủ tục, chi phí, tạo thuận lợi tối đa trong hoạt động sản xuất - kinh doanh.
Đến đa dạng các giải pháp hỗ trợ
Mới đây, nhiều chính sách hỗ trợ nhằm giảm tối đa chi phí cho doanh nghiệp đã ra đời. Đơn cử, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ký ban hành Quyết định 1089/QĐ-BKHĐT thông qua phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC) lĩnh vực hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, lĩnh vực hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ.
Theo đó, phương án này đặt mục tiêu, nhóm TTHC lĩnh vực hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ giúp tiết kiệm hơn 405 triệu đồng chi phí tuân thủ TTHC, tỷ lệ cắt giảm chi phí là 43,75%; nhóm TTHC lĩnh vực hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn tiết kiệm gần 439 triệu đồng chi phí tuân thủ TTHC, tỷ lệ cắt giảm chi phí là 21,75%.
Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP.Hà Nội cho rằng, giảm thuế là chiếc “phao cứu sinh” cho doanh nghiệp. Thực tế cho thấy, các chính sách hỗ trợ được ban hành và thực thi đã hỗ trợ rất nhiều cho doanh nghiệp để giảm gánh nặng về tài chính, vượt qua khủng hoảng, khó khăn.
Vì vậy, Chính phủ đã đề xuất trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội các giải pháp về thuế hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh khắc phục khó khăn do dịch COVID-19. Điểm nhấn chính trong đợt đề xuất hỗ trợ lần này là gói miễn, giảm thuế lên tới 20.000 tỷ đồng, trong đó, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp 30% cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa quy mô dưới 200 tỷ đồng. Đặc biệt, có đến 3 nhóm chính sách lần đầu tiên được cơ quan quản lý đề xuất kể từ khi dịch COVID-19 xuất hiện.
Bên cạnh đó, để có nguồn lực hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp, Ngành ngân hàng đã tích cực cắt giảm tối đa chi phí hoạt động. Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết, trước tình hình dịch COVID-19 lan rộng ở một số địa phương, việc giãn cách ảnh hưởng đến các doanh nghiệp, giảm lãi suất là chính sách rất quan trọng. Chính vì vậy, NHNN tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại, bằng cách cắt giảm chi phí hoạt động một cách tối đa để giảm lãi suất. Tiếp đó là chia sẻ lợi nhuận để giảm lãi suất cho các doanh nghiệp.
Thực hiện chỉ đạo của NHNN, các ngân hàng trong toàn hệ thống đã căn cứ năng lực, khả năng tài chính của mình để tính toán thực hiện giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại thời hạn trả nợ và các biện pháp hỗ trợ khác; công khai công bố mức lãi suất hỗ trợ, các biện pháp, chính sách hỗ trợ để người dân, doanh nghiệp được biết.
Với việc giảm lãi suất lần này, theo các chuyên gia tài chính - ngân hàng, mặt bằng lãi suất được điều chỉnh về chỉ từ 4%/năm - mức thấp nhất trong gần 2 năm qua.
Không chỉ trông chờ vào chính sách hỗ trợ từ Chính phủ, các bộ ngành, địa phương, bản thân các doanh nghiệp cũng chủ động cắt giảm chi phí cố định để vượt qua khó khăn. Cụ thể, nhiều doanh nghiệp lựa chọn cắt giảm nhân sự; tối ưu hóa chi phí quản lý, chi phí đầu tư; đẩy mạnh áp dụng công nghệ, bán hàng online thay vì mua sắm truyền thống; giảm chi phí văn phòng, tối ưu hóa thủ tục hành chính.
Tuy nhiên, báo cáo của PwC Việt Nam cho rằng, cắt giảm chi phí là phương án thiết thực, nhưng chưa đủ. Việc tái định hình và xây dựng lại mô hình kinh doanh bên cạnh chiến lược về chi phí là rất quan trọng để tăng cường sức mạnh và sự linh hoạt cho doanh nghiệp.
(Thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/05/2020 của Chính phủ)