Xây dựng công trình: Gắn hiệu quả kinh tế với bảo vệ môi trường
Cần nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường “Ngày hội sống xanh” giúp nâng cao nhận thức về môi trường |
Những năm gần đây, việc phát triển công trình hiệu quả năng lượng, vật liệu có tính năng tiết kiệm năng lượng đã và đang được mở rộng tại Việt Nam. TS. Nguyễn Công Thịnh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng) cho biết, hiện đã có 80 công trình hiệu quả năng lượng, công trình xanh trên cả nước. Dự kiến, đến 2030 sẽ đạt và vượt mục tiêu 150 công trình.
Theo các khảo sát của Chương trình Quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030, dư địa tiềm năng tiết kiệm năng lượng của Việt Nam trong các công trình xây dựng còn rất lớn.
Tuy nhiên, chuyên gia về năng lượng Trần Quý Năng cho rằng, hiện khả năng vận hành các công trình hiệu quả năng lượng tại Việt Nam còn rất yếu. Ví dụ một số công trình có hệ thống điều khiển sử dụng năng lượng nhưng không dùng hoặc không dùng hết tính năng; không linh hoạt trong thay đổi/giám sát cài đặt nhiệt độ phòng; chưa loại bỏ được sự lãng phí từ các nguồn năng lượng khác; kỹ năng vận hành hệ thống tiết kiệm năng lượng còn yếu; quá trình bảo dưỡng các thiết bị trong công trình chưa được chú trọng; chưa có giám sát và phân tích hiệu quả…
Chia sẻ về kinh nghiệm thực tế, ông Nguyễn Minh Sơn, Trưởng ban Quản lý vận hành tòa nhà MB Grand Tower (18 Lê Văn Lương, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội) cho biết, dù được thiết kế là một tòa nhà văn phòng tối ưu năng lượng nhưng vẫn chưa được khai thác hết, gây lãng phí năng lượng. Hiện phần lớn “vỏ bọc” quanh tòa nhà đều là kính để tận dụng năng lượng là ánh sáng tự nhiên, các thiết bị ánh sáng được sử dụng đều là LED… nhưng lại là nguồn hấp thụ nhiệt rất lớn, hệ thống điều hòa không khí chịu áp lực, tòa nhà phải dành thêm chi phí để sử dụng thêm các giải pháp khác như lắp thêm rèm, tấm phim cách nhiệt… để giảm tải.
Để đạt chứng nhận tòa nhà xanh, theo ông Mai Văn Huyên, Giám đốc Trung tâm Phát triển Xanh, vật liệu xây dựng là một yếu tố quan trọng. Do đó, cần có sự kết hợp giữa các yếu tố thiết kế, công nghệ và quản trị năng lượng phù hợp cho các loại vật liệu.
Đặc biệt, các công trình hiệu quả năng lượng sẽ có chi phí cao hơn so với thông thường, tuy nhiên giá trị đem lại về kinh tế và môi trường sau này sẽ lớn hơn rất nhiều. Muốn mở rộng số lượng công trình hiệu quả năng lượng, Việt Nam cần sớm có những giải pháp đồng bộ để thúc đẩy thị trường công trình xanh phát triển; cần hoàn thiện chính sách pháp lý nhằm khuyến khích các thành phần cùng tham gia. Cùng với đó là phát triển thị trường vốn xanh.
Đặc biệt, công trình hiệu quả năng lượng hiện chủ yếu được phát triển trong phân khúc cao cấp và khách hàng phải trả giá cao. Do đó, việc đầu tư triển khai các giải pháp thiết kế hiệu quả năng lượng ở công trình có giá thấp và trung bình sẽ là một xu hướng rất đáng quan tâm.
Bên cạnh đó, một trong những nguyên nhân được chỉ ra khiến công trình hiệu quả năng lượng tại Việt Nam đang chưa được nhìn nhận một cách toàn diện là do các khâu thiết kế – xây dựng – vận hành chưa hợp tác chặt chẽ với nhau.