Xây dựng văn hóa kinh doanh liêm chính
Tài sản vô hình của doanh nghiệp
Ông Nguyễn Lê Kha - Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư tài chính Sigma, Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nhân IPO Sihub đánh giá, có rất nhiều lợi ích khi doanh nghiệp thực hiện kinh doanh liêm chính. Đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp khi tiến hành IPO, cụ thể là sự minh bạch trong các hoạt động xây dựng báo cáo tài chính, kế toán và kiểm toán. Việc cung cấp các tài liệu tài chính minh bạch khi IPO sẽ góp phần làm tăng giá trị thương hiệu của doanh nghiệp trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài, từ đó tạo hiệu quả trong việc gọi vốn, giúp doanh nghiệp khởi nghiệp có thể vươn tầm ra thị trường quốc tế.
Bên cạnh đó, kinh doanh liêm chính như một phần giá trị nội sinh, tạo nên văn hóa và truyền thống của doanh nghiệp. Trên thực tế, có rất nhiều doanh nghiệp lớn trên thế giới đã xây dựng thương hiệu qua nhiều đời nhờ tinh thần kinh doanh liêm chính được duy trì và thực hiện xuyên suốt qua nhiều thế hệ. Khi kinh doanh liêm chính, doanh nghiệp mới tạo được sự minh bạch cho đối tác, cổ đông, nhà đầu tư và khách hàng, tác động đến các quyết định đầu tư, mua bán của các nhà đầu tư không chỉ tại Việt Nam mà còn trên toàn cầu.
Kinh doanh liêm chính giờ đây không chỉ là một khẩu hiệu mà là một điều bắt buộc với mỗi doanh nghiệp |
Hơn thế, kinh doanh niêm chính còn là điểm tựa cho các doanh nghiệp và nền kinh tế phát triển bền vững phòng chống tham nhũng. Tại Diễn đàn “Tuân thủ và Liêm chính - Nền tảng cho khởi nghiệp thành công”, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Nguyễn Quang Vinh thông tin, các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng tham gia sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu và thường phải đối mặt với các rủi ro như gian lận, hối lộ trong các giao dịch kinh doanh. Thêm vào đó, đại dịch Covid-19 có xu hướng gây rủi ro đáng kể cho các hành vi vi phạm đạo đức, gây tác động tiêu cực, tạo rào cản đối với doanh nghiệp để theo đuổi kinh doanh liêm chính và duy trì sự thành công.
Theo ông Darko Pavlovic - Giám đốc Dự án Khu vực FairBiz Trung tâm Khu vực Bangkok, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) cho rằng, tham nhũng làm biến dạng thị trường, kìm hãm sự phát triển kinh tế và không khuyến khích đầu tư nước ngoài. Vì vậy, Hiệp ước Toàn cầu của Liên hợp quốc tuyên bố rằng “doanh nghiệp nên chống lại tham nhũng dưới mọi hình thức, bao gồm cả tống tiền và hối lộ”.
Tại Việt Nam, ông Nguyễn Tuấn Khanh - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra, Thanh tra Chính phủ cho biết hoạt động phòng chống tham nhũng hiện đã được mở rộng tới khu vực ngoài nhà nước, đồng thời cụ thể về trách nhiệm của các doanh nghiệp. Trong đó việc xây dựng văn hóa kinh doanh không tham nhũng có vai trò hết sức quan trọng để tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng, hướng tới sự phát triển bền vững của chính các doanh nghiệp, đồng thời góp phần phòng ngừa tham nhũng trong cả khu vực nhà nước nói chung.
Tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc kinh doanh
Theo các chuyên gia, kinh doanh liêm chính không khó, doanh nghiệp đầu tư cũng không quá nhiều chi phí cho việc này, quan trọng là tinh thần nghiêm túc, trước tiên là tuân thủ tốt pháp luật, sau đó có thể áp dụng các bộ quy tắc ứng xử nội bộ để quản lý, tôn trọng khách hàng, giữ cam kết, minh bạch, thực hiện nhất quán các cam kết với các bên liên quan. Xây dựng văn hóa kinh doanh liêm chính trong doanh nghiệp cũng phải không máy móc, dập khuôn theo một mô hình nhất định, mà có thể linh hoạt áp dụng các bộ quy tắc về vấn đề này một cách linh hoạt, phù hợp.
Ông Nguyễn Văn Nghĩa - Đồng sáng lập kiêm Giám đốc Công ty VinaCrab (doanh nghiệp startup) chia sẻ, có bốn điều phải biết khi thực hiện liêm chính trong kinh doanh. Đó là tuân thủ các nội quy, quy định pháp luật; Nghiêm chỉnh thực hiện hợp đồng mua bán, các thỏa thuận hợp tác, giữ uy tín với bạn hàng; Xây dựng văn hóa ứng xử trong doanh nghiệp, đây là một điều có ý nghĩa rất quan trọng trong việc khởi sự kinh doanh của doanh nghiệp. Cuối cùng là trách nhiệm của người đứng đầu, sự gương mẫu thực hiện nghiêm túc các nội quy, quy định doanh nghiệp, làm gương cho cán bộ nhân viên cùng thực hiện văn hóa liêm chính.
Bà Đinh Thị Bích Xuân - Phó giám đốc văn phòng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững (VCCI) cho rằng, liêm chính là khả năng ứng xử, hành động trung thực, nhất quán với các giá trị, các chuẩn mực và niềm tin, đạo đức ngay cả khi không có ai theo dõi, giám sát.
Các chuẩn mực cơ bản và giá trị đạo đức trong kinh doanh gồm trung thực, công bằng, trách nhiệm, đáng tin cậy, tuân thủ, tôn trọng, quan tâm bảo vệ môi trường. Các nguyên tắc áp dụng kinh doanh liêm chính là thực hiện kinh doanh một cách công bằng, trung thực và công khai. Đơn cử như có các điều khoản thanh toán minh bạch, sổ sách ghi chép rõ ràng, công bố thông tin, tăng cường quản trị công ty tốt thông qua áp dụng cơ chế kiểm soát nội bộ và bộ quy tắc ứng xử, đề cao các giá trị cốt lõi mà doanh nghiệp đã tuyên bố.
Đại diện VCCI cho biết hiện đã có bộ công cụ hỗ trợ DNNVV phòng ngừa tham nhũng quốc tế được Việt Nam nội địa hoá giúp doanh nghiệp giải đáp câu hỏi cần hành động gì để tự bảo vệ mình trước những rủi ro tham nhũng và sự chuẩn bị cần thiết khi tham gia thị trường quốc tế. VCCI cùng với UNDP cũng đã xây dựng cẩm nang hướng dẫn áp dụng cơ chế kiểm soát nội bộ và bộ quy tắc ứng xử trong kinh doanh cho các doanh nghiệp.
Các chuyên gia cũng cho rằng sự hỗ trợ từ Chính phủ rất quan trọng trong việc tạo môi trường tốt nhất cho các công ty khởi nghiệp phát triển, thực hiện kinh doanh liêm chính. Khung pháp lý hỗ trợ cho khởi nghiệp đã có nhưng việc thực thi luật pháp cần được tăng cường hơn nữa. Với những thách thức trong việc giải quyết các thủ tục hành chính đối với thành lập công ty, thực hiện thuế và các trách nhiệm pháp lý khác của các doanh nghiệp rất cần được Chính phủ xem xét để thay đổi chính sách và thủ tục của mình.
“Một điều đã và đang diễn ra trên thế giới là các doanh nghiệp không chỉ liên quan đến việc kiếm lợi nhuận mà họ ngày càng quan tâm đến vấn đề làm sao có thể giúp đỡ được cho xã hội, hỗ trợ được cho các thế hệ tương lai. Từ đó, liêm chính trong doanh nghiệp là một phần không thể tách rời của những gì mà họ cần làm để có một xã hội hoạt động kinh doanh mang tính bền vững”, ông Darko Pavlovic nhấn mạnh.