Doanh nghiệp Việt chờ các tập đoàn công nghệ
Cú hích Apple
Hãng chuyên lắp ráp Iphone là Tập đoàn Foxconn mới đây cho biết đã thực hiện một bước đi đầu tư mới vào Việt Nam khi thuê lại khoảng 25 ha tại một khu công nghiệp ở Bắc Giang. Đây là động thái nhằm biến Việt Nam (cùng với Ấn Độ) trở thành địa điểm sản xuất kinh doanh mới của tập đoàn cho dây chuyền sản xuất Iphone, thay thế cho Trung Quốc vốn đang chịu áp lực tăng chi phí cũng như chịu ảnh hưởng tiêu cực từ cuộc chiến thương mại với Mỹ.
Không chỉ có Foxconn, đối tác khác của Apple là Pegatron (đảm nhận khoảng 30% lượng đặt hàng của Apple) công bố kế hoạch sẽ xây dựng các nhà máy mới tại Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam trong một kế hoạch nhằm giảm thiểu rủi ro từ Trung Quốc.
Cái Mép - Thị Vải được kỳ vọng sẽ là cái tên đáng chú ý nhất trong năm nay |
Sự dịch chuyển của Foxconn, Pegatron còn nhằm đáp ứng được sự điều chỉnh về mặt chiến lược kinh doanh của gã khổng lồ công nghệ thế giới. Cách đây không lâu, Tim Cook - CEO của Apple cho biết, sẽ tung ra một số sản phẩm mới với mức giá thấp hơn nhằm hấp dẫn người dùng.
Chiến lược này rõ ràng không thể áp dụng nếu các nhà máy rắp ráp Iphone vẫn đặt tại Trung Quốc khi chi phí ngày càng gia tăng. Việt Nam - quốc gia có lợi thế về chi phí và lại tiệm cận với thị trường Trung Quốc - đang trở thành đích đến tiềm năng của các tập đoàn công nghệ.
Nhiều mã cổ phiếu đang mong chờ sự dịch chuyển từ phía các đối tác của Apple. Đáng chú ý nhất là nhóm ngành khu công nghiệp khi có cơ hội đón nhận dòng vốn FDI trị giá hàng tỷ USD.
Thực tế, Foxconn đã có tổng cộng 3 nhà máy tại Việt Nam, một tại Bắc Ninh và hai tại Bắc Giang. Các DN vệ tinh dịch chuyển theo Foxconn, Apple cũng là mục tiêu hấp dẫn cho các khu công nghiệp. Theo lãnh đạo Tổng công ty Kinh Bắc (KBC), hiện DN này đã nhận được một số yêu cầu đặt chỗ của các công ty vệ tinh của Apple với khoản đầu tư ban đầu là 50 triệu USD. “KBC đã nhận được khoản đặt cọc 30 ha tại khu công nghiệp Nam Sơn Hạp Lĩnh và bán được 7 nhà máy”, đại diện KBC cho biết.
Hay như SamKwang - nhà cung ứng vệ tinh cấp 1 cho Samsung hiện nay - cho biết sẽ đầu tư thêm 250 triệu USD vào các khu công nghiệp của KBC. Giá trị cho thuê lô đất mới này theo ước tính của Công ty chứng khoán KIS Việt Nam có thể vào khoảng 207 tỷ đồng.
Dòng vốn FDI giải ngân trong 2018 rất ấn tượng khi đạt tới 19,1 tỷ USD. Trong năm nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự kiến khối ngoại sẽ giải ngân khoảng 20,4 tỷ USD và tăng lên tới 24,7 tỷ USD vào 2020. “Bất động sản khu công nghiệp tiếp tục có triển vọng tích cực nhờ bối cảnh kinh tế vĩ mô tăng trưởng bền vững giúp thu hút dòng vốn FDI, làn sóng chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam và các hiệp định thương mại mà Việt Nam liên tiếp ký mới”, chứng khoán HSC nhận định.
Logistics và hạ tầng cảng sẽ tăng tốc
Một mảng khác sẽ hưởng lợi cực lớn từ cú hích mang tên “Apple” là các công ty logistics và hạ tầng cảng. Theo ông Don Lam - CEO của quỹ Vina Capital, ngành logistics có những cơ hội rất lớn, nhất là các DN sẵn lòng xây dựng mô hình kinh doanh theo hướng hiệu quả hơn. “Chi phí logistics của Việt Nam thuộc loại cao nhất trong khu vực, thậm chí là đứng đầu khu vực và các startup nào đặt ra mục tiêu thay đổi hiện trạng này sẽ có cơ hội phát triển tốt”, ông Don Lam nói trên Deal Street Asia.
Trong 11 tháng đầu năm 2018, tổng sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển tăng 19% so với cùng kỳ năm trước, riêng xuất nhập khẩu tăng đến 15%. Dự kiến xu thế tăng trưởng hai con số sẽ tiếp tục diễn ra trong năm nay.
Hơn thế, những mã cổ phiếu cảng biển còn nhận được sự hỗ trợ về chính sách khi khung giá các dịch vụ cảng biển được điều chỉnh tăng 10% cho nhóm các dịch vụ xuất nhập khẩu kể từ năm 2019. Hệ thống giao thông vận tải đường bộ, đường sắt và đường thủy nội bộ đang ngày càng được phát triển nhằm đồng bộ hóa và hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông, giúp cho các cảng hưởng lợi. “Xu hướng dịch chuyển sang các tàu trọng tải lớn sẽ thu hút các hãng tàu về các cảng ở hạ lưu, đặc biệt là các cảng nước sâu”, Chứng khoán SSI nhận định.
Cái Mép - Thị Vải được kỳ vọng sẽ là cái tên đáng chú ý nhất trong năm nay. Sau một thời gian dài với hiệu suất hoạt động thấp, trên thực tế, khối lượng container năm 2017 tại khu vực này đã tăng gấp ba so với 2011 và đạt 2,4 triệu tấn, chiếm khoảng 20% sản lượng container của Việt Nam.
Theo kế hoạch tổng thể phát triển cảng biển Đông Nam bộ, để giảm bớt vấn đề ùn tắc tại các cảng chính trong TP.HCM, luồng container sẽ được dịch chuyển sang khu vực này. Chính phủ cũng đặt mục tiêu khối lượng container thông qua cụm cảng nước sâu này từ 3,1-3,3 triệu TEU vào năm 2020, tương đương với mức tăng trưởng trung bình hàng năm là 11%. “Với đặc điểm của một cụm cảng nước sâu, khu vực này có lợi thế có thể tiếp nhận các tàu trọng tải lớn đến 200.000 DWT. Trong một xu hướng mà các hãng tàu luôn muốn sử dụng các tàu có kích thước lớn để vận chuyển hàng hóa, chúng tôi cho rằng nhu cầu tại khu vực này sẽ khả quan trong vài năm tới”, Công ty chứng khoán Rồng Việt nhận định.
Dòng vốn FDI giải ngân trong 2018 rất ấn tượng khi đạt tới 19,1 tỷ USD. Trong năm nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự kiến khối ngoại sẽ giải ngân khoảng 20,4 tỷ USD và tăng lên tới 24,7 tỷ USD vào 2020. “Bất động sản khu công nghiệp tiếp tục có triển vọng tích cực nhờ bối cảnh kinh tế vĩ mô tăng trưởng bền vững giúp thu hút dòng vốn FDI, làn sóng chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam và các hiệp định thương mại mà Việt Nam liên tiếp ký mới”, chứng khoán HSC nhận định |