Xuất khẩu giảm tốc rõ nét
Ảnh minh họa |
Bên cạnh đó, nhập khẩu giảm nhanh hơn xuất khẩu, cho thấy các doanh nghiệp đang hạn chế nhập khẩu hàng hoá và nguyên vật liệu phục vụ cho sản xuất, trong bối cảnh đầu ra chậm và thiếu đơn hàng.
Ngành hàng, thị trường chủ lực đều giảm
Theo phản ánh từ một số hiệp hội ngành hàng, nhiều doanh nghiệp đã nhận được đơn hàng xuất khẩu mới sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Đồng thời, thị trường xuất khẩu cũng hứa hẹn rộng hơn với việc mở cửa trở lại của kinh tế Trung Quốc. Tuy nhiên, sự mở cửa trở lại của Trung Quốc có cả những tác động tiêu cực do nước này cũng đồng thời là một công xưởng lớn của thế giới; vì vậy khi các nhà sản xuất của Trung Quốc nhập cuộc, sẽ gia tăng sức ép cạnh tranh lên nhiều ngành hàng xuất khẩu như dệt may, đồ gỗ… của Việt Nam.
Trên thực tế, số liệu xuất khẩu 2 tháng năm 2022 vẫn chưa cho thấy chuyển biến nào đáng kể. Bên cạnh tình trạng giảm đơn hàng, giá xuất khẩu các mặt hàng hầu hết đều giảm so với cùng kỳ. Tính chung hai tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 96,06 tỷ USD, giảm 13,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu giảm 10,4%; nhập khẩu giảm 16%. Xu hướng này trái ngược so với kết quả chúng ta đạt được ở thời điểm cùng kỳ các năm trước. Chẳng hạn trong 2 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 15% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 13%; nhập khẩu tăng 17%.
Xuất khẩu hàng rau, hoa quả tăng trở lại nhờ lực cầu tăng từ thị trường Trung Quốc |
Xuất khẩu suy giảm tương đối đồng đều ở hầu hết các ngành chủ lực như, điện tử, máy tính và linh kiện giảm 13,9%; hàng dệt may giảm 19,6%; giày dép giảm 15,8%; phương tiện vận tải và phụ tùng giảm 7,6%; gỗ và sản phẩm gỗ giảm 34,8%...
Điều đáng mừng là một vài sản phẩm chiếm tỷ trọng lớn vẫn ghi nhận tăng trưởng dương, góp phần giúp xuất khẩu không giảm quá sâu. Cụ thể là nhóm điện thoại các loại và linh kiện tăng 7,6%, nhờ việc SamSung cho ra mắt dòng sản phẩm mới. Nhóm hàng rau, hoa quả tăng 17,8%, một phần là nhờ lực cầu tăng từ sự mở cửa trở lại và phục hồi của kinh tế Trung Quốc. Một nhóm hàng khác cũng tăng nhẹ là phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 7,6%.
Nguyên nhân chính khiến hầu hết các ngành hàng xuất khẩu giảm kim ngạch, là do nhu cầu thế giới suy giảm trong bối cảnh kinh tế toàn cầu được dự báo suy thoái nhẹ. WTO dự báo thương mại toàn cầu chỉ tăng 1% trong năm 2023, giảm mạnh so với mức tăng 3,5% của năm ngoái.
Xuất khẩu sang Mỹ giảm 21%; EU giảm 4,2%; Hàn Quốc giảm 5,7%; và ASEAN giảm 7,9%. Bên cạnh các việc sụt giảm do ảnh hưởng từ lạm phát, suy thoái kinh tế, niềm tin tiêu dùng thấp, các tiêu chuẩn chứng minh nguồn gốc cũng đang trở thành rào cản, đặc biệt là EU. Thị trường Trung Quốc dù đã mở cửa trở lại nhưng chuỗi cung ứng nội địa chưa hoàn toàn hồi phục, ẩn chứa nhiều rủi ro.
Thời điểm để cải thiện năng lực cạnh tranh
Mặc dù thực trạng xuất khẩu 2 tháng đầu năm khá ảm đạm, song xu hướng phục hồi sẽ quay lại vào nửa cuối năm. Nhờ đó trong năm 2023, cả xuất khẩu và nhập khẩu đều được dự báo tăng trưởng trong khoảng 6-8% so với năm ngoái. Cán cân thương mại ước tính thặng dư 10-12 tỷ USD. Điều đó cho thấy khó khăn dồn vào nửa đầu năm nay chỉ là tình trạng tạm thời.
Ông Cao Hữu Hiếu, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) nhận định, trong những tháng đầu năm 2023 thị trường chưa có dấu hiệu khởi sắc do sức mua chậm ở các thị trường tiêu thụ hàng may mặc lớn như Mỹ và Châu Âu. Trong khi đó Trung Quốc vẫn đang “tiêu hoá” dần lượng bông sợi tồn kho nội địa trong bối cảnh ngành may nước này thiếu đơn hàng. Vì vậy đa số doanh nghiệp ngành may của Việt Nam mới có đơn hàng đến hết tháng 2/2023; đơn hàng các tháng sau rất thấp và có xu hướng nhỏ lẻ, phức tạp hơn, giá gia công giảm và cạnh tranh cao.
Dự báo các đơn hàng ngành may sẽ phục hồi vào quý hai, nhưng chúng ta sẽ phải cạnh tranh gay gắt với các đối thủ như Bangladesh, Ấn Độ và Trung Quốc. Ngành sợi vẫn ảm đạm và chưa có dấu hiệu phục hồi, giá bán sợi trên thị trường vẫn ở mức thấp trong khi giá bông đưa vào sản xuất tại các đơn vị vẫn cao hơn nhiều so với giá thị trường hiện nay.
Theo các chuyên gia, tình trạng giảm tốc của xuất khẩu hiện tại cũng cho thấy đã đến lúc các ngành hàng đi vào chu kỳ mới với việc cơ cấu lại để cải thiện năng lực cạnh tranh, đảm bảo có thể tiếp tục tăng trưởng bền vững trong giai đoạn tới. Hơn thế là thực hiện mục tiêu đưa mỗi doanh nghiệp và toàn ngành lên vị trí ưu tiên trong chuỗi giá trị của thế giới. Bởi thực tế trong năm 2022 đã cho thấy những doanh nghiệp nằm ở vị trí ưu tiên trong chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng rất nhỏ, vẫn giữ được sản xuất ổn định. Trong khi đó doanh nghiệp nằm ngoài thứ tự ưu tiên có thể mất 50-80% đơn hàng đang có.
Phân tích về xu hướng trên đang diễn ra ở ngành dệt may thế giới, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Vinatex chỉ ra: năm 2022, các nước xuất khẩu dệt may thuộc top đầu (Ấn Độ, Trung Quốc, Việt Nam) đều chứng kiến sự sụt giảm về kim ngạch, chỉ trừ một quốc gia tiếp tục tăng trưởng tốt là Bangladesh. Lý do để Bangladesh bứt phá từ một quốc gia sản xuất với giá rẻ (có lực lượng lao động dồi dào, 155 triệu dân trên một diện tích hẹp chỉ bằng 1/3 Việt Nam, với một nền sản xuất không được sạch đẹp, đảm bảo an toàn vệ sinh hay trách nhiệm xã hội) là do nước này đã dành số tiền rất lớn vào đầu tư phát triển.
Ông Trường giải thích, Bangladesh tận dụng lợi thế người đi sau để ngay lập tức đáp ứng những tiêu chuẩn cao nhất của ngành công nghiệp dệt may thế giới. Chính vì vậy đến năm 2022, tại đây có khoảng trên 80% nhà máy may đạt tiêu chuẩn LEED Platinum - tiêu chuẩn sản xuất xanh cao nhất của Mỹ do hiệp hội các nhà đầu tư xây dựng Mỹ đặt ra. Trong khi đó tỷ lệ này của ngành dệt may Việt Nam chỉ khoảng 10%. Điều này dẫn tới việc khi thị trường biến động bất lợi thì các nhà nhập khẩu sẽ không đặt các nhà sản xuất của Việt Nam lên vị trí ưu tiên.
Thực trạng tương tự cũng đang diễn ra đối với các ngành xuất khẩu chủ lực khác như nông sản, thuỷ sản, da giày… Trong bối cảnh Việt Nam mở rộng thị trường vào các quốc gia có tiêu chuẩn cao như Mỹ, EU, thì việc nâng cao năng lực cạnh tranh để đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn về sản xuất xanh, an toàn, bền vững… đang trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.