Xuất khẩu cà phê Việt trước những nỗi lo
Giữ vững vị thế nước xuất khẩu cà phê nhân Xuất khẩu cà phê - nhiều về lượng, yếu về thương hiệu |
Theo các chuyên gia, do áp lực thiếu hụt nguồn cung đã đẩy giá cà phê thế giới tiếp tục tăng cao. Kết thúc phiên giao dịch ngày 28/12/2023, giá xuất khẩu của cà phê Arabica đã có lần tăng thứ 5 liên tiếp. Với đà tăng giá liên tiếp như hiện tại, thì dự báo xuất khẩu ngành này có thể thu về từ 5 tỷ USD vào năm 2024.
Tại thị trường trong nước, giá thu mua cà phê ghi nhận vào thời điểm cuối cùng của năm 2023 cũng đã chạm đỉnh ở mốc 70 nghìn đồng/kg. Giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và một số tỉnh Nam Bộ dao động trong mức từ 69.100 - 69.900 đồng/kg. Được biết, dù giá cao nhưng một số người đã không còn hàng để bán, thậm chí nhiều hợp đồng xuất khẩu cà phê Robusta đang phải tạm dừng do thiếu hàng.
Người nông dân được hưởng lợi khi giá cà phê đang tăng cao |
Đại diện Hiệp hội Cà phê và ca cao Việt Nam (Vicofa) cho biết, do nguồn cung thiếu hụt trầm trọng trong niên vụ cà phê 2022/2023 nên giá cà phê trong nước sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao trong năm tới.
Giá xuất khẩu được dự báo cũng tiếp tục ‘leo dốc’ trong 2024. Mặc dù Việt Nam đã bước vào vụ thu hoạch cà phê niên vụ 2023/2024, nhưng tình trạng khan hiếm nguồn cung vẫn diễn ra, trong khi nhu cầu đang khá lớn. Ước tính còn thiếu khoảng 1,5 – 2,5 triệu bao cà phê theo hợp đồng và cần được đáp ứng từ vụ thu hoạch cà phê hiện tại.
Ông Nguyễn Hải Nam, Chủ tịch Vicofa chia sẻ, hơn 30 năm qua tất cả các nhà rang xay lớn trên thế giới đều gắn với cà phê robusta của Việt Nam, vì vậy sản lượng cà phê robusta của Việt Nam giảm thì ít nhiều gì cũng sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của họ.
Sắp tới, EU chuẩn bị ban hành Quy định về Chống mất rừng và suy thoái rừng (EUDR), cấm một số nhóm mặt hàng nông lâm nghiệp (trong đó có cà phê) nhập khẩu vào thị trường này. Bởi theo EU, mất rừng là nguyên nhân trực tiếp gây ra biến đổi khí hậu.
Được biết, hiện nay xuất sang châu Âu chiếm tới 43% tổng lượng cà phê xuất khẩu của cả nước. Trong đó, xuất sang 27 nước khối EU là 39%, nếu không tuân thủ EUDR thì cà phê Việt Nam sẽ khó xuất khẩu sang thị trường này. Chính vì thế, ngay từ bây giờ rất cần sự vào cuộc tích cực của các bộ, ngành liên quan, các địa phương và các doanh nghiệp.
Đứng ở góc độ doanh nghiệp, ông Thái Như Hiệp, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Vĩnh Hiệp cho rằng, hiện nay phần lớn các doanh nghiệp đều tổ chức vùng nguyên liệu bằng cách liên kết với các hợp tác xã, tổ hợp tác nên truy xuất nguồn gốc hàng hóa rất dễ dàng, và có chứng nhận của các tổ chức cà phê phát triển bền vững trên thế giới.
Tuy nhiên, để xác minh được vùng trồng không phải là đất rừng, có thể truy xuất gốc và nhật ký nông hộ … phải có một nguồn tài chính mạnh, nên rất cần sự vào cuộc hiệu quả của các tổ chức quốc tế, người mua hàng, người bán hàng, doanh nghiệp và các địa phương. Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch-Đầu tư, Bộ Tài nguyên - Môi trường và Bộ Công Thương cần tích cực tham gia cùng Vicofa, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con nông dân truy xuất nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa.