2019 - năm của khoa học công nghệ
Các dự án đầu tư hình thành từ kết quả KH&CN được tiếp cận vốn vay ưu đãi | |
Doanh nghiệp Việt chờ các tập đoàn công nghệ |
Theo các chuyên gia, để các DN, nhất là DNNVV bắt nhịp với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, cần có những chính sách về phát triển khoa học công nghệ (KHCN) cũng như khuyến khích DN ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất.
Nhiều công đoạn sản xuất đã được tự động hóa |
Mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nhấn mạnh, hiện còn nhiều chính sách nói chung chưa thực sự coi KHCN là động lực, chìa khoá quan trọng bậc nhất để Việt Nam có thể thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, phát triển nhanh và bền vững. Chính vì thế, năm 2019 cần phải tiếp tục thay đổi các cơ chế chính sách về KHCN; phải coi DN là trung tâm của đổi mới sáng tạo; thúc đẩy hơn nữa DN chú trọng đầu tư cho khoa học công nghệ, có nhiều viện nghiên cứu tư nhân hơn…
Theo các chuyên gia, để KHCN thực sự phát triển thì cần phải tháo gỡ những khó khăn hiện tại mà nhiều đơn vị, DN đang gặp phải như các vướng mắc về cơ chế, về thúc đẩy DN nghiên cứu, ứng dụng KHCN.
Ông Nguyễn Văn Thạo, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng, hiện đã xuất hiện một số DN lớn quan tâm đầu tư cho hoạt động nghiên cứu và đổi mới sáng tạo, tập trung đầu tư theo chuỗi giá trị nhưng nhìn chung, năng lực hấp thụ và đổi mới công nghệ trong các DN Việt Nam còn rất thấp. Nhà nước cần tăng cường đầu tư vào KHCN và đổi mới sáng tạo bằng cả hình thức trực tiếp và gián tiếp, có chính sách khuyến khích, hỗ trợ để huy động nguồn lực xã hội trong và ngoài nước, đặc biệt là hệ thống DN vào phát triển KHCN.
Trên thực tế, đã có nhiều DN phản hồi cơ chế chính sách khoa học công nghệ đang tạo hành lang pháp lý thuận lợi để DN đầu tư cho khoa học và phát triển công nghệ. Tuy nhiên số lượng các DN này vẫn chưa được như kỳ vọng. Hiện nay các DN có nhu cầu lớn về đầu tư phát triển KHCN nhưng chưa có đủ tiềm lực và định hướng trong chiến lược. Với trên 97% các DN Việt Nam hiện nay là các DNNVV, thậm chí siêu nhỏ, nên gặp nhiều khó khăn thách thức về nguồn vốn, trình độ khoa học công nghệ, nguồn nhân lực...
Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Phát triển thị trường và DN KHCN cho biết, Nhà nước đã có những chủ trương hỗ trợ DN trong việc ứng dụng và đổi mới công nghệ nhưng ứng dụng vào thực tiễn vẫn gặp không ít khó khăn. Bên cạnh đó, các DN KHCN vẫn còn thiếu chính sách ưu đãi dành riêng để phát triển và ứng dụng công nghệ mới, đặc biệt là những DN ứng dụng công nghệ cao.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng nhấn mạnh, chúng ta có nhiều chương trình phát triển sản phẩm quốc gia, đổi mới công nghệ nhưng về cơ bản vẫn chưa có chính sách khuyến khích, hỗ trợ các sản phẩm của DN Việt Nam có hàm lượng KHCN tiếp cận thị trường trong nước và thế giới.
Để giúp các DN Việt Nam trong lĩnh vực khoa học và công nghệ phát triển, đầu năm 2019, Chính phủ ban hành Nghị định 13/2019/NĐ-CP về DN khoa học và công nghệ, trong đó có nhiều chính sách ưu đãi DN khoa học và công nghệ như miễn, giảm thuế thu nhập DN; miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước; ưu đãi tín dụng;...
Cụ thể như thu nhập của DN khoa học và công nghệ từ hoạt động sản xuất, kinh doanh các sản phẩm hình thành từ kết quả khoa học và công nghệ được hưởng ưu đãi miễn, giảm thuế thu nhập DN như DN thực hiện dự án đầu tư mới thuộc lĩnh vực nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.
Các dự án đầu tư sản xuất sản phẩm hình thành từ kết quả khoa học và công nghệ của DN khoa học và công nghệ được vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước theo quy định của pháp luật hiện hành. Ngoài ra Nghị định cũng quy định cụ thể về hỗ trợ hoạt động nghiên cứu, thương mại hóa kết quả khoa học và công nghệ.
Theo đó, DN khoa học và công nghệ được hưởng ưu đãi về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu đối với hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, hoạt động sản xuất kinh doanh theo quy định của pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu... Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 20/3/2019. Đây được đánh giá là chính sách phù hợp cho các DN về KHCN phát triển vươn lên trong xu hướng phát triển hiện nay.