4G và nỗi lo “Bình mới rượu cũ”!
Ảnh minh họa |
Đầu tư ngay hay… cần chờ
Theo đại diện Qualcomn Đông Nam Á, đây là thời điểm “vàng” để đưa 4G vào Việt Nam vì thị trường đã có một hệ sinh thái 4G tương đối hoàn thiện, thiết bị sử dụng không quá đắt và nền tảng công nghệ cho mạng này cũng đã khá ổn. Nếu áp dụng 4G, Việt Nam sẽ được hưởng những công nghệ mới nhất, cho phép sản sinh nhiều ngành mới trong lĩnh vực viễn thông mà trước đây với mạng 3G, việc này là khá khó khăn, đặc biệt là với những ngành có lưu lượng truyền tải lớn.
Nhưng vị đại diện Qualcomn cũng cho rằng để 4G phát triển thành công, các đối tác trong hệ sinh thái cần phải hợp tác chặt chẽ với nhau.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính viễn thông (nay là Bộ TT&TT) Mai Liêm Trực thẳng thắn nêu quan điểm, Việt Nam bây giờ mới cấp phép 4G là chậm, và đã có cơ hội thì không cần phải chờ nữa mà nên triển khai ngay để DN có thời gian chuẩn bị.
“Để triển khai 4G, cơ quan quản lý Nhà nước cần trung lập với công nghệ, không can thiệp. Một số ý kiến cho rằng, hãy để 3G hoàn vốn thì Bộ mới cho phép triển khai 4G. Tuy nhiên, cần phải hiểu rằng hoàn vốn là câu chuyện của DN, chứ không phải là trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước”, ông Mai Liêm Trực cho biết thêm.
Bên cạnh đó, nguyên thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng lại cho rằng, cần xem xét ba yếu tố: công nghệ chín muồi có tính phổ biến, băng tần đủ nhiều có sắp xếp phù hợp và nhu cầu thị trường.
Trên thực tế, chỉ có các loại điện thoại cao cấp và đắt tiền như Iphone 6, Galaxy 4, 5 mới có đáp ứng LTE (dùng mạng 4G). Điều này cho thấy, khi triển khai 4G, một lượng lớn người dùng Việt Nam vẫn chưa thể sử dụng được dịch vụ này ngay.
Thế nên, “nếu công nghệ không phổ biến, chín muồi, có khi triển khai giữa chừng, thế giới chuyển sang công nghệ khác thì lúc đó mình lỡ dịp; hoặc độ chín chưa đủ thì giá thành thiết bị đắt, dẫn đến giá cước đối với người dùng cao, cũng không phù hợp”, ông Thắng phân tích.
4G liệu có khác… 3G?
Đặc biệt, một lý do mà nhiều người trăn trở nhất khi triển khai 4G, đó là liệu rằng khi ứng dụng công nghệ hiện đại hơn thì tốc độ của nó có hơn 3G không, vì 3G hiện nay dù được đánh giá là dịch vụ tốt nhưng vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của người dùng.
Nguyên Thứ trưởng Lê Nam Thắng cũng đưa ra câu hỏi: “Những lần tôi sang Singapore hay các nước châu Âu, thấy họ đều sử dụng điện thoại như ở Việt Nam để phát 3G. Tuy nhiên thẳng thắn mà nói, tốc độ 3G ở nước ngoài tốt hơn nhiều so với ở Việt Nam. Vì sao tốc độ 3G của Việt Nam lại chậm như vậy? Câu hỏi này cần được các nhà mạng trả lời trong thời gian tới”.
Ông Hồ Chí Dũng, Giám đốc Công nghệ của nhà mạng Viettel cũng thừa nhận: “Dù có đầu tư tốt cho 3G nhưng Viettel vẫn đánh giá là chưa thành công: thuê bao 3G chỉ khoảng 30% tổng số thuê bao di động - ở mức thấp.
Ở khu vực Đông Nam Á thì tỷ lệ này là 45%. Riêng tại thị trường Thái Lan, chỉ trong 5 tháng nước này đã chuyển 30% từ thuê bao 2G lên 3G, bằng Viettel làm trong 5 năm. Vì vậy, khi triển khai 4G, Viettel sẽ rút kinh nghiệm về những tồn tại của 3G hiện nay”.
Còn ông Nguyễn Nam Long, Phó tổng giám đốc VNPT-Net phân trần rằng, dù không thành công như mong đợi, nhưng thực tế 3G hiện vẫn đang chạy rất tốt. Tốc độ 3G chậm là do các nhà mạng đều rất khó khăn trong việc xin cấp phép để làm trạm phủ sóng và đây là tình hình chung.
Như năm 2014, VNPT đầu tư mạng 3G phủ sóng 90% lãnh thổ Việt Nam, tuy nhiên, đã gặp không ít vướng mắc về đầu tư cơ sở hạ tầng, mua thiết bị rồi nhưng khó xây nhà trạm do nhiều nguyên nhân. Điều này dẫn tới việc không thể phủ sóng được ở những địa hình bất lợi.