Xuất khẩu qua thương mại điện tử mở ra nhiều cơ hội mới
Đại dịch Covid-19 đã gây không ít trở ngại cho hoạt động xuất khẩu trong thời gian qua, nhưng kim ngạch xuất khẩu của Hà Nội vẫn có nhiều dấu hiệu khả quan. Đặc biệt, các DN xuất khẩu trên địa bàn thủ đô đang đẩy mạnh xuất khẩu qua kênh thương mại điện tử (TMĐT). Theo các chuyên gia, xuất khẩu qua TMĐT đang là xu hướng toàn cầu, mở ra nhiều cơ hội cho DN, nhất là các DNNVV trong bối cảnh nền kinh tế thế giới rơi vào khủng hoảng vì Covid.
Theo đại diện Sở Công thương Hà Nội, nhờ các chính sách linh hoạt cùng sự chỉ đạo quyết liệt của thành phố, hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn có nhiều chuyển biến tích cực. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 11/2020 ước đạt 1,5 tỷ USD, tăng 8,3% so với tháng trước và tăng 21,8% so với cùng kỳ năm trước. Một số nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh so với cùng kỳ như: Điện thoại và linh kiện tăng 36,3%; hàng gốm sứ tăng 29,6%; giày dép tăng 21,7%; thủy tinh và sản phẩm từ thủy tinh tăng 17,7%; máy vi tính, hàng điện tử và linh kiện tăng 12%...
Ảnh minh họa |
Tính chung 11 tháng năm 2020, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 14,6 tỷ USD, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm 2019. Một số mặt hàng chủ yếu có kim ngạch xuất khẩu 11 tháng tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Hàng gốm sứ đạt 193 triệu USD, tăng 10,1%; gỗ và sản phẩm từ gỗ đạt 481 triệu USD, tăng 7,1%; thủy tinh và sản phẩm từ thủy tinh đạt 328 triệu USD, tăng 3,3%. Một số mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu giảm: Xăng dầu đạt 549 triệu USD, giảm 55,5%; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 985 triệu USD, giảm 19,8%; hàng dệt may đạt 1.702 triệu USD, giảm 12,3%; máy móc thiết bị phụ tùng đạt 1.456 triệu USD, giảm 10,1%; máy vi tính, hàng điện tử và linh kiện đạt 2.112 triệu USD, giảm 6,5%...
Trên thực tế, mặc dù dịch bệnh Covid-19 trong nước đã cơ bản được kiểm soát, tuy nhiên trên thế giới, nhiều quốc gia, đối tác lớn của Việt Nam như EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc… dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng rất lớn đến việc giao thương hàng hóa và kim ngạch xuất nhập khẩu. Đến nay, một số nước đã mở cửa biên giới trở lại nhưng vẫn hạn chế các hoạt động kinh tế, đặc biệt là hoạt động thương mại. Chính vì vậy, hiện nhiều DN xuất khẩu chưa có đơn hàng mới. Bên cạnh đó, hoạt động thông quan hàng hóa khó khăn, tiến độ thông quan chậm do tăng cường kiểm tra, kiểm soát dịch bệnh ở cả hai đầu xuất và nhập hàng hóa đã làm tăng thêm thời gian và chi phí. Giá hàng hóa sụt giảm cũng ảnh hưởng nhiều tới hoạt động xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn Hà Nội.
Bà Trần Thị Phương Lan - Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho rằng, hoạt động xuất khẩu của Hà Nội đến nay tuy tăng trưởng dương, nhưng là mức tăng thấp nhất trong 10 năm gần đây. Các DN xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, do đơn hàng năm 2020 bị hủy hoặc giãn, hoãn, đơn hàng của năm 2021 thì chưa rõ ràng. Đây là thách thức không nhỏ đối với hoạt động xuất nhập khẩu của thành phố. Trước những khó khăn đó, các DN đã và đang đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu qua TMĐT và đạt được những hiệu quả nhất định. Thông qua đó, DN xuất khẩu có thể đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa một cách dễ dàng hơn, tiết kiệm được cả thời gian và chi phí, vừa mở rộng thị trường, khẳng định thương hiệu và phát triển sản xuất kinh doanh thuận lợi hơn.
Trong những năm gần đây, gốm sứ luôn là mặt hàng xuất khẩu có tốc độ phát triển mạnh của Hà Nội. Có được thành quả đó là nhờ các DN đẩy mạnh cả hoạt động xuất khẩu truyền thống và hoạt động xuất khẩu trực tuyến. Bà Hà Thị Vinh - Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và làng nghề Hà Nội cho rằng, để đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng thủ công mỹ nghệ, các làng nghề truyền thống cũng nhanh chóng bắt kịp xu thế, nắm bắt cơ hội, tận dụng lợi thế của TMĐT để đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu sang thị trường nhiều nước. Trong đó như các cơ sở, DN kinh doanh gốm sứ tại xã Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội đã xây dựng TMĐT nhằm xúc tiến tìm kiếm đơn đặt hàng. Nhờ đó, gốm sứ Bát Tràng nhiều năm qua đã xuất khẩu mạnh sang không ít nước trên thế giới như Nhật Bản, Mỹ, EU... Trong 11 tháng qua, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng gốm sứ đạt 193 triệu USD, tăng 10,1%, đây là nỗ lực rất lớn của các DN trong bối cảnh khó khăn hiện nay.
Theo Bộ Công thương, hiện nay có khoảng hơn 30% DN Việt Nam đã thiết lập quan hệ kinh doanh với đối tác nước ngoài thông qua các kênh trực tuyến. Với các hình thức xuất khẩu truyền thống, DN Việt Nam cần thông qua nhiều khâu trung gian nhập khẩu, phân phối phức tạp mới có thể tiếp cận khách hàng nước ngoài, thì thông qua sàn TMĐT quốc tế, DN sẽ tiết giảm được rất nhiều chi phí và thời gian. Thời gian qua, Bộ Công thương đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ đẩy mạnh xuất khẩu trên môi trường trực tuyến. Đặc biệt, qua sàn thương mại điện tử như Amazon, Alibaba… giúp DN có thể nhanh chóng đặt hàng cũng như tiếp cận khách hàng ở những khối thị trường lớn, khó tính như Bắc Mỹ, Nhật Bản, EU...
Theo bà Trần Thị Phương Lan, thời gian tới Sở Công thương sẽ tiếp tục triển khai nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ DN tự tin tham gia vào sân chơi TMĐT nhằm tạo ra những cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu. Đồng thời phối hợp với Google, Alibaba, Amazon và các sàn TMĐT lớn tổ chức hội nghị kết nối. Cập nhật kiến thức số, tăng hiệu quả kinh doanh trên môi trường trực tuyến cho các DN xuất khẩu… Bên cạnh đó, các DN cũng cần nỗ lực đầu tư công nghệ số, bảo đảm chất lượng hàng hóa cũng như thương hiệu để đạt được hiệu quả cao nhất.