Xuất khẩu nông sản sau chế biến sâu: Góc nhìn từ doanh nghiệp
Xuất khẩu cá tra sang Brazil giảm mạnh | |
Kỳ vọng vào xuất khẩu chuối | |
Xuất khẩu cà phê - nhiều về lượng, yếu về thương hiệu |
Nhìn lại những ngành hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như cà phê, lúa gạo, sắn, cá tra... có thể thấy dù thu về hàng tỷ USD nhưng chủ yếu được xuất dưới dạng nguyên liệu thô, giá trị gia tăng thấp. Trong khi đó, đất đai sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam ngày càng thu hẹp nên không thể lấy sản lượng làm lợi thế tăng hiệu quả kinh tế. Vì vậy, con đường tất yếu của nông sản Việt là hướng đến chế biến tinh để nâng cao giá trị sản phẩm; tận dụng lao động có tay nghề cao với chi phí hợp lý…
Con đường tất yếu của nông sản Việt là hướng đến chế biến tinh để nâng cao giá trị sản phẩm |
Nghị quyết 53/NQ-CP ngày 17/7/2019 của Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2030, nền nông nghiệp Việt Nam lọt vào top 15 nước phát triển nhất thế giới; trong đó ngành chế biến nông sản đứng trong số 10 nước hàng đầu. Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan liên quan điều hành, tổ chức thực hiện có hiệu quả những mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp để khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp hiệu quả, an toàn và bền vững.
Thực tế cho thấy, việc ứng dụng công nghệ sâu sau thu hoạch là chìa khóa để giảm thiểu chi phí, mở cửa và tiếp cận nhiều thị trường trên thế giới, đồng thời gia tăng giá trị của sản phẩm. Ông Nông Ngọc Trung, Chủ tịch CTCP Nông lâm nghiệp Cánh Đồng Vàng cho biết, nếu thanh long tươi có giá 7.000-10.000 đồng/kg, thì sấy khô thành phẩm đang có giá 15 USD/kg, tương đương 300.000 đồng. Trong khi khoảng 11 kg thanh long tươi sẽ cho 1 kg sản phẩm sấy khô.
Ông Trung cũng dẫn chứng thêm, mỗi container thanh long tươi từ Bình Thuận tới cửa khẩu và xuất qua Trung Quốc có chi phí khoảng 100 triệu đồng. Nếu tối ưu hóa số lượng hàng trên mỗi container bằng cách sấy khô thì chi phí sẽ giảm được 11 lần. “Trái cây sấy bảo quản được 24-36 tháng, trong khi trái tươi chỉ được tầm 10 ngày. Như vậy sẽ có thêm nhiều thời gian để doanh nghiệp tiếp cận chuỗi cung ứng toàn cầu”, ông Trung cho biết.
Theo ông Nguyễn Văn Thứ, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP thực phẩm G.C (GC Food), với sản phẩm chế biến từ cây nha đam, công ty đã xuất khẩu đi 20 quốc gia trên thế giới, trong đó có nhiều thị trường lớn, khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, Mỹ… Ngay trong năm 2023, dù thị trường xuất khẩu nói chung có nhiều khó khăn, nhưng công ty cũng đã kín đơn hàng cho cả năm.
“Chúng tôi luôn quan tâm chất lượng sản phẩm sau thu hoạch ở vùng nguyên liệu chính. Vì vậy khi đưa vào chế biến sâu, sản phẩm của công ty đã nhận được sự tin tưởng của các khách hàng quốc tế và giúp cho việc tiêu thụ được dễ hơn. Trong 5 năm tới, hoặc xa hơn là 10 năm, các sản phẩm chế biến sâu từ cây nha đam sẽ vẫn tăng trưởng cao với mức 20%/năm. Đó là lý do để công ty mạnh dạn phát triển vùng nguyên liệu và hoạt động đầu tư chế biến sâu trong thời gian tới”, ông Thứ khẳng định.
Với Công ty TNHH Thực phẩm Duy Anh (TP.HCM), Giám đốc Lê Duy Toàn lại chia sẻ về việc sử dụng các phụ phẩm sau thu hoạch để chế biến thành các loại bún, bánh tráng, và đã tạo được bất ngờ, sức hút cho các thị trường lớn và khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc… Các sản phẩm làm ra từ phụ phẩm nông sản như bún cà phê, bún khoai lang, bún chùm ngây, mì cải bó xôi, mì củ dền, mì bí đỏ, mì mè đen, mì cà rốt… đã được thị trường quốc tế đón nhận.
Trong khi đó, nói về lợi thế của doanh nghiệp chế biến sâu trong hoạt động xuất khẩu, ông Kao Siêu Lực, Tổng giám đốc CTCP thực phẩm Á Châu với thương hiệu bánh kẹo ABC cho biết, công ty đã chế biến một số loại bánh đưa vào thị trường Mỹ tiêu thụ thành công với những đổi mới phù hợp với người tiêu dùng sở tại. “Trung thu năm 2023 này, công ty sẽ làm bánh xuất khẩu sang Mỹ với thành phần chủ lực là nông sản nhập khẩu, bao gồm lúa mì làm vỏ bánh; việt quất, hạnh nhân, phô-mai... làm nhân bánh, hợp khẩu vị khách hàng Mỹ”, ông Lực nhấn mạnh.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, thay vì cố gắng đầu tư để chủ động nguyên liệu tại chỗ, doanh nghiệp có thể đầu tư vào chế biến, nâng cao giá trị sản phẩm và xuất khẩu sản phẩm. Bên cạnh đó, một điều quan trọng không kém đó là chính sách phải tiếp tục có sự đột phá để thu hút đầu tư chế biến sâu, vừa mở rộng thị trường vừa nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản Việt.
PGS.TS. Phạm Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), nhận định: “Chúng ta hoàn toàn có thể nâng cao tỷ lệ chế biến và có thể đáp ứng được nhu cầu về đa dạng hóa sản phẩm rau quả chế biến. Để làm được điều đó trong những năm tới, các doanh nghiệp cần đầu tư công nghệ phù hợp”.
Nghị quyết 53/NQ-CP của Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì rà soát, nghiên cứu xây dựng chiến lược, kế hoạch, đề án phát triển ngành mang tính bền vững, ổn định và hiệu quả, ưu tiên phát triển những ngành, sản phẩm chủ lực theo ba trục sản phẩm chính (Sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia; sản phẩm nông nghiệp chủ lực cấp tỉnh và các sản phẩm đặc sản địa phương) và nghiên cứu xây dựng đề án phát triển 03 ngành chế biến để phấn đấu đứng trong số 5 nước hàng đầu thế giới về: rau củ quả, thủy hải sản, gỗ và sản phẩm từ gỗ… Chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tập trung nghiên cứu phát triển công nghệ sau thu hoạch, khắc phục tổn thất sau thu hoạch, có lợi cho nông dân, gia tăng giá trị sản phẩm và tạo ra những ưu thế so sánh nhất định cho sản phẩm nông nghiệp Việt Nam. |