Xuân về trên đỉnh Trà Leng
Tiếng cười của các em học sinh xua tan chiều đông giá lạnh |
Trở lại Trà Leng
Những ngày cuối năm, trong cái bộn bề của công việc, tạm gác lại lo toan thường nhật, tôi trở lại Nam Trà My, một huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam, nằm dưới chân dãy Ngọc Linh, nơi đã gánh chịu thiệt hại nặng trong các đợt bão, lũ cuối năm 2020.
Con đường từ quốc lộ 40B dẫn vào xã Trà Leng, bây giờ dễ đi hơn, không còn đầy bùn lầy và đất núi. Những điểm sạt lở, nham nhở dần được dọn dẹp, đường giao thông đang được sửa sang. Nhưng dấu vết bão lũ vẫn còn in hằn trên các vách núi, ven bờ những con suối.
Mặc dù vậy, tiếng cười nói rộn rã của bà con Mơ Nông trong các thôn, làng đã khiến không khí nơi đây trở nên rộn ràng hơn. Trong những căn nhà tạm chỉ còn người già và những đứa trẻ nhỏ. Còn phần lớn bà con các thôn, làng đang đi nhặt trái quế, trồng cau trên rẫy...
Vào đến UBND xã Trà Leng, mặt trời đã đứng bóng, hết giờ làm việc hành chính. Để tìm hiểu câu chuyện về an sinh xã hội, tái định cư cho các hộ dân người đồng bào Mơ Nông có nhà bị nước lũ và sạt lở đất cuốn trôi, chúng tôi tìm đến chị Lê Thị Thu Hằng, Phó bí thư thường trực Đảng ủy xã Trà Leng – cách trụ sở UBND xã tầm 500m.
Chị Hằng chia sẻ, được sự quan tâm của Chính phủ, của tỉnh Quảng Nam, UBND huyện Nam Trà My, những hộ dân bị mất nhà cửa và có nguy cơ rủi ro cao đã được đưa về nơi an toàn làm nhà tạm, ổn định cuộc sống. Được sự quan tâm của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức, đoàn thể chính trị xã hội và các nhà hảo tâm trên cả nước, hiện những hộ dân đã đủ cái ăn, cái mặc. Nhu yếu phẩm sử dụng hàng ngày tương đối đầy đủ. Đảng ủy và chính quyền xã Trà Leng quyết tâm không để dân đói rét, quyết tâm ổn định lại cuộc sống đồng bào bị thiệt hại trong các đợt bão, lũ vừa qua.
Những ngày cuối đông, với cái lạnh buốt trên dải Trường Sơn, cao hơn mặt nước biển đến 800m, bưng cốc nước chè nóng uống một ngụm, chị Hằng bỗng trầm giọng: “vẫn còn 13 người chưa được tìm thấy. Đây là nỗi trăn trở lớn nhất của cấp ủy, chính quyền địa phương…”.
Chị bảo, hơn 30 năm về sống và làm việc tại đây, chưa bao giờ chứng kiến sự khốc liệt, sự giận dữ của thiên nhiên đến vậy. Những ngôi làng từng đông vui, rộn rã tiếng cười, ấy vậy mà chỉ sau một đêm, đã trở nên hoang vắng bên những vết núi lở nham nhở… Phải mất nhiều năm nữa, người dân và cảnh vật nơi đây mới có thể trở lại bình thường.
Khó khăn là vậy, song Phó bí thư xã Trà Leng tin tưởng, với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”, Đảng, Nhà nước sẽ kịp thời có những chính sách để giúp đồng bào vượt qua khó khăn. Có giải pháp cấp bách lẫn lâu dài để giúp địa phương ứng phó với biến đổi khí hậu và thiên tai.
Trà Leng đang đầy sức sống |
Vui mừng được về nơi ở mới
Để ổn định cuộc sống lâu dài cho các hộ dân bị thiệt hại, UBND tỉnh Quảng Nam, huyện Nam Trà My đã thống nhất chủ trương di dời 45 hộ bị ảnh hưởng về tái định cư tại thôn 2, xã Trà Dơn - một trong những vị trí an toàn trên địa bàn huyện Nam Trà My.
Hiện các cơ quan chức năng và đơn vị xây dựng đang triển khai thi công 45 ngôi nhà được thiết kế theo kiểu nhà sàn truyền thống của người đồng bào Mơ Nông, với kinh phí 150 triệu đồng/căn nhà. Dự kiến, các hộ dân sẽ được nhận nhà trước Tết Nguyên đán.
Bà con rất phấn khởi và càng thêm tin yêu khi được Đảng, Nhà nước quan tâm đến đời sống, tạo điều kiện để ổn định nơi ăn chốn ở được an toàn.
Gia đình chị Hồ Thị Nhất ở thôn 1 (cũ), xã Trà Leng, một trong những thôn chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đợt bão lũ vừa qua kể, gia đình có 5 người. Chị Nhất mới sinh em bé được 2 tháng tuổi. Trong khi đó, con dâu đầu của gia đình đang mang thai những tháng cuối cùng. Trong đêm đó, lũ quét về rất nhanh. Rất may cả nhà chạy kịp, nhưng nhà cửa và tài sản bị cuốn trôi hết.
Khi nghe tin được làm nhà mới, gia đình chị Nhất rất vui mừng và biết ơn Đảng và Nhà nước, chính quyền đã quan tâm. Mặc dù xa chỗ ở cũ, xa ruộng nương nhưng yên tâm hơn...
Còn anh Hồ Văn Chương, có nhà bị cuốn trôi trong buổi chiều 28/10/2020, khi bão số 9 càn quét làng Tăk Pát. Anh kể, nước lũ ở thượng nguồn trên sông Xoan dâng cao cuốn phăng mọi thứ. May mắn, tất cả dân làng được sơ tán trước khi dòng lũ đổ về. Ngày bình thường, dòng sông Xoan vốn hiền hòa, thơ mộng. Dân làng chiều nào cũng ra tắm giặt, trẻ con đùa nghịch vui vẻ. Nhưng khi lũ dâng, sông Xoan trở nên cuồng nộ. Chưa từng bao giờ thấy sông nổi giận như vậy...
Bây giờ được sự quan tâm của chính quyền địa phương, những hộ dân bị lũ cuốn trôi mất nhà được di cư đến khu ở mới an toàn hơn. Sắp có nhà mới ai nấy trong làng cũ đều vui mừng, yên tâm sản xuất. Hy vọng, tết này có nhà kiên cố, ổn định, có cái ăn, ra tết sẽ vào vụ thu hoạch nên không lo đói.
Về lâu dài, để giúp người dân nơi đây ổn định cuộc sống, ông Phan Việt Cường, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam cho biết, chính quyền địa phương sẽ hỗ trợ làm lại nhà mới cho người dân bị sập nhà, trôi hết tài sản. Riêng đối với thôn 1, xã Trà Leng làm lại làng mới. Đồng thời, kêu gọi hỗ trợ của nhà hảo tâm để xây dựng nhà kiên cố cho bà con an tâm.
Ngành Ngân hàng chung tay tạo dựng cuộc sống mới
Ngay từ những ngày sau bão, lũ, ngân hàng cũng là một trong những ngành đi đầu trong công tác an sinh xã hội, khắc phục hậu quả. Thống đốc NHNN đã ban hành văn bản yêu cầu lãnh đạo các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; NHNN chi nhánh một số tỉnh, thành phố thực hiện ngay một số nội dung công việc cấp bách để kịp thời hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả do mưa lũ tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên.
Cùng với đó, các TCTD cần thực hiện tốt công tác an sinh xã hội đối với các gia đình bị thiệt hại về người và tài sản, những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai. Trên tinh thần đó, các tổ chức công đoàn, các NHTM đã đồng hành chia sẻ với những khó khăn của người dân miền Trung nói chung và Trà Leng nói riêng.
Công đoàn Ngân hàng Việt Nam đã hỗ trợ 350 triệu đồng cho các cháu mồ côi cả cha lẫn mẹ trong vụ sạt lở núi do ảnh hưởng cơn bão số 9 tại thôn 1, xã Trà Leng. 7 cháu mồ côi được Công đoàn Ngân hàng Việt Nam hỗ trợ mở 7 sổ tiết kiệm, trị giá 50 triệu đồng/sổ, với tổng giá trị 350 triệu đồng.
Các ngân hàng cũng đã và đang có nhiều hoạt động hỗ trợ người dân chịu ảnh hưởng bởi thiên tai như BIDV quyết định dành 8 tỷ đồng để hỗ trợ khẩn cấp cho đồng bào các tỉnh miền Trung bị thiệt hại do thiên tai; Agribank trao 5 tỷ đồng hỗ trợ xây dựng trạm y tế tại xã Phước Thành - Phước Sơn (Quảng Nam) và 160 suất quà động viên bà con nhân dân miền Trung bị ảnh hưởng do thiên tai gây ra để khắc phục thiệt hại, sớm ổn định cuộc sống… NHCSXH chủ động cử các Đoàn công tác kịp thời đến thăm hỏi, chia sẻ, động viên và tặng quà hỗ trợ cho đồng bào tỉnh miền Trung với tổng số tiền 1,2 tỷ đồng. Đây là những món quà thiết thực, thể hiện chung tay, chia sẻ giúp các em học sinh, các gia đình vươn lên ổn định cuộc sống.
Rời Trà Leng trong chiều muộn. Nhìn nụ cười tươi trên gương mặt rạng rỡ của các em học sinh Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Trà Leng đang tan trường, hy vọng cuộc sống của các hộ dân nơi đây sẽ ổn định, lâu dài. Nơi đây sẽ sớm “thay da đổi thịt”...